Ông Nguyễn Đức Chung được chị gái giúp nộp 10 tỉ đồng

21/06/2022 06:10 GMT+7

bị cáo Nguyễn Đức Chung đề nghị cơ quan tố tụng trả lại 10 tỉ đồng mà chị gái mình nộp khắc phục hậu quả trong giai đoạn sơ thẩm vì cho rằng tòa cấp này tuyên án sai pháp luật.

Ngày 20.6, TAND Cấp cao tại Hà Nội bắt đầu phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội và Nguyễn Trường Giang, cựu Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Arktic (Công ty Arktic), trong vụ mua chế phẩm Redoxy-3C gây thiệt hại cho nhà nước hơn 36 tỉ đồng.

Đề nghị bác kháng cáo kêu oan của cựu chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, vì sao?

Cùng vụ án, Võ Tiến Hùng, cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, ban đầu có đơn xin giảm nhẹ hình phạt, tuy nhiên sau đó lại rút đơn. Sáng 20.6, phiên tòa được mở (dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 22.6), bị cáo Hùng được triệu tập đến phục vụ xét xử đã “nhân tiện” xin tòa phúc thẩm xem xét, giảm nhẹ án sơ thẩm trước đó.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại phiên tòa

Trần Cường

Tòa cấp sơ thẩm trước đó tuyên bị cáo Chung 8 năm tù, buộc bồi thường 25 tỉ đồng; bị cáo Giang bị tuyên 4 năm 6 tháng tù, buộc bồi thường 7,1 tỉ đồng; bị cáo Hùng lãnh án 4 năm tù và phải bồi thường 4 tỉ đồng, cùng về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tại tòa, luật sư của bị cáo Nguyễn Đức Chung đề nghị HĐXX triệu tập 2 nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Hùng và Nguyễn Doãn Toản, đồng thời đề nghị triệu tập điều tra viên cao cấp của Bộ Công an cùng các nhân chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Về phía mình, bị cáo Chung đề nghị tòa triệu tập một nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội. Sau khi hội ý, chủ tọa cho rằng cần thiết sẽ triệu tập sau.

“Công ty Arktic là của gia đình ông Nguyễn Đức Chung”

Trước tòa, bị cáo Nguyễn Trường Giang giữ nguyên kháng cáo giảm nhẹ hình phạt và những lời khai trước đó tại tòa sơ thẩm. Bị cáo Giang cho hay sau phiên sơ thẩm, ông đã tác động gia đình nộp thêm tiền khắc phục hậu quả vụ án, đồng thời xuất trình thêm một số tài liệu làm căn cứ xin giảm nhẹ hình phạt.

Trả lời xét hỏi, bị cáo Giang cho hay quen ông Nguyễn Đức Chung vào năm 2014. 2 năm sau, ông Giang được ông Chung tác động và được tham gia đoàn công tác dự triển lãm công nghệ môi trường ở nước Đức, với vai trò làm phiên dịch cho đoàn, sau đó còn được tham gia họp với đối tác ở Đức về công nghệ xử lý nước thải của Công ty Watch Water (Đức). Khi đại diện của Watch Water sang VN, bị cáo Giang đã trao đổi về giá cả sản phẩm, chính sách bán hóa chất của công ty này, sau đó thay mặt Công ty Arktic ký phân phối độc quyền chế phẩm Redoxy-3C dưới sự chỉ đạo của bị cáo Chung.

Ngoài cáo buộc cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội là người chỉ đạo, bị cáo Giang còn khẳng định Công ty Arktic là của gia đình ông Nguyễn Đức Chung, nên ông Chung đã chỉ đạo bị cáo Giang ký phân phối độc quyền Redoxy-3C với Watch Water. Dù là giám đốc của Arktic nhưng bị cáo Giang chỉ quản lý hoạt động của công ty và làm theo chỉ đạo, chứ mọi chuyện trong công ty đều không được quyết định.

“Không biết vợ bỏ tiền tỉ mở công ty”

Bước lên bục xét hỏi, bị cáo Chung thừa nhận có nhờ bị cáo Giang dẫn đoàn sang Đức làm việc, nhưng không nhờ làm việc với Công ty Watch Water. Bị cáo Chung phản bác việc đã chỉ đạo ông Giang “làm gì, mua ở đâu, bán ở đâu” và nhiều lần phủ nhận Arktic là công ty của gia đình mình.

Theo cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, bản thân biết vợ, con trai cùng một người khác thành lập Công ty Arktic trong thời gian con trai ông về VN. Tuy nhiên, ông không biết việc vợ mình đã bỏ toàn bộ 5 tỉ đồng vốn điều lệ khi thành lập công ty. Sau đó, ông Chung khuyên con trai chuyên tâm học hành, và Công ty Arktic được chuyển nhượng.

Lý giải việc phải thông qua Công ty Arktic để mua Redoxy-3C, bị cáo Chung cho rằng đối tác Đức không chịu lập văn phòng đại diện ở Hà Nội và không chọn doanh nghiệp có vốn nhà nước để làm đại diện. Ông Chung cho rằng “đã làm hết khả năng để Hà Nội có được sản phẩm tốt, giá tốt và được lợi ích về môi trường xanh, sạch”.

Ông Chung đòi lại 10 tỉ đồng

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Đức Chung đề nghị cơ quan tố tụng trả lại 10 tỉ đồng mà chị gái mình nộp khắc phục hậu quả trong giai đoạn sơ thẩm vì cho rằng tòa cấp này tuyên án sai pháp luật. Chủ tọa sau đó cho biết chị ông Chung tự nguyện nộp thay bị cáo Chung, nhưng bị cáo này cho rằng phải nghe trực tiếp từ chị gái mình để cân nhắc việc có đồng ý cho chị gái nộp thay hay không.

Nộp cho em trai 10 tỉ đồng để khắc phục hậu quả, chị gái ông Chung được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và được triệu tập tới tòa. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe, bà có đơn xin vắng mặt. Thay mặt bà, chủ tọa công bố nội dung đơn của bà. Theo đó, người chị thấy em trai bị truy tố ở khung hình phạt cao nên rất thương xót. Bà cho rằng nếu gia đình khắc phục hậu quả thì em trai sẽ được giảm nhẹ hình phạt, nên đã vay mượn để nộp 10 tỉ đồng, khắc phục hậu quả cho em trai mà không bàn bạc với bị cáo Chung.

“Tôi dùng tiền của mình, sau khi nộp tiền đã nhờ luật sư nộp lại biên lai cho tòa. Quan điểm của tôi là nếu em trai tôi bị kết án, tôi nộp 10 tỉ đồng mà không có thắc mắc gì”, chủ tọa công bố nội dung đơn.

Trước thông tin này, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị được gặp chị gái để xác định “chị tôi cho tôi số tiền đó hay là cho tôi vay”. Đồng thời, bị cáo Chung đề nghị tòa phúc thẩm tính toán lại con số thiệt hại hơn 36 tỉ đồng trong vụ án. Trong trường hợp thiệt hại lớn hơn thì kể cả vay mượn, bị cáo Nguyễn Đức Chung cho hay vẫn khắc phục ngay. Ngược lại, nếu cấp sơ thẩm tuyên sai thì bị cáo không chấp nhận bồi thường.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.