Những ngày mưa, nước nổi khắp các cánh đồng. Thời điểm này cũng là lúc ốc bươu xuất hiện khá nhiều sau bao ngày tránh nắng.
Mưa, nhàn nhã, ít việc làm, các cô các chị lại í ới cả những đứa trẻ con mang thùng thiếc, xách giỏ, đội mưa ra ruộng bắt ốc.
Ốc bươu là một món dân dã được nhiều người thích từ lâu nay. Dù làm món gì thì công đoạn trước tiên là phải đem toàn bộ số ốc ngâm nước lạnh, xả đi xả lại nhiều lần trong ngày. Có người sợ ốc ốm mất ngon nên thường ngâm ốc với nước vo gạo, cách này vừa làm cho ốc mau ra chất bùn vừa làm cho con ốc giữ được chất dinh dưỡng nhờ hút từ nước gạo.
Các món truyền thống của ốc bươu lâu nay thì vẫn cứ hấp sả, luộc, um chuối xanh. Thế nhưng, chẳng lẽ cứ mấy món này ăn hoài thì cũng chán. Mới đây, các chị ở xóm tôi lại “phát minh” ra một món mới hoàn toàn, vừa lạ vừa ngon lại mang chút dáng dấp phù hợp với văn hóa ẩm thực của người Việt, đó chính là món ốc bươu xốt nước cốt dừa.
Ốc có rồi, dừa vườn nhà thì không thiếu. Thường các chị chọn loại dừa vừa già. Trái dừa bổ ra, lấy nước để riêng rồi dùng cây sò hay cái nắp chai bia nạo phần cơm dừa ra từng sợi mảnh, cho vào cối giã thật nhuyễn. Sau khi giã xong, cho phần nước dừa đã để riêng vào phần cơm dừa rồi dùng tay trộn đều cho nước dừa và cơm dừa hòa quyện. Sau đó lược lấy phần nước cốt dừa có màu trắng đục đem đổ vào nồi ốc đã ướp gia vị trước đó. Đợi một chút cho nước cốt dừa thấm đều từng con ốc rồi đậy nắp đem bắc lên bếp, cứ thế nấu đến khi nào nước cốt ngấm vào thịt ốc và chỉ còn xăm xấp trong nồi ốc thì có thể khui nồi dùng được.
Ốc bươu xốt nước cốt dừa là một món hảo hạng. Ốc được múc ra đĩa, tỏa hơi thơm phức. Dù ở quê nhưng các chị cũng lý giải rất hợp tình hợp lý, là ăn ốc nước dừa có tính mát rất dễ bị hàn nên nhất thiết phải có chén mắm gừng, ít đọt rau răm để kề bên mới cân bằng âm dương trong tì vị, nếu có chút rượu ngâm nhấm nháp càng hay.
Phải nói với món này, con ốc bươu từ nơi bùn sâu lấm láp đã hóa thân thành một đặc sản ẩm thực độc đáo trong mùa nước nổi.
Mỹ Tuyết
Bình luận (0)