PV Thanh Niên gặp lại ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Phó chủ tịch Q.1 (TP.HCM) ở vạch đích cuộc thi marathon ở H.Mèo Vạc (Hà Giang) hôm 11.10. Ông vừa hoàn thành và giành huy chương với quãng đường 42 km. Đây là cự ly mà rất ít người có thể chinh phục, chỉ có 60 trong tổng số 400 vận động viên đăng ký. Những vận động viên khác chỉ chọn những cự ly ngắn hơn hơn như 21, 12 và 6 km.
PV đã từng nhiều lần gặp ông Đoàn Ngọc Hải mặc chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay với đồng hồ và điện thoại siêu sang gây xôn xao năm nào. Không quá lời khi gọi ông Đoàn Ngọc Hải là “trung tâm” của hoạt động lập lại trật tự lòng lề đường khi ấy. Nhiều người gọi đó là “cuộc chiến vỉa hè”... Có một điều không thể phủ nhận, là mặc dù hoạt động của ông Hải có thể đã gây tranh cãi nhưng lại lan tỏa ra rất nhiều quận, huyện, tỉnh, thành trong thời gian khá dài.
Gặp ông Hải ở vạch đích cuộc thi marathon, cũng tình cờ thấy ông không còn mặc chiếc áo trắng ngắn tay như những hình ảnh người ta thường thấy trên báo chí.
|
Ai nói tôi "làm màu" là quyền của họ
PV: Đầu tiên là một câu hỏi có vẻ hơi cá nhân, nhưng rất nhiều người băn khoăn, ông dường như lúc nào cũng xuất hiện trong chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay, đây là phong cách thời trang yêu thích của ông; hay ông chỉ có loại áo này?
Ông Đoàn Ngọc Hải: Sở thích của tôi mấy chục năm nay rồi. Có lúc bạn bè cũng gửi áo caro cho mặc, rồi may cho mình áo caro nhưng mà mặc được 1-2 ngày thì lại chán, lại bỏ. Tôi thấy nó không phù hợp với con người của mình. Con người của mình chắc mãi mãi mặc áo sơ mi trắng thôi chứ không thể thay đổi được.
Nếu mà nói về trang phục marathon và trang phục áo trắng thì lúc nào tôi cũng vẫn thích trang phục áo trắng hằng ngày. Nó thoải mái, thích thú hơn. Marathon mặc vào thì căng thẳng lắm, mệt mỏi lắm. Nó không còn sự thú vị, thoải mái của người mặc sơ mi trắng hằng ngày nữa.
|
* Lại một câu hỏi liên quan đến chuyện thời trang, vì sao kể từ khi ông bắt đầu lái xe cứu thương thì người ta thấy ông hay đi dép tổ ong?
- Chuyện đôi dép tổ ong là câu chuyện cũng bình thường thôi; không phải để làm màu giả nghèo giả khổ, không phải vậy. Khi tôi xin nghỉ việc sớm thì có về Hội An (Quảng Nam), lúc ấy có một cô em ở Hội An biết mình sắp lên lên núi Ngọc Linh, núi Trà My chơi. Cô ấy trang bị cho mình đôi dép nhựa màu trắng. Từ hôm đó trở đi mình thích luôn, cả năm nay rồi.
* Bên cạnh rất nhiều lời khen thì cũng có ý kiến cho rằng ông đang “làm màu”? Ông nghĩ sao về chuyện này?
- Thực sự thì tôi cũng không muốn suy nghĩ về điều đó, bởi vì con người tôi không phải như vậy. Còn ai nghĩ tôi "làm màu" thì đó là quyền của họ. Mình không có quyền ngăn cản họ được.
* Rất nhiều người bất ngờ khi thấy ông mua xe cứu thương rồi tự lái xe chở bệnh nhân nghèo. Tại sao ông lại lựa chọn công việc này?
- Chuyện lái xe cứu thương xuất phát từ việc tôi lái chiếc Mercedes S500 đi từ Sài Gòn ra Hà Nội khi tôi nghỉ việc. Trên đường, tôi thấy xe cứu thương biển trắng TP.HCM cứ chạy qua chạy lại trước xe tôi rất nhiều.
Lúc ấy, tôi nghĩ: “Tại sao mình không lái xe cứu thương để chở người mà lại lái xe Mercedes S500 này?”.
Từ đó về nhà tôi nung nấu ý định và đã bán chiếc xe Mercedes S500 đi rồi (giá một chiếc Mercedes S500 mới hiện khoảng hơn 7 tỉ đồng – PV). Tôi không muốn đi cái xe đó nữa. Tôi chỉ muốn lái xe cứu thương.
Tôi muốn chở bệnh nhân và chở hàng hóa, ưu tiên cho những huyện như Mèo Vạc là huyện khó khăn nhất của Tây Bắc và một số huyện ở Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu… sắp tới là sẽ như vậy.
|
Sao ông không từ thiện khi đương chức?
* Lái xe cứu thương cần chuyên nghiệp, một mình ông tự lái vậy lỡ có chuyện gì không an toàn thì tính sao?
- Suy nghĩ của mọi người về việc lái xe cứu thương một mình nguy hiểm là rất đúng, mình không có ý kiến gì khác. Tuy nhiên, mỗi con người đều có những khả năng khác nhau, có sức chịu đựng khác nhau, ý chí, nghị lực cũng như cung bậc cảm xúc khác nhau. Đối với bản thân tôi từng chở người bệnh, người chết, hàng hóa cho bà con nghèo, tôi cảm thấy đó là cung bậc cảm xúc trong tôi nó rất thú vị. Tôi không thể chia sẻ cảm xúc đó cho bất cứ một tài xế nào khác, đó là ý kiến của cá nhân tôi.
Tôi phải trực tiếp chở bà con, trực tiếp cho họ 1 triệu đồng khi bước chân vào nhà họ. Bất cứ người nào khi lên xe cứu thương của tôi về nhà đều được 1 triệu đồng. Đến khi tôi qua đời thì thôi.
* Nhiều ý kiến cũng thắc mắc rằng sao ông không làm từ thiện khi đương chức, mà nghỉ công tác rồi mới làm?
- Tôi làm từ thiện từ mấy chục năm trước rồi. Mấy chục năm trước tôi là một nhân viên bình thường và đã đi về Mèo Vạc, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu… và tôi đã làm từ thiện rồi. Tuy nhiên lúc đó mọi người chưa biết tôi là ai cả.
Còn bây giờ đi đến đâu mọi người cũng biết nên mới dậy sóng lên chứ bản thân tôi không thuê người đi làm những chuyện này; và cũng chẳng bao giờ lăng xê báo chí để mà làm cái gì cả.
Tôi đi đến đâu mọi người cũng phát hiện, cũng đưa máy iPhone lên quay. Do vậy, điều đó tạo nên một sự áp lực cho cá nhân tôi cũng như cho mọi người; và cho những hiểu biết không đúng đắn về công việc từ thiện. Hàng vạn người làm từ thiện trên đất nước này họ đang rất sợ điều đó. Họ làm từ thiện nhưng lại cứ lo rằng mọi người nghĩ về họ không đúng. Đấy là điều chúng ta nên xem xét lại và không nên cực đoan quá đối với những người làm từ thiện.
* Xin cảm ơn ông Đoàn Ngọc Hải, chúc ông nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc mong muốn.
Bình luận (0)