Làm đèn Trung thu để giáo dục trẻ em
Ngoài đam mê thì theo ông, quan trọng nhất là để giáo dục cho thiếu nhi gìn giữ văn hóa truyền thống của cha ông.
Cứ mỗi dịp gần đến tết Trung thu, đầu con ngõ nhỏ nằm trên đường Lý Tự Trọng (P.Bắc Hà, TP.Hà Tĩnh) lại xuất hiện tấm bạt được căng lên với nội dung: "Việt Dũng - Đèn Trung thu truyền thống".
Ngoài tấm biển hiệu, người đi đường còn bị thu hút bởi các loại đèn Trung thu hình ông sao và con cá đủ màu sắc với kích thước lớn nhỏ, trưng bày ngay cạnh vỉa hè.
Đó là cách ông Dũng "quảng cáo" cho người dân thành phố về đèn Trung thu truyền thống do chính ông tự tay làm nên.
"Hồi còn nhỏ, cứ gần đến dịp tết Trung thu là tôi cùng với bạn bè trang lứa tự tay cắt giấy, chẻ tre để làm đèn ông sao. Vào đêm trăng rằm, mọi người quây quần bên nhau, lấy dầu lạc để thắp đèn đi rước một vòng xung quanh xóm làng và cùng nhau phá cỗ. Đêm Trung thu hồi ấy dù đơn sơ, giản dị nhưng vô cùng ấm áp. Nhưng càng về sau này, đèn Trung thu làm thủ công càng ít xuất hiện trong đêm hội trăng rằm do sự du nhập của các loại đèn công nghiệp", ông Dũng tâm sự.
Ông Dũng vẫn luôn đau đáu nỗi niềm ấy trong lòng. Chỉ đến khi ông rời quân ngũ, trở quê về lấy vợ và sinh con thì mới quyết định bắt tay vào làm đèn Trung thu truyền thống cho thiếu nhi.
Vào năm 1991, những chiếc đèn trung thu hình ông sao đầu tiên do ông Dũng tự tay mày mò cắt dán bắt đầu ra lò. Những vị khách hồi đó mua đèn của ông cũng chỉ là người quen, hàng xóm và khu phố. Càng về sau, đèn Trung thu của ông Dũng được người dân địa phương biết đến nhiều hơn nên bán chạy hơn.
Ông Dũng làm đèn cả ngày lẫn đêm, hễ có đơn đặt hàng là ông cố gắng làm để giao cho kịp lịch hẹn. Đèn của ông Dũng thường có kích thước dài rộng bằng sải tay, chủ yếu là hình ngôi sao vàng năm cánh và đèn hình cá chép, con gà. Vật liệu để làm đèn là bằng tre nứa, giấy ni lông đủ màu, giấy kim tuyến, giấy phế liệu và keo dán. Tùy kích thước lớn nhỏ và độ khó, mỗi chiếc đèn được ông bán với giá từ 150.000 - 400.000 đồng.
"Mỗi chiếc đèn tôi bán ra ngoài giúp bản thân có thêm thu nhập thì còn mang tính giáo dục. Ví như khi làm đèn ông sao tôi có dán ảnh Bác Hồ ở giữa, mục đích là để các cháu biết được lịch sử của ngôi sao vàng, thấy sao vàng là thấy Tổ quốc. Đặc biệt, hình tượng ngôi sao năm cánh còn nhắc nhở cho các cháu thiếu nhi, nhi đồng về 5 điều Bác dạy. Còn khi làm đèn hình các con vật, tôi sử dụng giấy phế liệu là muốn nhắc cho các cháu về ý thức bảo vệ môi trường", ông Dũng giải thích
Truyền nghề làm đèn trung thu cho trường học
Những ngày qua, trên gác tầng 2 trong căn nhà của mình, ông Dũng vẫn miệt mài "sản xuất" các đơn đặt hàng, để kịp giao đèn cho các trường học, khu phố để tổ chức rước đèn Trung thu cho các em học sinh. Dịp trung thu năm nay, ông đã bán ra thị trường khoảng 100 chiếc đèn các loại.
Theo ông Dũng, dịp Trung thu năm nay, ông đã gợi ý cho một trường mầm non tư thục ở TP.Hà Tĩnh mở cuộc thi làm đèn trung thu cho giáo viên và phụ huynh học sinh và đã được nhà trường đồng ý.
"Tôi chính là ban giám khảo chấm điểm cho cuộc thi đó. Các phụ huynh và giáo viên được tôi tỉ mẩn hướng dẫn cho cách chuẩn bị vật liệu, làm khung và dán giấy trang trí. Tôi rất vui mừng khi nhà trường và rất nhiều phụ huynh đã hào hứng tham gia. Đây cũng là cách mà tôi muốn truyền lại nghề làm đèn Trung thu truyền thống cho họ", ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng cho hay, không khí Trung thu ở khắp phố phường Hà Tĩnh đã bắt đầu rộn ràng. Dạo khắp các quán xá trong thành phố đều bày bán các mặt hàng Trung thu đủ các loại đèn nhấp nháy và đồ chơi cho trẻ em. Ông Dũng chỉ mong các bậc phụ huynh cần mua cho con em mình các loại đèn phù hợp, nhất quyết không mua đồ chơi mang tính bạo lực, để các cháu thiếu nhi có một cái tết Trung thu vui vẻ, an toàn.
Lồng đèn cá khổng lồ đẹp từng chi tiết, giá cao ngất ngưởng của vợ chồng kỹ sư
Bình luận (0)