Ông Trịnh Văn Quyết nói gì về bay thẳng đến Mỹ, mua đội bóng ngoại hạng Anh?

Mai Hà
Mai Hà
01/12/2021 11:39 GMT+7

Bamboo Airways từng tuyên bố là hãng đầu tiên bay thẳng tới Mỹ, song mới đây Vietnam Airlines (VNA) lại cho biết đã nhận được chứng nhận quan trọng của TSA (Mỹ) để trở thành hãng đầu tiên và duy nhất của Việt Nam bay thẳng tới Mỹ.

Xung quanh câu chuyện này, phóng viên đã trao đổi nhanh với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways

thu huyền

Ngày 28.11, Vietnam Airlines vừa thực hiện chuyến bay thẳng đầu tiên sang Mỹ. Trước đó, Bamboo cũng tuyên bố thực hiện chuyến bay thẳng đầu tiên sang Mỹ. “Đầu tiên” của Bamboo khác gì so với “đầu tiên” của Vietnam Airlines, thưa ông?

- Ông Trịnh Văn Quyết: Không cần đặt lại vấn đề này nữa, vì Việt Nam đã cho mở lại đường bay quốc tế thường lệ hai chiều bình thường đâu. Vé cũng chưa thể mở bán tự do ở cả hai chiều để bay thương mại.

Chuyến bay thẳng đi Mỹ của Bamboo Airways (ngày 24.9 hạ cánh tại sân bay San Franciso) là chuyến bay kỹ thuật (bay kiểm chứng) để phục vụ bay thương mại. Bamboo đã xúc tiến hoàn tất các thủ tục và chỉ chờ Chính phủ cho phép chính thức.

Tôi không quan trọng chuyện bay trước bay sau. Bamboo có nhu cầu bay thẳng tới Mỹ. Tôi đã nói cách đây nhiều năm rồi.

"Bamboo Airways dự tính bay Mỹ là có lãi"

Cách đây 2 năm ông có nói giá vé khứ hồi bay Mỹ của Bamboo khoảng 1.300 USD. Ông có tự tin sẽ lãi không?

Mức giá sắp tới vẫn thế, dự kiến khoảng 1.300 - 1.500 USD/vé khứ hồi, tuỳ từng thời điểm. Bamboo dự tính bay Mỹ là có lãi, nhờ lợi thế hệ sinh thái của tập đoàn, cũng như các sản phẩm combo kết hợp bay và du lịch.

Nhưng thị trường đã thay đổi rất nhiều sau đại dịch Covid-19?

Không có gì nhiều thay đổi, trên thế giới mọi người tiêm vắc xin rồi đều đi lại bình thường. Vừa rồi, Bamboo mở đường bay thẳng tới Anh, tôi đi Anh thì không cảm nhận gì về dịch, khi xuống sân bay là bỏ khẩu trang. Thị trường Mỹ đang dẫn đầu về số chuyến bay.

Tới đây, sau dịch Covid-19, chúng tôi tin sẽ chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ về hàng không trở lại. Đại dịch gây ra nhiều khó khăn nhưng cũng mang lại cả những lợi thế. Chẳng hạn, gần 2 năm trước đi thuê máy bay rất khó vì nhu cầu cao, nhưng 2 năm vừa rồi, thuê máy bay rẻ hơn rất nhiều. Giá rẻ hơn, thuê rất dễ. Không chỉ máy bay chở khách mà máy bay chở hàng cũng thế.

Bamboo dự kiến đầu quý 1.2022 sẽ bay thẳng tới Mỹ cách ngày, tiến tới mỗi ngày một chuyến

thu huyền

Dự định mua một đội bóng Ngoại hạng Anh

Bamboo đã làm được nhiều việc, bay thẳng kỹ thuật sang Mỹ. Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng hãng muốn "bay Mỹ" để “đánh bóng tên tuổi” nhiều hơn là đạt bài toán kinh tế?

Chúng tôi không có nhu cầu “đánh bóng”. Nếu nói “đánh bóng” thì chỉ một điều là thị trường hàng không của Mỹ uy tín, bay được vào Mỹ rất khắt khe, nhờ vậy việc Bamboo Airways bay thẳng tới Mỹ sẽ tạo thêm thương hiệu để bay vào các thị trường khác.

Tần suất bay thường lệ đến Mỹ ban đầu sẽ cách ngày, sau đó chúng tôi sẽ tính tới bay hàng ngày, kết hợp cả chở khách và chở hàng.

Bamboo Airways đã bay thẳng tới Anh, mục tiêu tiếp theo là gì?

Tôi mong muốn Bamboo sẽ là thương hiệu quốc tế, toàn cầu để khi người ta nhắc đến Bamboo Airways sẽ biết ngay là hãng hàng không của Việt Nam. Việc mua một đội bóng Anh là một phần trong kế hoạch này. Chúng tôi đã bắt đầu quá trình xem xét, tiếp xúc để đặt vấn đề, với mục tiêu cụ thể là sở hữu đa số cổ phần của một câu lạc bộ bóng đá tại giải Ngoại hạng Anh, thông qua một số kênh liên lạc.

Về đường bay thẳng Anh, chúng tôi đã có gói combo vé máy bay, nghỉ dưỡng, chơi golf, sắp tới rất có thể sẽ là những sản phẩm đặc biệt kết hợp bóng đá với hàng không, cụ thể là thiết kế những tour đặc biệt kết hợp thăm nước Anh và xem các trận đấu hấp dẫn tại giải ngoại hạng dành cho hành khách trong thời gian tới.

Năm 2021 là một năm lao đao với nhiều doanh nghiệp, nhất là hàng không và du lịch. Bamboo thì thế nào, thưa ông?

Nếu nói khó khăn thì 2020 mới là năm khó khăn nhất của chúng tôi, vì chưa có kinh nghiệm phòng, chống dịch. Mọi thứ đều bị động, sau khi dịch xảy ra thì mọi thứ thay đổi liên tục. Nhưng năm 2021 chúng tôi đã có bài học từ năm ngoái, có kế hoạch ứng phó trong điều tiết nhân viên, tàu bay.

Tôi ghét nhất từ “tỉ phú”

Hành trình của ông từ “Quyết luật sư” cách đây 20 năm đến “Quyết FLC”, “Quyết Bamboo” có nhiều thăng trầm không?

Mọi thứ đều tuần tự. Không có gì thăng trầm hay bí quyết gì lớn. Tôi chỉ có làm việc là quên hết. Nhiều khi đau dạ dày nhưng làm việc lại quên hết.

Các tỉ phú hiện nay tại Việt Nam nhiều người xuất thân từ Đông Âu, có quá trình tích luỹ từ đầu tư tại nước ngoài. Hành trình thành tỉ phú của ông khá khác biệt khi bắt đầu từ số 0?

Tôi ghét nhất từ “tỉ phú”. Ai bảo giàu nhanh, tôi thấy bình thường. Sắp 50 tuổi rồi, còn giàu nhanh gì nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.