|
Ngày 31.5, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) khu vực Đông Á chính thức khai mạc tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Hơn 630 đại diện của các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế đến từ 20 quốc gia trên thế giới đã cùng tham dự sự kiện này. Đến dự diễn đàn, đoàn đại biểu Việt Nam được dẫn đầu bởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Chủ đề trọng tâm của diễn đàn năm nay chính là sự kết nối. Theo WEF, Đông Á giữ vai trò quan trọng khi đóng góp một phần ba vào nền kinh tế toàn cầu. Kết quả này có được từ sự kết nối hiệu quả và tích cực của các nền kinh tế trong khu vực. Thế nhưng, sự kết nối trên đang đối mặt với nhiều thách thức. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra rằng khu vực cũng như thế giới đang trải qua giai đoạn tái cấu trúc kinh tế và quá trình này diễn ra mạnh mẽ, làm suy giảm sản xuất, kinh doanh ở nhiều nước trong khu vực. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh đến vấn đề hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải. Ông khẳng định đây là điều kiện tiên quyết và lợi ích chung của khu vực. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại diễn đàn rằng: “Việt Nam cho rằng các bên cần giải quyết tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật Biển 1982, bảo đảm tôn trọng và thực hiện nghiêm túc đầy đủ DOC (Tuyên bố về ứng xử các bên ở biển Đông - NV), thúc đẩy và sớm xây dựng COC (Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông) và tăng cường xây dựng lòng tin ở khu vực”.
Bà Susan M.Collins - thượng nghị sĩ Mỹ, cho biết Washington quan tâm đến khu vực Đông Á, đặc biệt là ASEAN, vì đây không chỉ là khu vực có tiềm năng lớn về kinh tế mà còn gắn liền với những lợi ích của nước này. Bà cũng cho rằng vấn đề biển Đông sẽ tác động đến kinh tế ASEAN nói riêng và Đông Á nói chung nếu không được giải quyết một cách hòa bình.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp người đồng cấp Thái Lan Bên lề WEF khu vực Đông Á, chiều 31.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc gặp với Thủ tướng nước chủ nhà Thái Lan Yingluck Shinawatra. Hai thủ tướng nhất trí đôi bên sẽ tăng cường trao đổi các đoàn cấp cao, các bộ ngành và địa phương. Việt Nam và Thái Lan sẽ tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương sẵn có như Nhóm công tác chung về chính trị an ninh. Hai thủ tướng cùng nhất trí cho rằng việc sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông là nhân tố quan trọng, góp phần vào công cuộc phát triển của tất cả các quốc gia ven sông. |
Minh Quang
(VP Bangkok)
>> Khai mạc Diễn đàn kinh tế khu vực Đông Á
>> Thủ tướng dự hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á
>> WB khuyến cáo Việt Nam đẩy nhanh tái cơ cấu
>> Vingroup gia nhập WEF
>> Việt Nam bị tụt 6 bậc về năng lực cạnh tranh
>> Ông Obama không dự hội nghị APEC ở Nga
>> Đông Á đang trở thành đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới
>> Tàu chiến đổ đến Tây Thái Bình Dương
>> Mỹ sắp điều thêm tàu chiến đến biển Đông
>> Bắc Kinh “lấy thịt đè người” trong tranh chấp biển Đông
Bình luận (0)