(TNO) Nghiên cứu mới cho thấy những tế bào khối u não khi nhiễm vi rút diệt ung thư đã tiết ra một protein báo động cho các tế bào chưa bị nhiễm, giúp chúng đề phòng vi rút này.
Cuộc nghiên cứu do các chuyên gia tại Bệnh Viện Ung thư Arthur G. James và Viện Nghiên cứu Richard J. Solove thuộc Đại học bang Ohio (Mỹ) tiến hành và được công bố trên chuyên san Cancer Research số ra mới nhất.
|
Các tế bào khối u bị nhiễm tiết ra protein có tên gọi CCN1 vào không gian hẹp giữa các tế bào nơi nó bắt đầu một phản ứng kháng vi rút. Phản ứng này hạn chế sự lây lan của virus hủy tế bào tố trong khối u, làm giảm khả năng tiêu diệt tế bào ung thư của vi rút và từ đó hạn chế hiệu quả của liệu pháp điều trị.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy các tế bào nói chung có thể sử dụng cơ chế này để giúp kiểm soát khả năng bị nhiễm vi rút, và việc ngăn chặn cơ chế này có thể cải thiện liệu pháp vi rút diệt tế bào tố (oncolytic virus) đối với u nguyên bào đệm và các phương pháp điều trị bằng liệu pháp gien tiềm năng trong tương lai.
Các vi rút diệt tế bào tố sẽ tái tạo trong tế bào khối u và tiêu diệt chúng. Chúng cho thấy tiềm năng trong việc điều trị u nguyên bào đệm, dạng ung thư não phổ biến và gây tử vong nhiều nhất hiện nay.
Những bệnh nhân u nguyên bào đệm sống sót trung bình khoảng 15 tháng sau khi được chẩn đoán mắc bệnh, do đó rất cần những phương pháp điều trị mới.
“Chúng tôi nhận thấy rằng trong nền ngoại bào, protein này tổ chức một phản ứng kháng vi rút nổi bật ở tế bào để làm giảm sự nhân lên của vi rút và hạn chế hiệu quả diệt tế bào của nó”, Phó giáo sư về phẫu thuật học thần kinh Balveen Kaur đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Theo bà Kaur, những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng vì chúng cho thấy một cơ chế mới lạ được các tế bào sử dụng để chống lại khả năng bị nhiễm vi rút và cảnh báo các tế bào lân cận chưa bị nhiễm chuẩn bị phòng thủ để chống lại các cuộc tấn công sắp tới của vi rút.
CCN1 giúp điều chỉnh các chức năng của tế bào bao gồm độ bám dính, việc di cư, sự tăng sinh và nó được biểu hiện quá mức trong 68% mẫu u nguyên bào đệm.
Nghiên cứu trước đây của bà Kaur cho thấy liệu pháp vi rút diệt tế bào tố kích thích việc tiết protein CCN1 vào trong môi trường khối u. Trong nghiên cứu lần này, bà Kaur và cộng sự đã sử dụng dòng tế bào u thần kinh đệm, vi rút diệt tế bào tố có nguồn gốc từ vi rút herpes loại 1 ở người (HSV-1) và các mô hình động vật bị u nguyên bào đệm.
Họ nhận thấy biểu hiện CCN1 được điều chỉnh quá mức bởi vi rút diệt tế bào tố nhưng không phải do hóa trị hoặc xạ trị. Vì vậy, nó có thể là một phản ứng chung của các tế bào u thần kinh đệm đối với việc nhiễm vi rút.
Trong không gian ngoại bào, CCN1 làm giảm sự nhân lên của vi rút và giết chết các tế bào u thần kinh đệm. CCN1 gây ra phản ứng kháng vi rút interferon loại 1 bằng cách sử dụng một thụ thể bề mặt tế bào integrin. “Nói tóm lại, phát hiện này cho thấy làm thế nào việc phát tín hiệu ngoại bào có thể góp phần vào việc loại bỏ vi rút. Từ nay chúng ta có thể sử dụng kiến thức này để cải thiện liệu pháp gien vi rút trong tương lai”, bà Kaur kết luận.
Khang Huy
>> Ăn táo giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy
>> Thiếu vitamin D dễ gây trầm cảm
>> Hy vọng cho bệnh nhân ung thư
>> Giảm ung thư ruột nhờ thể dục
>> Nội soi ghép tế bào gốc trị thoái hóa khớp gối
>> Hướng mới trong điều trị tổn thương tim
>> Dùng tế bào gốc khôi phục tổn hại do đau tim
>> Chuyển trực tiếp tế bào da thành tế bào não
Bình luận (0)