“Điệp khúc” xin giảm thuế, xin cơ chế
Tập đoàn dệt may VN (Vinatex) vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xin một loạt cơ chế riêng, ưu đãi thuế phí nhằm thúc đẩy phát triển, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) dệt may.
Cụ thể, tập đoàn muốn cho hoàn lại thuế thu nhập DN đã thu nếu DN đem lợi nhuận sau thuế làm vốn đầu tư mở rộng sản xuất theo công nghệ hiện đại. Đồng thời có chính sách riêng, ưu đãi hơn về thuế phí nếu DN áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ xanh.
tin liên quan
DN Việt khó tận dụng ưu đãi trong các hiệp định thương mạiNgày 2.8, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tổ chức hội thảo 'Tận dụng
ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do - FTA - mà VN tham gia đối
với ngành dệt may' tại TP.HCM.
Hiện tại các quy định pháp lý là sàn tối thiểu DN phải đảm bảo, nhưng chưa có cơ chế khuyến khích DN làm tốt hơn tiêu chuẩn do áp dụng công nghệ tiên tiến. Kiến nghị có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực ngành dệt may, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội phù hợp trước áp lực về nguồn chi lương, nhân công, sản xuất và cạnh tranh trong, ngoài nước ngày càng tăng…
Đồng thời không phải kê khai thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa trong phạm vi 3% hao hụt cho phép. Cao hơn, Vinatex đề nghị Chính phủ có giải pháp và chỉ đạo các địa phương ủng hộ đầu tư dệt nhuộm, điều chỉnh quy hoạch tổng thể đến năm 2035, tầm nhìn 2050 cho các ngành thâm dụng lao động chiếm tỷ trọng 40% xuất khẩu cả nước, có cơ hội thành ngành trọng yếu xuất khẩu.
Không chỉ Vinatex, việc xin ưu đãi, giảm thuế phí, cơ chế riêng diễn ra ở nhiều ngành, từ ngành than, thép, khoáng sản, xi măng… Trước việc ứ đọng, dư thừa khoảng 30 triệu tấn xi măng trong nước, tháng 7 vừa qua Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng lên tiếng đề xuất giảm thuế để giải cứu cho ngành xi măng.
Theo đó, mức thuế xuất khẩu 5% đối với xi măng hiện nay khiến chi phí tăng, khó cạnh tranh với Trung Quốc và các nước trong khu vực. Hoặc mới đây, Tập đoàn dầu khí VN (PVN) đề xuất hàng loạt ưu đãi về thuế đối với dự án đường ống dẫn khí lô B quy mô 1,2 tỉ USD.
Cụ thể, về thuế thu nhập DN, PVN xin được áp thuế suất 10% trong 30 năm (sau 30 năm áp dụng thuế suất là 20%), miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Hay Bộ Công thương cũng có kiến nghị giảm thuế xuất khẩu cho quặng sắt thô do tồn kho lớn, nhu cầu trong nước giảm. Hoặc việc Tập đoàn điện lực VN muốn giảm mua 2 triệu tấn than của Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản VN (TKV) khiến TKV kêu khó cũng gây nhiều tranh cãi. Trước nhiều kiến nghị, Bộ Tài chính đã lắc đầu với dự án đường ống dẫn khí 1,2 tỉ USD, cũng như với các đề xuất xin giảm thuế của ngành than, khoáng sản (quặng sắt thô)...
Theo báo cáo tính đến cuối năm 2015 của Bộ Tài chính, tổng số cam kết bảo lãnh Chính phủ gần 26 tỉ USD, trong đó bảo lãnh vay nước ngoài hơn 21,8 tỉ USD, chiếm xấp xỉ 84%. Tính đến hết năm 2015, tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh là khoảng 21 tỉ USD (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty công nghiệp tàu thủy VN - SBIC).
Được bảo lãnh, vay vốn giá rẻ, cộng thêm nhiều ưu đãi về đất đai, tài nguyên… nhưng nhiều DN nhà nước làm ăn thua lỗ, không hiệu quả. Thủ tướng đã yêu cầu từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp đặc biệt phải trình Thủ tướng xem xét, quyết định từng dự án cụ thể.
Phải cạnh tranh theo đúng quy luật thị trường
Theo chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, không nên tạo ra môi trường kinh doanh có quá nhiều ưu đãi tập trung vào một số DN lớn khiến mặt bằng kinh doanh “gồ ghề”, không bình đẳng trong nền kinh tế thị trường. Có những ưu đãi đặc biệt có thể chấp nhận, như những DN đang gặp khó khăn lớn, phá sản do thiên tai bão lụt mới đây.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng nếu những kiến nghị trên có nằm trong quy định cổ phần hóa, DN được phép hưởng thì hợp lý. Còn ngược lại không có cơ sở để “phá lệ” cho riêng một DN nào.
TS Đinh Tuấn Minh nhấn mạnh, giá trị các ưu đãi rất lớn, việc xin - cho “đặc ân” có thể dẫn đến tình trạng hạn chế sự phát triển của ngành và ảnh hưởng đến các DN khác, bởi lẽ ra nguồn lực, nguồn vốn đó có thể chảy vào những DN tốt thay vì vào những DN thua lỗ kéo dài. Hơn nữa, lâu nay, cơ chế hỗ trợ của nhà nước cũng đã dần thay đổi theo hướng chấm dứt cơ chế xin - cho, không bao cấp, không hỗ trợ cho sự yếu kém.
Bình luận (0)