Ông Trịnh Văn Quyết: ‘Tôi chưa bao giờ nói tài chính của Bamboo khó khăn’

Mai Hà
Mai Hà
30/05/2020 20:11 GMT+7

Lãnh đạo FLC và Bamboo Airways khẳng định vẫn giữ kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm nay của hãng này, trong bối cảnh thị trường hàng không chưa thực sự phục hồi trở lại.

Liên quan đến khả năng phục hồi của Bamboo Airways sau dịch Covid-19, trao đổi với báo chí chiều 30.5, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways, cho biết đỉnh điểm của khó khăn với thị trường hàng không đã qua, các hãng đã khai thác bay nội địa bình thường trở lại.
Tuy nhiên, hiệu quả cụ thể ra sao hay khả năng có lãi hay không sẽ phải đợi đến cuối năm mới có con số chính xác.
Dự kiến, sau khi hết dịch, Bamboo sẽ mở lại một số đường bay quốc tế như Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc), Đài Loan, sau đó sẽ mở đường bay tới Nhật.
Kế hoạch mở đường bay Praha (Séc) của hãng vào tháng 4 đã bị hoãn lại do dịch bệnh, cũng sẽ được mở lại sau khi hết dịch.
Theo ông Quyết, kế hoạch mở đường bay đi Séc rất thuận lợi do Bamboo Airways là hãng hàng không tiên phong mở đường bay này, Chính phủ 2 nước cũng mong muốn và tạo điều kiện cấp phép.
“Tôi chưa bao giờ nói tài chính của Bamboo khó khăn, tất cả những gì tôi trả lời trước đây cũng đều khẳng định điều này. Bamboo hiện đang triển khai bình thường các hoạt động, thậm chí còn nhanh chóng, bài bản hơn trước khi có dịch”, ông Quyết cho biết.
Cũng theo lãnh đạo FLC, thị trường đang phục hồi trở lại và chưa có hãng hàng không nào xin dừng bay vì khó khăn. Khó khăn chỉ thực sự diễn ra khi các hãng tuyên bố không bay hoặc cắt giảm nhân sự và đường bay, như Emirates cắt giảm 30% nhân sự.
Ông Quyết cũng khẳng định, năm 2020, Bamboo Airways vẫn giữ kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán. Hãng này cũng đang nộp hồ sơ xin phép mở rộng đội máy bay lên 40 - 45 chiếc vào cuối năm nay.
Đáng chú ý, theo ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways, hãng này sẽ phát triển những máy bay chuyên dụng chở hàng hoá và cho ra đời Bamboo Airways Cargo.
“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh khai thác những chuyến bay chở hàng hoá, giảm việc máy bay nằm đất, đồng thời tối đa hoá nhân lực. Chúng ta đang có nhu cầu tăng đột biến chở hàng hoá xuất khẩu như khẩu trang, đồ bảo hộ y tế từ Việt Nam tới các quốc gia khác”, ông Thắng cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.