Ông Hậu cho hay, cơ sở của ông bán và giao hàng lai rai đến tận 30 tết, không phân biệt ngày giờ. Chỉ khi cúng tất niên thì tạm thời ngưng giao, sau đó bình thường trở lại cho đến tối.
Người đàn ông đã qua tuổi 65, từng trải bao thăng trầm trong cuộc sống, khi nhắc đến mẹ giọng vẫn chùng xuống, nói mọi năm, lúc còn mẹ, cứ Tết Âm lịch là cả nhà lại “bồng bế” nhau về Huế. Thế nhưng, 7 năm nay kể từ khi mẹ mất, ông cứ làm việc miệt mài đến 30 tết cúng tất niên đón ông bà về ăn tết tại TP.HCM chứ không về quê nữa.
Ông Hậu nói, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm là điều kiện cần, điều kiện đủ với người làm thực phẩm phải có tâm sáng và yêu nghề thực sự |
NVCC |
Giò chả vốn là món không thể thiếu trong mâm cơm tết. Thế nhưng năm nay, mãi lực thị trường giảm tới 50% so với năm trước nhưng cơ sở của ông vẫn phục vụ tối đa nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Lê Quang Hậu và con gái trong ngày vui của con |
NVCC |
“Kệ, người mua có nhu cầu mới hỏi mua và họ chính là những người mang lại doanh thu cho mình, tại sao có hàng mà không bán? Không nên đặt ra lịch nghỉ tết để ngưng phục vụ. Tôi không có quan điểm đó”.
Cả gia đình trong ngày vui con gái |
NVCC |
Dù mua bán khó khăn hơn, nhưng không phải vì vậy mà các “thủ tục” truyền thống trong gia đình bị “cắt” đi trong 3 ngày tết. Ông chủ cơ sở chả Huế bộc bạch: Sau khi nghỉ làm hàng là quay sang… gói bánh tét bánh chưng. Nhà neo người nên ông chủ yếu gói để tặng bạn bè. Rồi phải có hũ dưa món ngâm củ kiệu với nước mắm ruốc Huế để ăn với bánh tét. "Ăn tết là ăn cái không khí, hoài niệm chứ thời nay, quanh năm muốn ăn bánh tét giờ nào cũng có. Gói và nấu bánh cũng vậy, chủ yếu cho con trẻ thấy không khí, vật phẩm trong ngày tết cổ truyền của mình là thế nào. Rồi cũng phải có bình hoa tươi để chưng và mâm ngũ quả, màu sắc rực rỡ để ông bà về ăn tết thấy vui mắt, cũng như mong muốn một năm mới xán lạn hơn”.- ông Hậu chia sẻ.
Chả làm xong hút chân không, cấp đông chuẩn bị giao khách |
NHẬT THỊNH |
Trước đây, gia đình ông cũng tranh thủ tết đi du lịch đây đó. Nhưng mấy năm gần đây, tết với ông là dịp có thời gian hơn để quây quần với con cháu. "Gia đình tôi năm nay đông vui vì có đứa cháu nội đầu lòng, gả đứa con gái thứ. Hai đứa còn lại kết quả học giỏi, ngoan. Vậy là vui lắm rồi, quên đi những nỗi lo kinh tế"- ông nói.
“Vẫn biết là tình hình kinh tế khó khăn chung nhưng thấy người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng trong dịp tết, cả năm mới có 1 lần, lại thấy chạnh lòng. Mong muốn của tôi cho một năm mới Quý Mão là nền kinh tế tốt dần lên, thu nhập của người dân tăng, sức mua tăng trở lại. Có như vậy, kinh tế sau đại dịch mới phục hồi tốt được”, ông Lê Quang Hậu bộc bạch.
Bình luận (0)