Ông Kissinger lại đề xuất kế hoạch hòa bình cho Ukraine, không ủng hộ đánh Nga kiệt quệ

18/12/2022 08:15 GMT+7

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã đưa ra những gợi ý về thỏa thuận hòa bình cho xung đột giữa Nga và Ukraine.

Trong một bài luận đăng trên tạp chí The Spectator ngày 17.12, cựu Ngoại trưởng Mỹ henry Kissinger kêu gọi các bên khẩn trương đàm phán một thỏa thuận hòa bình tại Ukraine nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới.

Theo RT, ông Kissinger xem cuộc xung đột hiện tại là cuộc chiến giữa hai cường quốc hạt nhân tại một nước vũ trang quy ước, qua đó gợi ý rằng xung đột Ukraine là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Mỹ và Nga.

Theo đề xuất của ông Kissinger, tiến trình hòa bình sẽ liên kết Ukraine với NATO và ông tin rằng tình trạng trung lập của Kyiv không còn là vấn đề cần cân nhắc nữa.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger

reuters

Ông cũng đề xuất Nga rút quân khỏi Ukraine trở về ranh giới như trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự ngày 24.2. Các vùng Donetsk, Luhansk và Crimea có thể được mang ra đàm phán sau thỏa thuận ngừng bắn.

Ông Kissinger (99 tuổi) cho biết bên cạnh sự tự do của Ukraine, thỏa thuận cũng thiết lập một cấu trúc quốc tế mới, đặc biệt là tại Trung và Đông Âu trong đó Nga cũng nên có chỗ.

Theo nhận định của nhà ngoại giao gạo gội, dù nhiều người cho rằng phải khiến khiến nước Nga "sức tàn lực tận" vì cuộc chiến, ông Kissinger tin rằng Moscow có "vai trò lịch sử không thể bị xem nhẹ".

Làm tan rã nước Nga sẽ biết lãnh thổ rộng lớn thành "vùng chân không bị phe phái giành giật", nơi "các xã hội cạnh tranh có thể sẽ quyết định dùng bạo lực để giải quyết tranh chấp, còn láng giềng cũng tìm cách giành lãnh thổ bằng sức mạnh, và có trong tay "hàng ngàn vũ khí hạt nhân".

Về bản chất, đề xuất ông Kissinger vừa nêu ra không khác những điều ông đã nêu hồi tháng 5, mà sau đó đã khiến ông trở thành cái gai trong mắt Ukraine.

Tuy nhiên, cũng có một điểm mới là lý do mà ông Kissinger đưa ra đề xuất.

Theo đó, tháng 8.1916, Mỹ đã có cơ hội làm trung gian để chấm dứt Thế chiến 1 theo đề nghị của các bên tham chiến. Tuy nhiên, dù một thỏa thuận hòa bình dựa trên tình trạng trước chiến tranh được điều chỉnh đã trong tầm tay, Tổng thống Mỹ khi đó là Woodrow Wilson lại trì hoãn đàm phán đến sau khi ông tái đắc cử vào tháng 11.

Theo ông Kissinger, thời điểm đó đã quá trễ và cuộc chiến kéo dài thêm 2 năm, gây thiệt hại đến sự cân bằng đã được thiết lập tại châu Âu một cách không thể cứu vãn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong tháng 12 đã bác bỏ mọi khả năng ngừng bắn nếu không khôi phục biên giới của Ukraine như khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1991.

Trong khi đó, phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn đọc kỹ bài luận của ông Kissinger nhưng không may là chưa có cơ hội để đọc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.