Mặc dù đã có khu nhà bốn tầng để điều trị tự nguyện theo yêu cầu bệnh nhân bằng nguồn kinh phí huy động từ bên ngoài, hoạt động từ năm 2010, thế nhưng hiện nay Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An vẫn duy trì những phòng “tự nguyện” trong bệnh viện được xây dựng hoàn toàn bằng kinh phí của nhà nước để thu tiền dịch vụ với giá 150.000 đồng/ngày/giường.
Một căn phòng rộng cỡ 15m2 ở khoa Răng hàm mặt được đặt bốn chiếc giường bệnh. Phía ngoài cửa phòng có tấm biển “Buồng điều trị tự nguyện”. Ba cháu bé đang nằm điều trị ở đây, một giường đang trống. Phòng có máy lạnh nhưng không cần bật vì trời trở lạnh và những cánh cửa sổ mở toang rất thoáng. Kề đó là ba phòng không “tự nguyện”. Mỗi phòng năm giường, nhưng giường nào cũng chen 2 - 3 cháu. Chị Phạm Thị Hoa, quê ở H.Yên Thành, đang có con điều trị viêm tai giữa cho biết, giường bệnh thì chỉ đủ cho các cháu nằm, hai cháu một giường, còn mẹ thì phải ngồi tựa vào tường hoặc nằm xuống sàn. “Mệt mỏi quá, tui muốn sang phòng “tự nguyện” vì có những ngày bên đó còn 1 - 2 giường trống, thậm chí có ngày không có ai nằm. Nhưng, vì không có tiền nên phải cắn răng nằm bên ni”, chị Hoa nói.
|
Tại Khoa Thần kinh - Phục hồi chức năng, do bệnh nhi nhập viện luôn gấp đôi số giường bệnh sẵn có nên các cháu đều phải nằm chung giường. Nhưng, bệnh viện vẫn giành ra ba phòng để nâng cấp thành phòng “tự nguyện” với giá thu 100.000 đồng/giường/ngày. “Tui thấy bất hợp lý vì đây là bệnh viện công, lẽ ra bệnh nhân phải được đối xử bình đẳng như nhau. Tại sao nằm phòng này, chúng tôi lại phải nộp tiền cao hơn trong khi không hề có máy lạnh hay thiết bị nào khác hơn phòng bình thường? Nếu chấp nhận 100.000 đồng/ngày để được ưu tiên bố trí một cháu một giường thì càng bất công hơn”, anh Nguyễn Bá Thành, bố của một bệnh nhi thắc mắc.
Theo tìm hiểu của PV, tại bệnh viện này hiện có gần chục phòng “tự nguyện” với hàng chục giường bệnh.
Lập phòng tự nguyện là sai
Ông Dương Công Hoạt, Giám đốc bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An cho rằng phòng “tự nguyện” xuất phát từ nhu cầu của một số bệnh nhân khá giả. Bệnh viện đã huy động kinh phí từ bên ngoài để mua máy lạnh phục vụ bệnh nhân và thu tiền cao hơn mức bình thường để đáp ứng nhu cầu đó. Tuy nhiên, ông Hoạt cũng thừa nhận việc tận dụng phòng “tự nguyện” này đã tạo ra bất công cho những bệnh nhân nghèo và nói “nếu sai chúng tôi sẽ sửa”. Khi được hỏi khoản tiền thu từ phòng “tự nguyện” này được chi thế nào vì đây là mức thu vượt nhiều lần so với mức phí qui định của UBND tỉnh Nghệ An trong khi chỉ hơn các phòng bình thường một cái máy lạnh, ông Hoạt chỉ nói “chúng tôi công khai nguồn thu, chi”.
Ông Hoàng Văn Hảo, Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An khẳng định lập phòng tự nguyện là sai, không còn đúng với tình hình hiện nay. “Nghị quyết 05 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa... cho phép các bệnh viện trích ra một số phòng để thực hiện điều trị theo yêu cầu của bệnh nhân. Thời điểm đó nhiều bệnh viện chưa quá tải như bây giờ nên Sở cũng cho phép làm. Tuy nhiên, từ khi Chính phủ cho phép thành lập các bệnh viện tư, theo chủ trương của Bộ, Sở cũng cho rút dần hình thức điều trị tự nguyện”, ông Hảo nói. Ông Hảo cũng cho rằng bệnh viện công do kinh phí của nhà nước đầu tư, lấy từ tiền người dân đóng thuế, nên không thể để người dân phải thiệt. Trong khi bệnh viện đang quá tải, việc duy trì phòng “tự nguyện” này tạo ra hình ảnh tương phản giữa các bệnh nhân giàu nghèo. “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra để chấn chỉnh”, ông Hảo nói.
Khánh Hoan
>> Quá tải bệnh viện, nặng gánh giá thuốc
>> Chấn chỉnh việc mổ “dịch vụ” ở bệnh viện công
>> Bác sĩ ở bệnh viện công: Hết thời chân trong, chân ngoài!
>> Bác sĩ bệnh viện công chưa tận tình
>> Đổi mới bệnh viện công
>> Đảm bảo sự công bằng giữa bệnh viện công và tư
>> Bác sĩ bệnh viện công không được lập bệnh viện tư
Bình luận (0)