Nhiếp ảnh gia nghiệp dư
Theo chân quân viễn chinh Pháp, máy ảnh và nhiếp ảnh du nhập vào Việt Nam giữa thế kỷ 19. Thế nhưng, đa phần ảnh còn lưu lại cho đến nay về con người, kiến trúc và phong cảnh Việt Nam thời kỳ đầu Pháp thuộc đều do người Pháp chụp.
Nhìn lại lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam giai đoạn 1850 - 1950, chúng ta đặc biệt cảm ơn những nhiếp ảnh gia Émile Gsell, Pierre Dieulefils, Charles-Édouard Hocquard, Fernand Nadal, Firmin André Salles, John Thomson… Khi Dieulefils và Hocquard chụp ảnh chiến dịch ở Bắc kỳ thì ở Trung kỳ, Camille Paris (1856 - 1908) đã chụp lại nhiều bức ảnh về cư dân, đời sống, phong cảnh và kiến trúc các tỉnh Quảng Nam, Tourane (Đà Nẵng ngày nay) và Huế.
|
Sống ở Trung kỳ một thời gian dài, vì công việc nên Paris có cơ hội di chuyển nhiều. Vì tính hiếu kỳ và phần nào đó là chất dân tộc học trong người, ông chụp lại hàng trăm bức ảnh về con người, trò chơi dân gian, phong cảnh, đền đài, kiến trúc Việt Nam cuối thế kỷ 19. Đó là cảnh họp chợ, các nghệ sĩ hóa trang, con trâu, đồng áng, phụ nữ khỏa thân tắm bên giếng nước, dân làng chài… ở Tourane (Đà Nẵng); thành quách, đồn quân sự, chùa, cây cầu tre, những ông quan, người thợ làm việc ở mỏ Nông Sơn, tháp Chàm và các tượng, văn bia ở Quảng Nam; lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị ở Huế. Ngoài ra, ông còn chụp nhiều hình ảnh thú vị về người dân, gia đình quyền quý, cảnh chém đầu… ở Hà Nội, Bắc Ninh với các ghi chú chi tiết dưới mỗi bức ảnh.
|
Nhà Việt Nam học
Từ các nguồn thông tin Pháp ngữ, ta biết được Camille Paris sinh tại Lunéville (Pháp) ngày 10.9.1856. Ông tham gia chiến dịch Bắc kỳ năm 1884 - 1885 với tư cách lính thủy quân lục chiến, sau đó chuyển qua công tác trong ngành bưu chính và điện báo, chịu trách nhiệm xây dựng đường điện báo Trung kỳ từ Huế đến Sài Gòn giai đoạn 1885 - 1889. Ông được người Việt lúc bấy giờ gọi là “ông Tây dây thép”.
Paris làm chủ sự bưu điện tại Tourane năm 1894, sau đó đầu tư vào nông nghiệp (1895) ở Phong Lệ, cách Tourane vài cây số về phía nam với một đồn điền cà phê mà trên vị trí đó ông đã tìm thấy nhiều dấu tích Chàm. Kể từ đó, Paris dành hết tâm huyết cho nghiên cứu bản đồ học, dân tộc học, đặc biệt là khảo cổ học.
Ông sống gần gũi với người dân Việt, quan tâm đến đời sống của người lai Pháp - Việt, các nhà truyền giáo và hội truyền giáo. Tháng 3.1904, ông xuất bản bài viết về thân phận của những đứa trẻ lai bị bỏ rơi với nhan đề De la Condition juridique des métis dans les colonies et possessions françaises des métis franco-annamites de l’Indochine (Về tình trạng pháp lý của người lai ở thuộc địa và lãnh thổ Pháp: người lai An Nam - Pháp ở Đông Dương)
|
|
Năm 1894, ông xuất bản cuốn sách dày 46 trang về trà ở Trung kỳ (Le Thé d’Annam); năm 1895, xuất bản cuốn sách dày 95 trang có nhan đề Le Café d'Annam: étude pratique sur sa culture (Cà phê Trung kỳ: nghiên cứu thực tiễn về nông nghiệp).
Tháng 6.1896, Paris nhận nhiệm vụ nghiên cứu các công trình kiến trúc Chàm tại Trung kỳ. Cuộc nghiên cứu kéo dài từ ngày 16.12.1896 - 12.6.1897, đào sâu biên giới phía nam của Chămpa xưa.
Camille Paris được biết đến là người phát hiện thánh địa Mỹ Sơn vào năm 1889. Cùng với những nhà nghiên cứu tiên phong Henri Parmentier và Charles Carpeaux, ông góp phần đặt nền móng cho công cuộc nghiên cứu nghệ thuật Chămpa.
Ông cũng xuất bản một số sách/báo nghiên cứu về lịch sử, nhân chủng học liên quan đến Việt Nam như: Abrégé de L’Histoire D’An-Nam de 2874 Avant J.-C, A 1890 ere Chrétienne (Lược sử nước An Nam từ năm 2874 TCN đến năm 1890), Les ruines Tjames de Tra-Kéou, prov. de Quang Nam (An Nam) (Phế tích Chàm ở Trà Kiệu, tỉnh Quảng Nam (Trung kỳ)); Les ruines Tjames de la prov. de Quang Nam (Tourane) (Phế tích Chàm ở tỉnh Quảng Nam (Tourane)). Ngoài ra, cùng với Ch.Emonts, ông xuất bản nhiều bản vẽ, bản đồ liên quan đến phế tích Chàm ở Mỹ Sơn, đầm phá Hà Trung, bản đồ từ Tourane đến Mỹ Sơn, hành trình đến Bắc kỳ, các tuyến đường tại Quảng Trị, Quảng Bình… rất có giá trị nghiên cứu về mặt địa lý; và nhiều nghiên cứu khác nữa đã được xuất bản ở Pháp và Hà Nội.
Năm 1889, Paris xuất bản cuốn sách quan trọng hàng đầu Voyage d’exploration de Hué en Cochinchine par la Route mandarine (Du ký Trung kỳ theo đường cái quan), ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trên nhiều lĩnh vực liên quan đến dải đất Trung kỳ của Việt Nam.
Ông mất trong cuộc thám hiểm năm 1908. Tương tự những nhà Việt Nam học Dumoutier và Cadière, Paris có hơn 20 năm sống ở Việt Nam và chết tại vùng đất này, như cái “nghiệp” mà họ đã chọn: sống - chết, gắn bó với con người, văn hóa và lịch sử Annam.
Bình luận (0)