Ông chủ Facebook 'khai' gì trong phiên điều trần thứ hai?
12/04/2018 11:41 GMT+7
Phiên làm việc thứ hai trước Quốc hội Mỹ chủ yếu xoay quanh vấn đề bảo vệ thông tin người dùng, thay vì nhắm vào vụ Cambridge Analytica.
Tự động phát
Theo TheVerge, khác với thái độ khá nhã nhặn từ Thượng viện trong buổi điều trần đầu tiên, phiên làm việc thứ hai vừa kết thúc tại Ủy ban Lập pháp (thuộc Hạ viện Mỹ) căng thẳng hơn khi các đại biểu liên tục dồn CEO Mark Zuckerberg đi vào vấn đề được hỏi. Ủy ban không ngừng đưa câu hỏi nhằm làm rõ cách Facebook hoạt động, làm cách nào để làm giàu dữ liệu chi tiết phục vụ quảng cáo từ hàng tỉ người dùng…
Hạ viện không dành nhiều thời gian quanh vụ bê bối Cambridge Analytica mà xoay quanh những vấn đề rộng hơn, như làm sao Facebook theo dõi người dùng trên web, bảo vệ sự riêng tư ra sao…
|
Mang điều khoản bảo vệ sự riêng tư tới mọi người dùng
Facebook từng phát đi những thông điệp không rõ ràng về việc áp dụng luật Dữ liệu riêng tư châu Âu (GDPR) khi các điều khoản này có hiệu lực vào tháng 5 tới. Tại phiên điều trần vừa rồi, CEO Mark Zuckerberg chính thức khẳng định hãng sẽ ban hành những điều khoản bảo vệ tương tự GDPR trên toàn cầu.
“GDPR có nhiều điều khoản quan trọng. Một trong số đó là khả năng điều khiển mà chúng tôi đang thực hiện. Điều thứ hai là đặt quyền kiểm soát cho người dùng để giúp họ có được lựa chọn. Chúng tôi chuẩn bị làm vậy. Facebook sẽ có công cụ với mỗi ứng dụng để người dùng dễ dàng cài đặt, tùy chỉnh”, Mark nói.
Hạ nghị sĩ cho rằng Facebook đã vi phạm điều khoản của FTC (Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ)
Trong biên bản đồng ý hai bên năm 2011, Facebook được yêu cầu xác nhận và nêu rõ các mối nguy đối với quyền riêng tư của người dùng. Hạ nghị sĩ Robert Latta là một trong số những thành viên của Hạ viện chất vấn cặn kẽ Mark về việc Facebook có thuận theo những điều khoản định trước hay không.
“Tại sao những sổ sách mà anh nộp theo biên bản với FTC không phát hiện ra các vấn đề này?”, ông Latta hỏi. Lãnh đạo Facebook khẳng định công ty của mình đã tuân thủ mọi quy định, nghị định.
Áp lực giải thích phương pháp theo dõi người dùng của Facebook
Trong phiên điều trần diễn ra ngày 12.4 (giờ Việt Nam), Mark không ngừng nhận câu hỏi về việc làm sao Facebook thu thập được dữ liệu người dùng khi họ sử dụng internet, dù có đăng nhập tài khoản mạng xã hội này hay không. Đồng thời, các nghị sĩ cũng thắc mắc về cách công ty lưu trữ dữ liệu từ các website mà người dùng ghé qua và liệu có “hồ sơ bóng ma”, hay được biết đến như tài khoản của những người chưa từng dùng Facebook hoặc đã từ bỏ nền tảng này.
Theo Zuckerberg, có hai thứ cần giải thích cho việc theo dõi thói quen dùng web. Thứ nhất là bảo mật. Nếu Facebook không theo dõi người dùng, nền tảng này không thể ngăn chặn ai đó tải về tất cả các trang Facebook được công khai. “Kể cả nếu ai đó không đăng nhập, chúng tôi vẫn theo dõi một số thông tin cơ bản như họ truy cập vào bao nhiêu trang, như một biện pháp an ninh”, Mark nói.
Điều thứ hai, tất nhiên là chuyện định hướng quảng cáo. “Chúng tôi có thể thu thập thông tin để giúp các quảng cáo liên quan tới người dùng tốt hơn, hoạt động hiệu quả hơn”, ông chủ Facebook giải thích.
Đối với “hồ sơ bóng ma”, Mark khẳng định mình không biết gì về khái niệm đó, đồng thời không trả lời được bao nhiêu điểm dữ liệu hãng thu thập từ một người dùng trung bình, hoặc từ người không dùng Facebook.
Bản thân Mark cũng là nạn nhân vụ rò rỉ với Cambridge Analytica
|
Nhiều thành viên nghị viên gây áp lực buộc Facebook thêm các điều khoản bảo vệ trẻ em
Zuckerberg từng đối mặt với câu hỏi liên quan tới ứng dụng Messenger Kids mà công ty tạo ra cho trẻ em 6 tuổi để trò chuyện trong phiên điều trần đầu tiên. Ở buổi làm việc thứ hai, nghị sĩ Joe Barton yêu cầu Mark phải thêm các chính sách bảo vệ quyền riêng tư của mọi trẻ em.
“Có cách nào để chúng ta có điều khoản không chia sẻ dữ liệu cá nhân cho tới khi đủ 18 tuổi?”, ông Joe nêu câu hỏi. “Không ai có thể truy cập vào dữ liệu cá nhân. Mọi thứ hoàn toàn riêng tư. Đâu có gì sai? Thực tế là các cô cậu tuổi teen rất thích chia sẻ công khai quan điểm của mình”, Mark né câu trả lời trực tiếp.
Nghị viện Mỹ muốn Facebook làm nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống buôn bán thuốc phiện, thuốc gây nghiện trực tuyến
Ngày nay, người dùng bán mọi thứ trên internet, chạy quảng cáo từ Facebook. Trong số này có cả những kẻ kinh doanh thuốc gây nghiện, chất kích thích bị cấm. Dù bán các sản phẩm dược tính này vi phạm điều khoản của Facebook, một số nghị sĩ cho biết những kẻ buôn bán vẫn hoạt động trên nền tảng này.
“Nền tảng của các anh vẫn bị sử dụng để thực hiện việc phi pháp, cho phép người khác mua bán các loại thuốc gây nghiện không cần đơn từ bác sĩ. Tôi phải nói rằng Facebook đang bật đèn xanh cho các hoạt động phi pháp, gây tổn hại tới mọi người”, nghị sĩ David McKinley nhấn mạnh.
Lãnh đạo Facebook cho biết hãng sẽ tìm cách cải thiện quy trình và đội ngũ kiểm soát nội dung. “Tôi nghĩ vẫn còn một số việc trong lĩnh vực nội dung mà Facebook cần làm tốt hơn”, Mark phân trần.
Bình luận (0)