Đầu tháng 11, chuyên trang lịch sử Historynet đăng bài viết nghiên cứu quá trình dẫn đến chiến tranh giữa Mỹ và Đức hồi Thế chiến 2. Bài viết được thực hiện bởi sử gia Gerhard L.Weinberg lừng danh thế giới.
Vũ khí khủng
Theo sử gia Weinberg, ngay từ thập niên 1930, nhà độc tài Hitler đã bắt đầu nuôi tham vọng vượt qua Đại Tây Dương để tấn công thâu tóm Mỹ. Quốc trưởng Đức khi đó dự định sau khi chiếm trọn Anh, sẽ dùng nước này làm bàn đạp để đổ bộ vào khu vực Bắc Mỹ. Đặc biệt, với tinh thần phân biệt chủng tộc, Hitler cho rằng một quốc gia như Mỹ với dân chúng từ khắp nơi trên thế giới đổ về thì khó đủ sức trở thành lực lượng quân sự có tính gắn kết cao. Tuy nhiên, Mỹ lại sở hữu một lực lượng hải quân hùng hậu và cách khá xa châu u nên đây chính là trở ngại lớn nhất. Đến cuối thập niên 1930, Berlin ra sức đẩy mạnh các chương trình vũ khí chiến lược để có thể tấn công Washington. Trong đó, hai dự án then chốt là máy bay ném bom hạng nặng Messerschmitt Me 264 Amerika và tàu sân bay lớp Graf Zeppelin.
Phát triển từ dòng phi cơ do thám tầm xa Messerschmitt, máy bay ném bom hạng nặng Me 264 được trang bị 4 động cơ công suất cực lớn cho phép đạt tốc độ tối đa lên đến 560 km/giờ. Đây là tốc độ rất ấn tượng đối với một oanh tạc cơ hạng nặng vào thời bấy giờ. Quan trọng hơn, Me 264 trang bị 4 súng máy, 2 pháo 20 mm và chở theo nhiều tấn bom, có tầm bay lên đến 15.000 km đủ để vượt qua Đại Tây Dương tấn công nước Mỹ.
Tháng 12.1942, Đức giới thiệu loại chiến đấu cơ này và thực hiện chuyến bay thử đầu tiên. Tuy nhiên, hai năm sau đó thì Berlin đình chỉ dự án này để tập trung vào chương trình phát triển oanh tạc cơ Ju 390. Loại Ju 390 được trang bị 6 động cơ và tầm bay đạt xấp xỉ 10.000 km. Thế nhưng, loại chiến đấu cơ này lại chưa ghi dấu ấn chính thức nào trong lịch sử Thế chiến 2. Đến thập niên 1950, một số thông tin giải mật tiết lộ một chiếc Ju 390 từng vượt Đại Tây Dương thành công và chỉ còn cách bờ đông nước Mỹ khoảng 20 km thì quay về Pháp. Ngoài ra, Nhật Bản cũng từng mua bản quyền để dự định tự sản xuất Ju 390 nhưng kế hoạch cuối cùng đổ vỡ.
Trong khi đó, vào giữa thập niên 1930, Berlin lên kế hoạch chế tạo tàu sân bay lớp Graf Zeppelin. Khi đó, Đức quốc xã tin rằng với tầm hoạt động hơn 14.000 km thì hàng không mẫu hạm này sẽ là phương tiện hữu hiệu dùng để triển khai chiến đấu cơ tấn công Mỹ. Ngày 28.12.1936, chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của lớp này được hạ thủy. Với độ choán nước khoảng 33.000 tấn, tàu sân bay Graf Zeppelin đạt tốc độ tối đa lên đến 35 hải lý/giờ (xấp xỉ 65 km/giờ) và được trang bị một số vũ khí phòng thủ. Đồng thời, hàng không mẫu hạm này có thể mang theo đến 43 chiến đấu cơ gồm các loại như chiến đấu cơ Bf 109, máy bay ném bom Ju 87 và máy bay thả ngư lôi Fi 167. Thế nhưng, việc hoàn thiện gặp một số khó khăn nên chương trình nhiều lần bị trì hoãn. Đến tháng 4.1943, chiếc tàu được hoàn thiện và thực hiện chuyến chạy thử đầu tiên sau đó 4 tháng.
Đức quốc xã từng lên kế hoạch chế tạo 4 chiếc Graf Zeppelin nhưng chỉ 2 tàu được hoàn thiện. Tuy nhiên, nhiều nguyên nhân khác nhau khiến hàng không mẫu hạm loại này chưa bao giờ tham chiến. Vì thế, tham vọng của nhà độc tài Hitler đối với việc sử dụng hàng không mẫu hạm tấn công Mỹ chưa bao giờ thành hiện thực.
|
|
Kịch bản tấn công
Tham vọng quá rõ của Quốc trưởng Đức Hitler khiến dư luận nước Mỹ không khỏi lo ngại. Ngoài ra, tháng 12.1941, cả nước Mỹ choáng váng vì căn cứ Trân Châu cảng bất ngờ bị tấn công bởi Nhật Bản. Đặc biệt, đến năm 1942, hải quân Đức đả bại các hạm đội Anh trên khắp Đại Tây Dương khiến Mỹ bị uy hiếp cả hai phía đông và tây. Trong khi đó, theo sử gia Weinberg, Berlin cũng nhận ra rằng việc liên kết cùng Tokyo để tấn công Washington là giải pháp khả thi nhất. Bối cảnh ấy có thể khiến nước Mỹ phải 2 đầu thọ cường địch nên giới chuyên gia quân sự, tướng lĩnh bắt tay vào phân tích các kịch bản tấn công mà Đức và Nhật phối hợp tiến hành.
Ngày 2.3.1942, tạp chí LIFE dẫn phân tích của giới chuyên gia đăng tải hình ảnh lược đồ về thế trận tấn công Mỹ mà liên minh Đức - Nhật có thể thực hiện. Theo đó, dựa vào bàn đạp ở châu u lục địa, Đức sẽ tấn công thâu tóm Iceland rồi chiếm Greenland. Mặc dù thuộc châu u nhưng Greenland lại có vị trí địa lý sát nách Bắc Mỹ, cận kề Canada. Từ đó, Đức sẽ chọc thẳng vào bờ đông nước Mỹ, nơi tập trung khá nhiều thành phố quan trọng của quốc gia này.
Cũng theo kịch bản trên, tại Thái Bình Dương, Nhật Bản sẽ cấp tập tấn công để thâu tóm Trân Châu cảng. Xa hơn, Nhật Bản sẽ tấn công vào các khu vực Trung Mỹ vốn được phòng thủ khá lơi lỏng, rồi tiến đánh bờ tây nước Mỹ. Khi đó, các thành phố trọng yếu tại đây như Los Angeles, San Francisco và Seattle có thể trở thành mục tiêu tấn công của Tokyo. Như thế, Nhật và Đức sẽ hình thành nên hai mũi giáp công nhằm thâu tóm nước Mỹ. Nếu kịch bản này xảy ra, các đồng minh của Washington tại châu u sẽ khó lòng hỗ trợ nước Mỹ.
Tuy nhiên, vào thời điểm trên, Washington cũng lập kế hoạch cầu vồng vốn phục vụ cho chương trình tấn công toàn cầu để Mỹ thâu tóm cả thế giới. Theo đó, ngay cả khi bị tấn công từ 2 phía đông và tây thì Washington vẫn có kế hoạch ứng phó. Thế nhưng, thực tế thì khu vực Bắc Mỹ gần như hoàn toàn không hứng chịu bom đạn trong suốt Thế chiến 2. Nhà độc tài Hitler cũng chưa bao giờ có thể đe dọa trực tiếp Washington trên lục địa châu Mỹ.
Ngô Minh Trí
>> Hồ sơ chiến tranh toàn cầu của Mỹ: Nền tảng thắng lợi cho Thế chiến 2
>> Siêu bão tấn công Mỹ
>> Cựu tù nhân Guantanamo bị cáo buộc tấn công Mỹ
>> Al-Qaeda xúi giục tấn công Mỹ
>> Bão lốc tấn công Mỹ, 12 người chết
Bình luận (0)