Khát nước giữa vùng sông nước

13/05/2012 03:44 GMT+7

Vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) sông rạch chằng chịt, phía sau ao đìa quanh năm ngập nước. Thế nhưng những người sống nơi đây lại thiếu nước ngọt sinh hoạt đến 6 tháng trong năm.

Đi dọc các xã Đông Hưng, Đông Hưng A, Vân Khánh Đông, Vân Khánh Tây, Tân Thạnh của H.An Minh, ai cũng dễ nhận ra cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt trong suốt 6 tháng mùa khô của người dân. Ông Võ Văn Mộng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Thạnh, cho biết xã có 8 ấp với 2.043 hộ dân. Những tháng mùa khô, hầu hết người dân ở đây đều phải đổi nước xài. Ấp nằm cặp tuyến lộ thì giá đổi 1 m3 nước là 30.000 đồng, kéo vô sâu tăng lên 35.000 đồng, còn đi vào các con rạch thì giá cao hơn.

Khát nước giữa vùng sông nước
Cây nước bơm tay trước trụ sở UBND xã Tân Thạnh bị nhiễm phèn, không thể dùng cho sinh hoạt - Ảnh: Hồng Cúc 

Theo lời những người dân sống lâu năm tại H.An Minh, nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt là đất còn nhiễm phèn, mặn khá nặng. Trước đây, có hộ từng thuê người đến khoan giếng nước ngầm sâu 200-300 m,  nhưng khi bơm lên nước có mùi chua và đổi màu vàng úa, không thể dùng.

Anh Chót, nhà gần cảng biển Xẻo Nhàu (xã Tân Thạnh), nói: “Hơn chục năm nay, gia đình tôi mua hơn 10 lu xi măng (mỗi lu 1 m3) để chứa nước mưa sinh hoạt cho cả nhà. Thế nhưng nước mưa không thể đủ sinh hoạt trong 6 tháng mùa khô. Vì vậy, cứ mỗi tháng gia đình tôi phải chi thêm gần 100.000 đồng tiền đổi nước. Đó là mình tiết kiệm, còn nếu xài thoải mái giống như mùa mưa thì số tiền tốn gấp nhiều lần”. Anh Chót cho biết thêm những hộ gia đình đông người ở đây mỗi tháng phải tốn gần 200.000 đồng đổi nước. Do vậy vào mùa khô, phần đông người dân  phải tắm nước mặn hoặc phèn trước, sau đó chỉ được xả vài ca nước ngọt cho đỡ… rít người. Thiếu nước, người dân nơi đây chẳng ai dám mặc quần áo trắng, đồng loạt chuyển sang mặc quần áo màu cho dễ giặt.

Theo ông Võ Văn Mộng, do không có nước ngọt nên vào mùa khô, người dân không thể trồng được hoa màu vì tiền bán không đủ bù tiền đổi nước tưới. “Riêng tại trụ sở các cơ quan xã, hằng tháng chúng tôi phải chi từ 700.000 - 800.000 đồng tiền đổi nước cho CB-CNV sinh hoạt. Chúng tôi vừa nhận được tin dự án kéo đường ống cấp nước sạch dài khoảng 20 km từ xã Đông Hòa (An Minh) về tới xã Tân Thạnh đang được triển khai, dự kiến sẽ hoàn thành sau 133 ngày thi công. Hy vọng vào mùa khô năm sau, bà con vùng sông nước Tân Thạnh sẽ không còn bị khát nữa", ông Mộng nói.

Hồng Cúc

>> Bệnh tật vì thiếu nước sạch
>> Sinh viên không có nước tắm
>> Công nhân thiếu nước sạch
>> Nguy cơ khát ở vùng lũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.