Ông Donald Trump thất cử năm 2020 trong bối cảnh thế giới chìm sâu trong đại dịch Covid-19. Bốn năm sau, đại dịch không còn là mối đe dọa, nhưng xung đột lại bùng lên ở nhiều nơi trên thế giới, mà nghiêm trọng nhất là ở Ukraine và Dải Gaza. Ông Trump và đối thủ tranh cử, Phó tổng thống Kamala Harris, có lập trường ra sao về những vấn đề quốc tế cấp bách? Hãy cùng so sánh.
Xung đột Ukraine
Ông Trump từng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine. "Mỗi ngày cuộc chiến ở Ukraine tiếp diễn, chúng ta đều có nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn cầu. Chúng ta phải hoàn toàn rõ ràng rằng mục tiêu của chúng ta là ngay lập tức chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch", ông Trump nói.
Ông đã nói rằng ông có thể giúp đạt được ngừng bắn chỉ "một ngày", nhưng vẫn chưa nói làm cách nào đặt được điều đó.
Ông Trump nói Nga sẽ không mở chiến dịch ở Ukraine nếu ông là tổng thống thay vì ông Biden. Tuy nhiên ông cũng từng nói động thái của Tổng thống Vladimir Putin là hành động "thiên tài". Ông đã nói rằng ông ủng hộ viện trợ thêm cho Ukraine, mặc dù có thể dưới hình thức cho vay.
Giữa năm nay, sau khi giành được đề cử của đảng Cộng hòa, ông đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Trump sau đó cho biết: "Tôi đánh giá cao việc Tổng thống Zelensky đã liên hệ, bởi vì tôi, với tư cách là tổng thống tiếp theo của nước Mỹ, sẽ mang lại hòa bình cho thế giới và chấm dứt cuộc chiến đã cướp đi rất nhiều sinh mạng và tàn phá vô số gia đình vô tội". Hai người gặp một lần nữa hồi cuối tháng 9.
Bà Kamala Harris là một phần quan trọng trong nỗ lực của ông Biden nhằm tập hợp NATO và các quốc gia khác ủng hộ Ukraine.
Phát biểu tại hội nghị an ninh Munich năm 2022, ngay trước khi cuộc xung đột bùng nổ, bà Harris nói thế giới đã đạt đến "thời điểm quyết định trong lịch sử".
Bà Harris đã gặp ông Zelensky bảy lần, và đại diện Mỹ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine chống Nga. Bà kêu gọi không để Nga giành thắng lợi ở Ukraine.
Israel và Gaza
Ông Trump thường tuyên bố mình là tổng thống ủng hộ Israel nhất trong lịch sử. Ông đã chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem, công nhận chủ quyền của Israel đối với cao nguyên Golan đang tranh chấp và dẫn dắt Hiệp định Abraham, các thỏa thuận lịch sử bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các cường quốc vùng Vịnh.
Ông nói cuộc tấn công ngày 7.10.2023 của Hamas sẽ không xảy ra nếu ông là tổng thống. Ông thúc giục Israel tiêu diệt Hamas ngay lập tức. Ông không có chính sách nào về nhà nước Palestine.
Trong chính quyền Tổng thống Biden, bà Harris đã đóng vai trò quan trọng trong chính sách ủng hộ Israel. Sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7.10.2023, bà đã đến thăm Israel. Bên cạnh hỗ trợ ngoại giao, Mỹ đã cung cấp 12,5 tỉ USD viện trợ quân sự cho Israel.
Nhưng bà Harris đã tìm cách tạo ra khác biệt với ông Biden về vấn đề này, bằng cách lên tiếng mạnh mẽ đòi hỏi bảo vệ dân thường trong cuộc xung đột. Hồi tháng 3.2024, bà đã nhắc đến "thảm họa nhân đạo" ở Dải Gaza. Đến tháng 9.2024, sau cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, bà Harris cho biết đã nêu vấn đề thương vong của thường dân.
Chính sách đối ngoại
Ông Trump tranh cử với khẩu hiệu "Nước Mỹ trên hết", nên về mặt lý thuyết nước Mỹ có thể giảm vai trò toàn cầu và ít quan tâm hơn đến các hiệp ước với các quốc gia khác.
Ông Trump thường chỉ trích NATO và đặt câu hỏi về sự cần thiết của tổ chức này. Một hệ quả là nhiều thành viên NATO đã tăng ngân sách quân sự.
Ông Trump thường nhắc đến mối quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo Nga, Trung Quốc, Triều Tiên.
Bà Harris nói Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ NATO. Là thành viên của chính quyền Tổng thống Biden, bà Harris cũng ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc".
Bình luận (0)