Dù Tổng thống Trump đã áp thuế hàng tỉ USD hàng hóa và tranh chấp thương mại với hầu hết đối tác thương mại quan trọng của Mỹ trong 3 năm qua nhưng ông viết Twitter rằng: "Chúng tôi không muốn gây khó dễ cho các quốc gia khác khi hợp tác kinh doanh với chúng tôi. Mỹ không thể trở thành một nơi gây khó dễ nếu nước ngoài muốn mua sản phẩm của chúng tôi”.
Bình luận của ông Trump được cho là nhắm vào giới chức mang quan điểm cứng rắn trong chính phủ, cụ thể là họ muốn ngăn chặn hãng General Electric bán động cơ máy bay cho Trung Quốc.
"Tôi muốn Trung Quốc mua động cơ máy bay của chúng tôi vốn là loại tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, tôi đã thấy một số quy định đang được lưu hành... và chúng thật lố bịch", ông Trump cho hay.
Các quan chức Mỹ đang cân nhắc từ chối cấp phép cho CFM International, một liên doanh giữa GE và Safran SA của Pháp, để xuất khẩu thêm động cơ máy bay sang Trung Quốc, theo tờ The Wall Street Journal.
Tờ báo cho rằng mục đích của việc từ chối cấp phép là nhằm làm tê liệt sự phát triển của tập đoàn sản xuất máy bay thương mại COMAC thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc.
Đối tác thương mại không ngồi yên chờ Mỹ áp thuế
Trong chiến lược thương mại đối đầu của mình, Tổng thống Trump đã áp thuế đối với thép và nhôm khắp thế giới để bảo vệ ngành công nghiệp chủ chốt của Mỹ và đe dọa sẽ làm tương tự đối với ô tô từ châu Âu.
Trong cuộc thương chiến tốn kém nhất, Trump đã áp thuế gần 100% hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết hồi tháng 1, nhưng phần lớn thuế áp cho các mặt hàng vẫn được giữ nguyên.
Các đối tác thương mại đã không ngồi yên và trả đũa bằng những biện pháp trừng phạt hàng hóa Mỹ như rượu bourbon, xe máy và nông sản, buộc Washington phải tuyên bố viện trợ hàng triệu USD để cứu trợ hàng triệu nông dân Mỹ.
Trong vụ tranh chấp mới nhất liên quan đến việc chính phủ các nước châu Âu trợ cấp cho hãng Airbus, Washington đã đánh thuế 25% một loạt hàng hóa, bao gồm rượu whisky Scotch, rượu của Pháp, Tây Ban Nha và pho mát Anh.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn nhấn mạnh: "Tôi muốn tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng để nước ngoài hợp tác kinh doanh với Mỹ, không gây khó dễ".
Trên thực tế, các doanh nghiệp Mỹ đã buộc phải chuyển đổi hoạt động hoặc tìm nguồn cung cấp linh kiện mới hoặc xin miễn trừ khỏi các chính sách thương mại của chính phủ Tổng thống Trump, theo AFP. Tương tự, khách hàng nước ngoài cũng đã né hàng hóa Mỹ để tìm nơi khác.
"Với mỗi đợt áp thuế, ông Trump đã bắt nạt và ép buộc nhiều công ty Mỹ phải theo lề lối chủ nghĩa bảo hộ", ông Chad Bown, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), nhận định.
“Chính sách áp thuế của ông Trump khiến chi phí leo thang, dẫn đến doanh nghiệp Mỹ sẽ không thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài ở thị trường Mỹ lẫn toàn cầu", theo ông Bown.
Bình luận (0)