Bán hàng đa cấp biến tướng lừa đảo

17/08/2012 03:40 GMT+7

Những lỗ hổng trong khâu quản lý đã khiến bán hàng đa cấp (BHĐC) có nhiều biến tướng gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Bán hàng đa cấp biến tướng lừa đảo
Công an bắt giữ đối tượng lừa đảo trong vụ MB24 - Ảnh: Trung Chuyên

Lấy tiền của người dưới trả cho người trên

 

Bắt thêm người liên quan của chi nhánh MB24 tại Đắk Lắk

Tiếp sau vụ bắt giữ một số thành viên chủ chốt của hai chi nhánh Công ty CP Đào tạo mua bán trực tuyến 24 (gọi tắt là MB24) trên địa bàn Đắk Lắk, chiều 16.8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Bùi Thị Chiên (35 tuổi, trú tại thị trấn Ea Kar, H.Ea Kar, Đắk Lắk), nguyên giám đốc Chi nhánh MB24 tại Buôn Ma Thuột.

Theo thông tin ban đầu, bà Chiên đã phát triển một mạng lưới khá lớn gian hàng điện tử trên toàn quốc, riêng tại Đắk Lắk đã có hàng chục gian hàng. Cùng với việc đóng góp vốn điều lệ vào MB24, bà Chiên cũng được thưởng hàng trăm triệu đồng.

Trung Chuyên

Ông Phan Đức Quế, Trưởng ban Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết: “Mặc dù đã có quy định pháp luật quản lý hoạt động BHĐC nhưng hiện nay hình thức này vẫn đang có nhiều biến tướng, các DN không đăng ký. Liên tiếp nhiều năm nay đều xảy ra các vụ vi phạm về BHĐC. Cụ thể như năm 2007 Cục xử lý 2 vụ , năm 2008 có 9 vụ, năm 2009 có 4 vụ, năm 2010 có 4 vụ, năm 2011 có 1 vụ và năm nay có 2 vụ đang điều tra. Các vi phạm hầu hết đều do DN tổ chức BHĐC nhưng chưa có giấy phép, vi phạm về công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo tính năng công dụng sản phẩm, ký kết hợp đồng tham gia BHĐC...”.

Ông Trần Vinh Nhung - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cũng cảnh báo: “Các hình thức BHĐC bất chính hiện nay là khuyến dụ nhà phân phối mua hàng hóa theo nhiều gói sản phẩm, đầu tư nhiều mã số hàng hóa trong khi DN không chú trọng đào tạo kỹ năng bán hàng. Qua thực tế kiểm tra, các DN kinh doanh bất chính thường trả thưởng theo mô hình nhị phân, biến tướng. Mô hình này bắt buộc người phân phối ở tuyến trên phải tự mình bỏ tiền ra để đầu tư nhiều mã số hoặc tuyển dụng, dụ dỗ thêm các nhà phân phối mới để gánh doanh thu nhằm hưởng hoa hồng cao. Ví dụ gần đây nhất là mô hình kinh doanh đa cấp của Công ty MB24, lấy tiền của người tuyến dưới trả tiền cho người tuyến trên mà không tạo ra giá trị thật”.

Ông Đoàn Ngọc Minh - Phó trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương TP.Đà Nẵng), nói: “Việc quảng cáo các sản phẩm của các DN BHĐC thường sai sự thật, thổi phồng công dụng và giá của các sản phẩm này cũng bị đẩy cao lên so với thực tế, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, trong khi lực lượng QLTT cũng như cán bộ công chức của các cơ quan quản lý chức năng còn thiếu am hiểu nên gặp nhiều lúng túng trong việc phát hiện và xử lý”.

Hoạt động một nơi, đăng ký một nẻo

Theo ông Đoàn Ngọc Minh, hiện nay các DN BHĐC không buộc phải thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện hay trụ sở tại các địa phương mà DN mở rộng hoạt động. Đặc thù của các DN này là không có kho chứa hàng, địa điểm cửa hàng tại một nơi cố định nên việc kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh của DN còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Lĩnh - Phó trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Đồng Nai) cũng thừa nhận: “Mô hình BHĐC đã bị một số công ty không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm lợi dụng triển khai làm mất lòng tin của người tiêu dùng đối với mô hình này. Trong khi đó, Nghị định 110/2005 chỉ quy định DN có trách nhiệm báo cáo định kỳ 6 tháng/lần với Sở Công thương nơi DN đăng ký kinh doanh mà không quy định báo cáo với Sở Công thương nơi DN mở rộng mạng lưới. Vì vậy nhiều DN tổ chức BHĐC tại địa phương nhưng cơ quan quản lý sở tại cũng không có thông tin”.

Tại hội thảo, ông Phan Đức Quế phân tích: “Hiện nay pháp luật quy định chỉ cấp phép cho hàng hóa bán lẻ mà không cấp phép cho lĩnh vực dịch vụ. Vì vậy nhiều lĩnh vực này không xin phép được mà phải hoạt động chui. Mức chế tài đối với các vi phạm không đăng ký cũng rất thấp, chỉ từ 20-30 triệu đồng nên DN cố tình lẩn tránh không đăng ký. Vì vậy, điều cần làm hiện nay là kiến nghị Chính phủ hoàn thiện quy định về quản lý BHĐC, tăng cường nhân lực, nguồn lực để quản lý, giám sát xử lý vi phạm...”. 

Dụ sinh viên, người nghèo

Đặng Thành Luân, sinh viên (SV) ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM kể lại rằng mình đã được một người bạn học chung lớp giới thiệu vào làm nhân viên kinh doanh của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy hiện đặt trụ sở ở chợ Phú Lâm (Q.6).

Để được tham gia làm thành viên công ty, Luân đã phải mua hàng, với mức giá tối thiểu là 3 triệu đồng. Để gỡ gạc số vốn này, Luân đã mời các SV khác để tham gia. “Ban đầu là mời một người khác tham gia, phần lớn là bạn bè, người thân. Khi không mời được thì dụ vào để gỡ gạc lại. Nếu tuyển được người thứ 1 vào sẽ được hưởng hoa hồng 400.000 đồng/3 triệu đồng, tức khoảng 12%”, Luân trần tình.

Hiện Luân và những người bạn được giới thiệu vào làm đã nghỉ hết. Nguyễn Thị Bình, công nhân thêu Công ty N.A trên đường Tân Hòa Đông (Q.6), đối diện trụ sở Công ty Thiên Ngọc Minh Uy cũng “dính” trường hợp tương tự khi bị một người bạn thân “dụ” vào đường dây này.

Đình Sơn

Quang Thuần

>> Bắt Phó giám đốc MB24 Uông Bí
>> Bắt khẩn cấp 3 người cầm đầu MB24 tại Đắk Lắk
>> Làm rõ dấu hiệu sai phạm của MB24
>> Làm rõ sai phạm của MB24 tại Đắk Lắk
>> Khởi tố, bắt giam 3 lãnh đạo chi nhánh công ty mua bán trực tuyến MB24
>> Cả triệu người tham gia kinh doanh đa cấp
>> 87.000 lượt người bị lừa trong đường dây kinh doanh đa cấp
>> Bắt hai người kinh doanh du lịch đa cấp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.