Bất kỳ ai chỉ cần nghe tiếng sáo của Nhật Minh một lần thôi cũng sẽ không khỏi cảm thấy xao xuyến, bâng khuâng bởi âm thanh da diết, dìu dặt phát ra từ đôi môi và chiếc sáo trúc mộc mạc trên tay chàng trai 16 tuổi này.
Có lẽ đó là lý do Đinh Nhật Minh đã chinh phục được Ban Giám khảo Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc vừa diễn ra tại Đắk Lắk với nhạc phẩm Hoa nắng do chính cha Minh là NSƯT Đinh Linh sáng tác để giành huy chương vàng duy nhất.
Đam mê di truyền
“Khi đặt môi lên sáo, máu âm nhạc dân tộc trong em lại trỗi dậy” – Nhật Minh bộc bạch.
Minh là hậu duệ đời thứ 3 của một gia đình có 3 thế hệ đều theo âm nhạc dân tộc. Ông nội em là cố NSƯT Đinh Thìn, một nghệ sĩ sáo trúc tài hoa đã từng làm say mê hàng triệu trái tim khán thính giả với những tác phẩm độc tấu bất hủ: Trên đường chiến thắng, Đường về quê Bác, Tiếng gọi mùa xuân, Tre xanh, Cội nguồn.
Cha em là NSƯT Đinh Linh, con trai cả của NSƯT Đinh Thìn, người nối nghiệp cha, thừa kế những ngón sáo trúc độc đáo của ông, còn mẹ em là NSƯT Tuyết Mai - solist chính của Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen với sở trường đàn tam thập lục. Anh trai Đinh Duy Thành hiện là sinh viên piano Nhạc viện TPHCM và cũng có thể chơi tốt các nhạc cụ dân tộc như bộ gõ, đàn T’rưng, đàn bầu.
|
Sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc dân tộc nên Nhật Minh đến với sáo trúc một cách hoàn toàn tự nhiên. Chia sẻ về mối lương duyên với sáo trúc, Nhật Minh tâm sự: “Năm lên 9 tuổi, em được ba cho thử thổi sáo. Đối với nhiều người, phải mất 1-2 ngày mới có thể thổi phát ra tiếng, còn đối với em, chỉ vừa đặt môi lên là tiếng sáo phát ra rồi. Từ lúc đấy em đã bắt đầu thích thú và nói với ba là em muốn theo nghiệp sáo trúc này”.
Trong thời buổi giới trẻ có suy nghĩ khá thực dụng và luôn định hướng nghề nghiệp của mình theo những ngành nghề có thu nhập cao trong xã hội như hiện nay, việc Minh vẫn quyết tâm theo con đường thổi sáo trúc của cha ông chứng tỏ niềm đam mê của em rất lớn. Tố chất di truyền là một lẽ nhưng chính niềm đam mê mãnh liệt đã giúp Minh nuôi dưỡng và theo đuổi ước mơ của mình.
Thành quả bước đầu
Thuở bé, Minh cũng thích vui chơi như bao bạn nhỏ khác. Nhiều lúc đang tập thổi sáo cùng cha trong nhà, nhìn ra bên ngoài thấy các bạn đang đá banh, em cũng muốn chơi lắm nhưng rồi vì niềm đam mê với sáo trúc nên bỏ qua. Càng luyện tập, Minh càng thấy thích thú và thế là luyện tập suốt ngày, luyện các kỹ thuật để giữ hơi thổi được những khúc nhạc dài cũng như xử lý những quãng luyến láy khó.
Cứ như thế, Minh cứ tập luyện hăng say và hy sinh nhiều thú vui khác của tuổi thơ. Những thành quả xứng đáng đã bắt đầu đến với em: Giải nhất chuyên ngành độc tấu sáo trúc tại Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật lần thứ 16 khu vực Quảng Tây năm 2011; giải xuất sắc tại cuộc thi Hữu nghị Trung - Việt năm 2011 khu vực Nam Ninh; lọt vào tốp 20 độc tấu sáo trúc tại Liên hoan m nhạc dân tộc dành cho thanh thiếu niên lần 4 tổ chức tại Tứ Xuyên - Trung Quốc và chiếc HCV duy nhất tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc vừa qua là thành công mới nhất của em.
Không tự mãn, Nhật Minh vẫn cho rằng mình cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Đồng tình với con trai, NSƯT Tuyết Mai cho biết: “Thành quả này cũng chỉ là bước khởi đầu thành công tốt đẹp. Nghệ thuật không bao giờ có đỉnh, con đường nghệ thuật cũng rất nhiều chông gai nên phải luôn luôn kiên trì rèn luyện”.
Hiện Minh đang học năm thứ 4 trong chương trình đào tạo 6 năm tại Học viện m nhạc Quảng Tây - Trung Quốc theo chương trình tạo nguồn của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen do UBND TPHCM đài thọ. Minh cho biết sau khi kết thúc chương trình học ở Trung Quốc, em sẽ tiếp tục phấn đấu theo học đại học chuyên ngành âm nhạc dân tộc với ước mơ trở thành một nghệ sĩ xuất sắc giống như cha mẹ và ông nội.
Say mê hết mình với âm nhạc dân tộc nhưng cũng như bao bạn trẻ khác, Minh cũng yêu thích những ca khúc V-pop hiện đại. Bên cạnh sáo trúc, Minh cũng yêu thích guitar, piano và cũng có thể chơi tốt 2 loại nhạc cụ này. Chính vì vậy, ngoài giấc mơ trở thành nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc như cha mẹ và ông nội, Minh cũng ấp ủ một ước mơ rất đẹp khác, đó là kết hợp âm nhạc dân tộc với âm nhạc hiện đại, thể hiện những giai điệu nhạc trẻ bằng những nhạc cụ dân tộc, tạo ra những giai điệu truyền thống mới mẻ, hiện đại, gần gũi để giới trẻ có thể dễ dàng tiếp cận hơn, qua đó sẽ yêu thích, tìm tòi và đến với nhạc cụ dân tộc nhiều hơn nữa.
Ngày nay, đa số các bậc phụ huynh đều định hướng cho con mình theo những ngành nghề có thu nhập cao. NSƯT Tuyết Mai cho biết từ đầu, vợ chồng chị cũng không hề định hướng cho 2 người con trai đi theo âm nhạc dân tộc, mà do cả 2 cháu yêu thích và tự chọn con đường âm nhạc cho mình.
Chị chia sẻ: “Cái nghề này dù muốn cũng không thể ép được. Vì vậy, khi cháu đặt vấn đề muốn theo sáo trúc, chúng tôi lo lắng thật sự. Tôi xác định với cháu rằng nếu đã bước chân vào nghệ thuật thì phải say mê và phải vượt trội hẳn lên, nếu không thì khó mà phát triển được”.
Nhật Minh đã rèn luyện với tất cả đam mê và đạt được thành công ở độ tuổi còn rất trẻ, đó là niềm hạnh phúc vô bờ đối với đôi vợ chồng NSƯT Đinh Linh - Tuyết Mai. Tình yêu đối với nghệ thuật dân tộc của chàng trai trẻ thật đáng quý, bởi đó là sự giữ gìn và phát huy âm nhạc truyền thống của dân tộc Việt Nam trước sự phát triển mạnh mẽ của các trào lưu âm nhạc hiện đại ngày nay.
Đừng để lụi tàn Điều hạnh phúc nhất của nghệ sĩ là có “đất” để biểu diễn nhưng thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay khiến cho đất diễn của âm nhạc dân tộc bị thu hẹp. Rất nhiều bạn trẻ không hiểu được sự hấp dẫn của các nhạc cụ dân tộc, thậm chí không biết hoặc gọi không đúng tên các loại nhạc cụ. Vì vậy, việc đưa âm nhạc dân tộc vào giáo trình giảng dạy trong trường học, quảng bá âm nhạc dân tộc trên các phương tiện truyền thông đại chúng là hết sức cần thiết. Nghĩa là phải tạo ra công chúng cho âm nhạc dân tộc. Có như vậy, những nghệ sĩ tương lai như Nhật Minh mới có điều kiện cống hiến hết mình cho âm nhạc dân tộc, góp phần gìn giữ và phát triển âm nhạc dân tộc trong đời sống xã hội; niềm đam mê và tâm huyết của gia đình 3 thế hệ chơi sáo trúc: NSƯT Đinh Thìn - NSƯT Đinh Linh - Đinh Nhật Minh không lụi tàn. |
Theo Kim Khánh / Người Lao Động
>> Suốt đời vì âm nhạc dân tộc
>> Hòa nhạc dân tộc
>> Ngẫu hứng hiphop với nhạc dân tộc Việt Nam
>> Học âm nhạc dân tộc miễn phí
>> Đưa âm nhạc dân tộc đến với du khách nước ngoài
>> Những cô gái “làm mới” nhạc dân tộc
>> Lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm âm nhạc dân tộc
>> GS-TS Nguyễn Thuyết Phong ưu tư với âm nhạc dân tộc
>> m nhạc dân tộc Đông Nam Á đang mai một
>> Từ hàng ghế khán giả: Người nước ngoài cổ vũ nhạc dân tộc Việt
>> Nghệ sĩ sau ánh hào quang: NSND Đỗ Lộc - chu du với nhạc dân tộc
>> Eurovision: Rock quái vật, dance pop và nhạc dân tộc
Bình luận (0)