Giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên

20/10/2012 03:30 GMT+7

Khái niệm tuyến đôi khi vô tình làm tăng thêm tình trạng quá tải ở một số bệnh viện. Để giảm tải, cần mở rộng khái niệm này trong bảo hiểm y tế…

Các bệnh viện (BV) nhận đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm ban đầu cần chủ động hơn trong việc tham vấn về điều trị ở những cơ sở y tế khác khi không có chuyên khoa hay kỹ thuật thích hợp với bệnh tình của bệnh nhân. Tuy nhiên, khái niệm tuyến đã vô tình đóng khung cả việc tham vấn lẫn viết giấy chuyển viện vào một số ít BV “chủ lực” tuyến trên.

 Do quá tải, các bệnh nhi phải nằm chữa trị ở  hành lang của một bệnh viện tại TP.HCM
Do quá tải, các bệnh nhi phải nằm chữa trị ở  hành lang của một bệnh viện tại TP.HCM
- Ảnh: Diệp Đức Minh

Lâu nay, khái niệm tuyến vẫn được hiểu là BV tuyến cao hơn nằm trong hệ thống BV công. Khi nơi khám chữa bệnh ban đầu không đủ khả năng, bệnh nhân luôn được giới thiệu chuyển về “tuyến trên”. Vì thế, nhiều BV khác có đủ điều kiện để điều trị, đồng thời chấp nhận bảo hiểm nhưng vẫn không nhận được giấy chuyển bảo hiểm vì lý do không phải tuyến.

Thực ra khái niệm tuyến không phải chỉ có ở ta mà các nước khác vẫn có, chính là hình thức bác sĩ gia đình (BSGĐ). BSGĐ thường là BS tổng quát, sẽ nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho một số hộ dân. Mỗi khi “nhức đầu sổ mũi”, nơi đầu tiên bệnh nhân tìm đến là BSGĐ. Nếu chỉ là bệnh nhẹ hoặc trong khả năng điều trị, BSGĐ sẽ điều trị và bảo hiểm sẽ thanh toán tiền. Nếu vượt quá khả năng chuyên môn, BSGĐ sẽ tìm một BV nào đó gần khu vực của họ có khả năng giải quyết vấn đề để chuyển bệnh nhân đi.

Quay trở lại vấn đề của ta. Khái niệm tuyến sẽ là tuyến theo hành chính hay tuyến với ý nghĩa BV khác có thể điều trị một bệnh phức tạp mà cơ sở khám chữa bệnh ban đầu không giải quyết được? Theo chúng tôi, nên hiểu khái niệm tuyến theo ý nghĩa thứ hai. Cơ sở khám chữa bệnh ban đầu biết BV ở gần, dù ngang tuyến nhưng đủ điều kiện điều trị thì nên ưu tiên chuyển bệnh nhân sang sẽ hợp lý hơn so với chuyển về tuyến trên ở xa mà chưa chắc hiệu quả cao hơn. Đặc biệt, với cách làm này, tuyến trên sẽ bớt quá tải vì bệnh nhân được chia ra nhiều BV. Thực tế cho thấy ở những thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội hiện có nhiều BV đa khoa “không phải tuyến trên” phát triển khá mạnh cả về trang thiết bị y tế lẫn chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc, đủ sức điều trị các trường hợp phức tạp không thua gì BV tuyến trên.

Do vậy, song song với mô hình “BV vệ tinh” ở các tỉnh vừa được đề xuất, nên tạo điều kiện thuận lợi cho các BV tuyến dưới phát triển những chuyên khoa đang bị quá tải. Bên cạnh đó, khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu chuyển bệnh nhân về các BV đáp ứng yêu cầu chuyên môn mà không phân biệt tuyến. Nếu làm tốt, chúng ta sẽ giảm tải được tuyến trên, tận dụng hết nguồn nhân lực sẵn có, chi phí đầu tư thấp hơn, thời gian giảm tải sẽ nhanh hơn.

BS Tăng Hà Nam Anh

>> Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Không nơi nào bệnh viện quá tải như VN
>> Bệnh viện quá tải do dịch tay chân miệng
>> Ung thư gia tăng (Kỳ 1): Bệnh viện quá tải, bệnh nhân vật vạ
>> Bệnh viện quá tải vì sốt xuất huyết
>> Vì sao các bệnh viện quá tải triền miên?
>> Miền Bắc trở rét, bệnh viện quá tải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.