Sau phần ông Thưởng nói vắn tắt về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi 9 tháng đầu năm và dự kiến thực hiện kế hoạch của năm 2012, cả hội trường bắt đầu “nóng” lên với hàng loạt câu hỏi của người dân liên quan đến dân sinh, thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp, việc đền bù, tái định cư...
|
Bà Nguyễn Thị Ngà chất vấn: “Nhà tui nằm trong diện di dời để nhường đất cho khu công nghiệp Tịnh Phong. Địa phương đã thu hồi đất gần 10 năm rồi nhưng đến giờ vẫn không thấy cấp đất nên gia đình tui phải sống tạm bợ. Xin hỏi đến bao giờ tui mới có đất làm nhà để ổn định cuộc sống?”.
|
Ông Nguyễn Tấn Công nêu một số vấn đề nổi cộm ở H.Sơn Tịnh đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết một cách rốt ráo. Đó là hồ chứa nước Hóc Khế (xã Tịnh Bình) xây dựng từ năm 1998 nhưng không có nước phục vụ sản xuất; đập ngăn mặn Hòa Khê (xã Tịnh Khê) bị xuống cấp, nước mặn tràn vào ruộng gây thiệt hại cho hàng ngàn hộ dân; việc lấy ruộng lúa của dân với 5,6 ha để xây dựng siêu thị Việt Trung nhưng bây giờ lại chuyển thành ga ra ô tô. Dù dự án gây bất bình trong dân nhưng sau đó lại “ưu ái” cấp tiếp 4.300 m2 đất phía sau siêu thị nhưng đến giờ nhà đầu tư vẫn không triển khai, biến khu đất thành ao nuôi nhái, trong khi đó dân lại không có đất sản xuất...
Tại buổi đối thoại, ông Phạm Vinh, Chủ tịch UBND H.Sơn Tịnh trả lời những bức xúc, thắc mắc của người dân theo thẩm quyền của huyện. Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng đã yêu cầu chính quyền địa phương phải kiểm tra, rà soát, giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Chính quyền không quan tâm là có lỗi với dân
Suốt gần 5 giờ đồng hồ đối thoại, ông Thưởng không chỉ lắng nghe mà còn chia sẻ, giải đáp tường tận những thắc mắc của người dân. Liên quan đến việc chậm tái định cư cho bà Ngà cũng như 13 hộ dân khác, ông Thưởng cho rằng đây là lỗi thuộc về chính quyền địa phương. Do vậy, cần phải hỗ trợ tiền tạm cư cho 14 hộ dân trong khi chờ đất tái định cư mới. Việc này phải trả lời cho dân trong vòng 30 ngày, tính cả ngày thứ bảy và chủ nhật. “Cái nào thấy sai phải sửa ngay. Cán bộ phải tận tình hướng dẫn cho dân những vấn đề mà họ chưa thông hiểu. Cần phải xử lý hài hòa giữa quyền lợi của người dân với nhà đầu tư và nhà nước”, ông Thưởng nói.
Theo ông Thưởng, cuộc đối thoại này đã cung cấp toàn diện, sinh động những vấn đề bức xúc, trăn trở, mong muốn của người dân ấp ủ bấy lâu nay nhưng chưa bao giờ được nói một cách đầy đủ, thoải mái và cũng chưa có lộ trình giải quyết. Trước những băn khoăn của người dân nếu phát triển công nghiệp mà không chuyển đổi ngành nghề, tiền đền bù dân ăn mãi cũng hết, cuộc sống sẽ khó khăn, ông Thưởng cho rằng đây là nỗi lo chính đáng. Vì thế nếu chính quyền không quan tâm đến vấn đề này là có lỗi với dân.
“Mục tiêu phát triển công nghiệp nhưng nhiệm vụ quan trọng là phải lo cho đời sống của người dân, quan tâm đầy đủ hơn đến công tác tái định canh, định cư, chuyển đổi nghề nghiệp. Nếu trong thời gian qua những vấn đề này làm chưa tốt thì đó là trách nhiệm của Đảng, chính quyền ở Quảng Ngãi và với tư cách là bí thư tôi xin nhận trách nhiệm này để khắc phục trong thời gian tới, mang đến hiệu quả tốt hơn”, ông Thưởng bày tỏ.
Cũng theo ông Thưởng, sau 40 ngày nữa ông sẽ tiếp tục làm việc với H.Sơn Tịnh để kiểm tra từng ý kiến của người dân đã được xử lý ở mức độ nào.
Hiển Cừ
>> Bí thư huyện đối thoại với dân
>> Chính quyền đối thoại với dân để giải quyết ô nhiễm
>> Chính quyền Huế đối thoại với dân vạn đò
>> Đối thoại với dân để “khai thông” cảng Kỳ Hà
>> UBND TP.HCM đối thoại với dân về khu đô thị mới Thủ Thiêm
>> Khi Thủ tướng đối thoại với dân
>> Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Phải trực tiếp đối thoại với dân mới giải quyết được khiếu kiện
Bình luận (0)