Ông Erdogan cảnh báo Hy Lạp: Tên lửa Thổ Nhĩ Kỳ có thể bắn đến Athens

13/12/2022 13:30 GMT+7

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo Hy Lạp rằng Ankara có thể phóng tên lửa đến thủ đô Athens nếu nước này "không giữ được bình tĩnh", theo báo Politico hôm 11.12.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Afp/getty

“Giờ đây chúng tôi đang khởi động quy trình sản xuất tên lửa nội địa”, Tổng thống Erdogan phát biểu tại một sự kiện ở Samsun, miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ. “Tất nhiên, việc sản xuất này khiến người Hy Lạp cảm thấy sợ hãi. Khi cái tên “Tayfun” được nói ra, người Hy Lạp sẽ thảng thốt nói rằng “Nó sẽ bắn trúng Athens”. À, tất nhiên là như thế rồi”, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Tayfun, hay “bão tố”, là tên lửa dòng tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển. Tên lửa này đã được khai hỏa trong một cuộc thử nghiệm vào tháng 10 bên trên bầu trời Biển Đen và bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 560 km. Đây là tầm bắn xa hơn gấp đôi so với các dòng tên lửa hiện có của nước này.

“Nếu không giữ được bình tĩnh, nếu cứ tìm cách mua [vũ khí] này nọ, từ Mỹ đến những hòn đảo kia (quần đảo Aegea), Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đứng nhìn một cách bàng quang. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải làm điều gì đó”, ông Erdogan bổ sung.

Những tháng gần đây, chính quyền Ankara liên tục đưa ra những thông điệp đầy ẩn ý cho Hy Lạp. Điều này do chính quyền ông Erdogan tỏ ra lo ngại trước việc Athens có động thái gia tăng sức mạnh quân sự cho các hòn đảo ở Aegea gần bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Chẳng hạn, ông Erdogan nói rằng: “Chúng tôi có thể bất ngờ đổ bộ trong đêm khi thời cơ tới”.

Tuần trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu cảnh báo Hy Lạp ngừng ngay việc quân sự hóa quần đảo Aegea, nếu không Ankara “sẽ thực thi những bước cần thiết trên bộ”.

Một góc châu Âu đang rạn nứt

Bất chấp cùng là thành viên của NATO, hai quốc gia láng giềng đang trong tình trạng “cơm không lành, canh chẳng ngọt” suốt những thập niên qua vì các tranh chấp như ranh giới trên biển, các tuyên bố chồng lấn nhau về thềm lục địa…

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là hai trong số các nước có quân đội lớn nhất NATO và án ngữ một góc quan trọng của châu Âu. Tranh chấp kéo dài tiếp tục làm rạn nứt mối quan hệ của họ và ảnh hưởng đến liên minh.

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ là hai trong số các thành viên lâu đời nhất của NATO, cùng gia nhập liên minh vào năm 1952. Song mối quan hệ và những căng thẳng giữa hai nước đã có từ trước khi NATO ra đời, và việc trở thành thành viên của liên minh hầu như không làm dịu đi tranh chấp của họ.

Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Athens và Ankara đã xấu đi đến mức một số người tin rằng một cuộc chiến có thể nổ ra giữa hai nước, theo Business Insider.

Đầu năm nay, Hy Lạp kêu gọi các đồng minh phương Tây hãy chấm dứt những luận điệu và các thông điệp đầy ẩn ý trên của Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không, nguy cơ như chiến sự Ukraine có thể tái diễn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.