'Only the river flows': Phim kinh dị với những u hoài tuyệt mỹ

06/08/2024 08:45 GMT+7

Phim hình sự nên thơ. Phim kinh dị mà quyến rũ. Đó là những nhận xét của báo Pháp dành cho bộ phim Trung Quốc 'Only the river flows' ('Chỉ có dòng sông chảy') vừa ra rạp tháng 7 sau khi tham dự Cannes 2023 ở hạng mục Un certain regard.

Con cưng của Cannes

Là một hỉ danh mà vài báo Pháp tặng cho tác giả phim - đạo diễn Wei Shujun sinh năm 1991 ở Bắc Kinh, khi tất cả các phim của ông (On the border, Courir au gré du vent, Ripples of life) đều được Cannes tuyển chọn cho các hạng mục quan trọng. Mặc dù cái tên Wei Shujun khá nổi bật nhưng người viết bài này háo hức đi xem Only the river flows vì nhận xét khá lạ của truyền thông: Phim hình sự nên thơ, Phim kinh dị mà quyến rũ…

'Only the river flows': Phim kinh dị với những u hoài tuyệt mỹ- Ảnh 1.

Only the river flows dựa theo truyện ngắn Mistakes by the river của Yu Hua – tác phẩm gieo trong người đọc cảm xúc ác mộng phi lý thầm lặng mà con người không thoát ra được khi thức tỉnh

T.L

Phim hình sự, vụ án lâu nay vẫn có chung công thức là căng thẳng, gay cấn thậm chí ghê rợn, nhưng Only the river flows của Wei Shujun đúng là rất… dịu dàng. "Một phim về mưa và đêm, về cô đơn và lo sợ" như cách nói của báo Le Monde, "Hiện thực và chất thơ hòa quyện trong một bộ phim mê hoặc người xem nhưng không thể phân loại" như nhận xét của tạp chí Télérama.

Only the river flows dựa theo truyện ngắn Mistakes by the river của Yu Hua – tác phẩm gieo trong người đọc cảm xúc ác mộng phi lý thầm lặng mà con người không thoát ra được khi thức tỉnh. Đó cũng là chủ đề phim, chủ ý của các tác giả qua nội dung khá dung dị và tuyến tính: đứng đầu đội công an điều tra của thị xã Bangpo, chánh thanh tra Ma Zhe được trao nhiệm vụ điều tra 3 án mang bí hiểm xảy ra liên tiếp bên dòng sông của xã Bangpo. Mặc dù không thiếu những chỉ dấu chứng cứ, cuộc điều tra tiếp tục lún sâu trong hoài nghi, đến mức thần kinh chánh thanh tra bị lung lay khi được lệnh kết thúc.

Ấn tượng đầu - cuối

Khán giả lập tức bị lôi cuốn bởi đoạn mở phim thôi miên thị giác và tóm lược chủ đề: một bé trai giả dạng thanh tra công an cầm súng gỗ đi tìm bắt tội phạm trên tầng cao của ngôi nhà, và như mọi cuộc truy đuổi tội phạm, nó cảnh giác mở liên tiếp các cửa phòng quan sát. Thật bất ngờ, khi cánh cửa sau cuối mở ra, khi đứa bé túc trực tinh thần chiến đấu, thì trước mắt nó là khung cảnh… an yên, khoáng đạt của một con đường trong thị xã! Trường đoạn ngắn trò chơi của trẻ con bỗng như ngụ ngôn hài hước về não trạng bất an của người lớn – những người luôn trầm trọng, lắt léo hóa các cuộc truy kiếm để cuối cùng tìm ra cái… hư không!

Chi tiết ấn tượng tri giác lẫn thị giác thứ hai trong đoạn mở đầu phim là việc của người lớn: do không có chỗ cho đội điều tra, chính quyền địa phương quyết định trưng dụng một rạp chiếu bóng cũ để làm nơi hoạt động, mà những khung hình góc rộng về một "văn phòng tạm" lọt thỏm trong khán phòng trống huơ bát ngát dự báo một biếm kịch. Giống như sự đối nghịch giữa các căn hộ gia đình chật chội với sự mênh mông thơ mộng của bờ sông tội ác, sự mẫn cán đến ám ảnh của Ma Zhe với dàn sếp quan liêu háo danh; phim là miên man các tương phản cay đắng.

'Only the river flows': Phim kinh dị với những u hoài tuyệt mỹ- Ảnh 2.
'Only the river flows': Phim kinh dị với những u hoài tuyệt mỹ- Ảnh 3.

Diễn viên Zu Yilong (Chu Nhất Long) trong vai thanh tra Ma Zhe

T.L

Cuộc điều tra và cuộc sống gia đình Ma Zhe không liên hệ mật thiết, nhưng tương tác nhau như hiệu ứng phản chiếu trong gương, hệ quả là Ma Zhe lẫn công chúng mất đi điểm tham chiếu, ranh giới giữa hiện thực và giấc mơ bị xóa nhòa. Nếu hai đoạn đầu phim khơi gợi nhiều ngụ ngôn xã hội thì cuối phim là trường đoạn đầy ý tứ, dẫu rằng theo người viết – không hiểu sao - phong cách mỹ học không đồng nhất cả phim: đó là cảnh vợ chồng Ma Zhe vui vẻ cùng tắm đứa con sơ sinh, nhưng cặp mắt em bé luôn nhìn thẳng vào ống kính, như muốn nói cơn ác mộng chưa chấm dứt và cuộc sống thì vô lường…

Những u hoài tuyệt mỹ

Không khó thấy bộ phim hình sự về những cái chết bí ẩn chỉ là cớ để Wei Shujun dàn dựng cuộc sống của xã hội Trung Quốc vào những năm 1990, về những mặt trái của bộ máy quyền lực và sự cô đơn cá nhân trước não trạng tập thể.

Trả lời Paris Match, Wei Shujun nói "So với loại hình trinh thám cổ điển, trọng tâm ở đây không phải từng bước giải quyết cuộc điều tra. Điều tôi muốn là từng chút một, người xem nhập vào tâm lý và trí tưởng tượng của nhân vật chính". Wei Shujun đã làm được điều ông muốn: câu chuyện phim dần rời ra chủ nghĩa hiện thực do không thể tiếp cận động cơ kẻ sát nhân, trở thành cuộc khảo sát tâm lý, thần kinh của con người. Nhân vật chính không còn phân biệt được ác mộng với hiện thực, đêm với ngày, thủ phạm với nạn nhân. Với sự phức tạp và tinh tế đó, diễn viên Zu Yilong trong vai thanh tra Ma Zhe đã đoạt giải Kim Kê - Nam diễn viên xuất sắc nhất 2022.

'Only the river flows': Phim kinh dị với những u hoài tuyệt mỹ- Ảnh 4.

Only the river Flows ra rạp tháng 7 sau khi tham dự Cannes 2023 ở hạng mục Un certain regard

T.L

Về kỹ thuật Wei Shujun chọn sử dụng phim nhựa cho dù tốn kém hơn và phức tạp hơn, mục tiêu để có được những hình ảnh khớp với thực tế Trung Quốc những năm 1990 - những năm ông sinh ra, trước khi nền kinh tế Trung Quốc bùng phát. Chọn lựa này chính xác khi tải được không khí u hoài day dứt của một thời xưa cũ, như ví von tinh tế của báo Les Inrockuptibles: "Bắt đầu từ cuộc điều tra cổ điển, bộ phim trở thành bản chụp X-quang chi tiết về xã hội Trung Quốc những năm 1990". Góp phần cho "bản chụp X-quang" tuyệt mỹ này là sức thôi miên thị giác của giám đốc hình ảnh Chengma, đặc biệt các cảnh mưa và cảnh đêm. Một yếu tố khác làm nên chất thơ của phim là âm nhạc. Đạo diễn đã sử dụng bản Sonate ánh trăng của Beethoven trong suốt phim.

Dù không được giải ở Cannes, Only the river flows xứng đáng nhận tấm tắc của truyền thông, còn đạo diễn trẻ Wei Shujun thì cho thấy quyền năng rộng lớn của một tài năng, khi tác hợp nhuần nhuyễn những tương kỵ tưởng rằng không thể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.