'Ông lớn' lên sàn

17/01/2014 09:00 GMT+7

Chứng khoán đang kỳ vọng lớn vào việc cổ phần hóa hàng loạt các thương hiệu lớn như Vinamotor, Vietnam Airlines, Viglacera...

 Vietnam Airlines
Nếu Vietnam Airlines thực hiện IPO sẽ thu hút được vốn đầu tư trong ngoài nước - Ảnh: M.Vọng

Hấp dẫn các nguồn vốn lớn

Việc cổ phần hóa (CPH) các “ông lớn” trên đã được nói đến từ lâu nhưng chưa bao giờ, quyết liệt như hiện nay. Cuối tháng 2, Tổng công ty thủy tinh và gốm xây dựng (Viglacera), đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam, dự kiến sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 76,9 triệu cổ phần (tương đương 25,07% vốn điều lệ) với giá khởi điểm là 10.300 đồng/cổ phần.  Ngay sau đó, hơn 7 triệu cổ phần của Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng cũng sẽ được IPO… và dự kiến trong quý 1/2014, Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng tiếp bước. 

 

Tuyệt đối phải tuân thủ việc gắn CPH với niêm yết cổ phiếu. Các tập đoàn được CPH đợt này đều là những tài sản lớn nên tiến trình CPH phải công khai, chuyên nghiệp, có lộ trình, có thuê tư vấn quốc tế

Ông Lê Hoàng Anh

Khẳng định quyết tâm nhất là ngành vận tải. Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, trong năm mới ngành này sẽ có 11 tổng công ty CPH như Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6, 8, Xây dựng Thăng Long, Xây dựng đường thủy, Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor), Vận tải thủy và Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)... Công bố này đang làm nức lòng nhà đầu tư bởi theo họ, nếu như Vinamotor hay Vietnam Airlines được IPO và nhanh chóng niêm yết trên sàn sẽ giúp thị trường chứng khoán có bước thay đổi đáng kể. Bởi vì đây là những doanh nghiệp (DN) có quy mô lớn, có thương hiệu và có những lợi thế riêng trong hoạt động của mình nên doanh thu và lợi nhuận đều cao. Ví dụ năm 2013, Vietnam Airlines đạt doanh thu 72.555 tỉ đồng (tăng 8,5% theo kế hoạch) và đạt lợi nhuận trước thuế 533 tỉ đồng, tăng 34% so với kế hoạch.

Giám đốc Công ty quản lý quỹ Dragon Capital Lê Hoàng Anh nhận định:  Quyết tâm đẩy mạnh CPH của Chính phủ là một thông tin rất tốt. Dưới góc độ đầu tư, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài luôn quan tâm đến các công ty lớn, hiệu quả, thanh khoản tốt. Hiện mới chỉ có 7 công ty niêm yết có vốn hóa thị trường vượt mốc 1 tỉ USD và khoảng 54 công ty vượt mốc 100 triệu USD nên sự lựa chọn của nhà đầu tư còn rất hạn chế. Trong khi các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thường muốn mỗi khoản đầu tư tối thiểu cũng 10 - 20 triệu USD vì dưới mức này, chi phí quản lý đầu tư trở nên quá lớn.

 

Không hạn chế thời gian giao dịch cổ phiếu bị kiểm soát

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa ban hành Quy chế niêm yết mới 2014 và sẽ có hiệu lực từ ngày 20.1. Trong đó, có sự thay đổi đối với những quy định về các cổ phiếu bị kiểm soát và kiểm soát đặc biệt. Cụ thể CP bị kiểm soát khi công ty kinh doanh thua lỗ do bị tác động khách quan của tình hình kinh tế khó khăn sẽ không bị hạn chế về thời gian giao dịch như trước đây. Riêng CP sẽ bị kiểm soát đặc biệt, do công ty vi phạm các quy định về công bố thông tin, sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo hoặc trong trường hợp HOSE xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư. Như vậy sau khi quy chế mới được áp dụng, trong 10 CP đang bị kiểm soát hiện nay trên HOSE thì có 2 CP là STT (CTCP vận chuyển Saigontourist) và SGT (CTCP công nghệ viễn thông Sài Gòn) bị chuyển sang dạng kiểm soát đặc biệt (chỉ được giao dịch vào phiên chiều).

Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam Nguyễn Hoàng Hải cũng cho rằng việc thúc đẩy IPO các DN quy mô lớn sẽ thu hút được nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước, thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi của người dân. Đặc biệt thu hút được các nhà đầu tư chiến lược tham gia mạnh với những thương vụ mua cổ phần có thể lên đến hàng tỉ USD. Khi đó chắc chắn thị trường tài chính chứng khoán cũng sẽ sôi động hơn.

Gắn IPO với niêm yết

Vấn đề mà các chuyên gia, các nhà đầu tư lo ngại là CPH "nửa vời", CPH nhưng nhà nước vẫn nắm giữ tỷ lệ lên mức 80 - 90% vốn hoặc IPO nhưng không chịu niêm yết. Như trường hợp Công ty bia Sài Gòn (Sabeco) đã đăng ký với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM niêm yết từ quý 4/2008 và cam kết khi đã lên sàn sẽ bán dần dần cổ phần của nhà nước. Nhưng đã gần 6 năm trôi qua, đến nay công ty này vẫn chưa niêm yết, nhà nước vẫn sở hữu gần 90% vốn điều lệ. Hay Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã trễ hẹn lên sàn gần 3 năm, kể từ sau khi IPO thành công từ năm 2011. 

Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Anh ví von: Cô dâu viễn thông được bố mẹ cho quá nhiều của hồi môn đắng nên mãi vẫn không được lên xe hoa, còn chàng rể bia thì đã kén được vợ nhưng vợ chưa được sở hữu chồng. Ông Lê Hoàng Anh khẳng định: “Tuyệt  đối phải tuân thủ việc gắn CPH với niêm yết cổ phiếu. Các tập đoàn được CPH đợt này đều là những tài sản lớn nên tiến trình CPH phải công khai, chuyên nghiệp, có lộ trình, có thuê tư vấn quốc tế. Thành công của những năm 2006 - 2007 minh chứng rất rõ điều này”.

Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Mở TP.HCM), cho rằng hiện nay để thực hiện IPO thành công thì giá không còn là điều quan trọng nhất mà phải có cam kết lộ trình niêm yết cụ thể trong kế hoạch chào bán cổ phần ra bên ngoài. Thời gian niêm yết càng sớm sẽ càng khiến cổ phần bán được giá vì tất cả nhà đầu tư đều muốn DN sẽ niêm yết để minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó cần có quy định rõ về việc xử lý phần thặng dư vốn (nếu có) như thế nào cho từng DN. Điều này cũng giúp cho các nhà đầu tư tính toán được giá trị DN để đầu tư ngay từ lúc đầu. “Khi đưa các DN đã thực hiện CPH lên niêm yết thì sức ép của thị trường, của các cổ đông bên ngoài sẽ khiến DN phải có những thay đổi lớn hơn, tuân theo quy luật của thị trường và hoạt động cũng sẽ hiệu quả hơn. Đó mới chính là mục tiêu thật sự của việc CPH các DN nhà nước”, TS Nguyễn Văn Thuận nói.

6/8 đề án thuộc Bộ Giao thông vận tải

 

Giám đốc Công ty quản lý quỹ Dragon Capital Lê Hoàng Anh nhận định: Trong số 8 đề án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong những ngày đầu năm mới có đến 6 đề án thuộc Bộ Giao thông vận tải. Ngành giao thông vận tải đã khá quyết liệt ngay từ đầu, đề ra lộ trình rõ ràng, tuyên bố thay lãnh đạo DN nếu không hoàn thành CPH và xác định cổ phần nhà nước không được chi phối, kể cả các lĩnh vực tưởng như nhạy cảm như hàng không hay cảng biển. Làm thế này thì sẽ thành công.

 

 

Phạt nặng DN không niêm yết

Theo Nghị định 108/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trên TTCK vừa ban hành, DN huy động vốn từ công chúng sau 1 năm (bán cổ phần) phải tiến hành niêm yết CP trên 2 sàn. Nếu quá thời hạn, DN sẽ bị xử phạt nặng và DN phải hoàn tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc cho nhà đầu tư, tính kèm khoản lãi dựa theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn kể từ thời điểm rót vốn.

Mai Phương 

>> Năm nay cổ phần hóa Vietnam Airlines
>> Tái cơ cấu DNNN không đủ điểu kiện cổ phần hóa
>> Tháng 1.2012, hoàn thành phương án cổ phần hóa DNNN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.