(TNO) Trả lời phỏng vấn trang tin công nghệ Cnet trong khuôn khổ sự kiện Google I/O diễn ra từ ngày 27 - 29.6.2012 tại San Francisco (Mỹ), Giám đốc bộ phận kỹ sư đối tác Android tại Google Patrick Brady đã khẳng định việc mua lại Motorola Mobility chỉ đơn giản là giúp hãng này cũng như toàn bộ hệ sinh thái (ecosystem) an toàn hơn trước những vụ tranh chấp bằng sáng chế cũng như tài sản trí tuệ.
Cụ thể, Brady cho rằng, khi công bố ý định mua lại Motorola Mobility, hãng này từng khẳng định với các đối tác của mình rằng việc mua lại Motorola không phải để Google xâm nhập vào mảng sản xuất thiết bị di động cũng như cạnh tranh trực tiếp với họ.
|
Minh chứng rõ ràng nhất cho thấy không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào với Motorola Mobility, theo Brady, đó là Google đã giới thiệu một phiên bản điện thoại Galaxy Nexus khác cũng do Samsung sản xuất và máy tính bảng Nexus 7 do Asus sản xuất.
"Tất cả là vì hệ sinh thái (của Android)", Brady nhấn mạnh.
Quay trở lại với chiếc máy tính bảng mang thương hiệu Google vừa được công bố hôm 27.6, Brady cho rằng mục tiêu của hãng là tạo ra một sản phẩm "không đắt nhưng không rẻ" cũng như có tốc độ xử lý nhanh và độ phân giải màn hình tốt để hấp dẫn các nhà phát triển sử dụng.
Ngoài ra, Google cũng muốn phát triển một thiết bị mà qua đó có thể “phô diễn” các nội dung số trực tuyến mà hãng hiện cung cấp, thậm chí Google còn tham vọng mở một hiệu sách điện tử (ebook) lớn nhất.
|
Khi được hỏi khách hàng mục tiêu của Nexus 7 là gì, Brady cho rằng mọi người đều là khách hàng của Nexus 7.
“Chúng tôi đã nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào thiết kế phần mềm và phần cứng để đáp ứng từng nhu cầu sử dụng. Ví dụ, bản thân tôi nghĩ máy tính bảng 10 inch là quá lớn đế chơi game và đọc sách. Chúng tôi muốn nó (Nexus 7 - PV) cơ động hơn. Và chúng tôi muốn Nexus 7 tuyệt vời hơn cho nhu cầu đọc sách và tạp chí cũng như chơi game hay xem phim”, Brady nói.
Tuy nhiên, hãng này cũng đề cao sức mạnh của thiết bị và đó cũng chính là lý do mà Google trang bị cho Nexus 7 bộ xử lý lõi tứ cùng trình duyệt Chrome.
Cũng theo Brady, mức giá 199 USD của Nexus 7 sẽ không làm “phiền lòng” các đối tác khác bởi trong lĩnh vực công nghệ thì theo thời gian, sản phẩm ngày càng nhỏ hơn và giá thành cũng rẻ hơn.
Brady cũng nhìn nhận việc Google kết hợp với một hãng sản xuất khác để sản xuất và bán một sản phẩm với thương hiệu riêng chẳng có gì là mới. Trước đây hãng từng hợp tác với Samsung và HTC để giới thiệu chiếc điện thoại Nexus đầu tiên, hay với Motorola trong dự án máy tính bảng Xoom và vào thời điểm hiện tại là máy tính bảng Nexus 7 do Asus sản xuất.
“Tôi không nghĩ rằng các đối tác của chúng tôi đang lo sợ”, Brady khẳng định.
“Tôi nghĩ họ đang hứng thú với điều đó bởi Android là một mã nguồn mở, vì thế họ hiểu rõ rằng bằng cách phát triển những sản phẩm mà chúng tôi đang làm việc với các hãng sản xuất sẽ giúp đảm bảo tất cả công nghệ đều chạy tốt với phần mềm này (hệ điều hành Android - PV). Rõ ràng là chúng tôi cải tiến Android”.
An Huy
>> Máy tính bảng Google Nexus lộ diện
>> Rò rỉ cấu hình máy tính bảng Google Nexus
>> Sẽ có máy tính bảng Google Nexus 10 inch?
>> Sản xuất Nexus 7 chẳng khác gì "tra tấn
>> HP hắt hủi bộ xử lý ARM vì máy tính bảng Surface
>> Máy tính bảng Surface và canh bạc mới
>> Microsoft Surface giá từ 599 USD, chỉ hỗ trợ Wi-Fi
>> Microsoft bùng nổ với máy tính bảng Surface
Bình luận (0)