(TNO) Một cô gái Đức gốc Việt chia sẻ sự xúc động khi lần đầu tiên được cảm nhận không khí tết cổ truyền thực thụ tại Việt Nam.
Trịnh Du Linh, nhân viên một nhà xuất bản tại TP.HCM, háo hức mong chờ ngày được về quê nội ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang để đón cái tết cổ truyền lần đầu tiên của cô tại Việt Nam.
|
Cha mẹ Linh là người Việt Nam sang Đức định cư trong thập niên 1980. Linh được sinh ra và lớn lên tại Đức, nhưng cha mẹ cô luôn nhắc nhở cô không bao giờ được quên ông bà tổ tiên tại Việt Nam và dạy cho cô nhiều điều về truyền thống người Việt.
Linh về Việt Nam làm việc vào giữa năm 2012, và năm nay cô sẽ được đón cái tết lần đầu tiên tại Việt Nam.
Những cái tết cổ truyền tại Đức
Ở Đức, Linh đón cả hai cái tết: dương lịch và âm lịch. Khi được hỏi giữa tết tây và tết ta, thích cái tết nào hơn, Linh chọn cả hai vì cô cho rằng đây là một khoảng thời gian đặc biệt trong năm để mọi người trong gia đình được quây quần bên nhau, cùng nhau cảm nhận một năm mới.
Mặc dù rất bận rộn với công việc hằng ngày, nhưng hằng năm cha mẹ Linh luôn dành ra chút thời gian để đón cái tết truyền thống cùng Linh và các anh chị em.
“Cứ mỗi khi năm mới tết đến, cha mẹ tôi tất bật dọn dẹp nhà cửa, cúng kiếng ông bà tổ tiên, chuẩn bị đón tết cùng với anh chị em tôi”, Linh kể về những cái tết ở Đức.
|
Được nghe, được kể rất nhiều về cái tết ở quê cha đất tổ, nhưng trong ngần ấy năm, Linh vẫn chưa được một lần nào thật sự đón không khí tết rộn ràng ở Việt Nam.
Linh kể về kỷ niệm ăn tết âm lịch ở Đức: “Gia đình chúng tôi ở Đức cũng cúng ông bà, đốt tiền vàng mã đón đêm giao thừa, cùng nhau ăn những món ăn truyền thống Việt Nam ngày tết như bánh tráng cuốn, thịt kho hột vịt, bánh chưng, bánh tét…”.
Vì ngày tết rất có nghĩa đối với gia đình cô nên Linh cho biết ở Đức, cô đã xin phép nghỉ làm hai ngày để cùng cha mẹ và anh chị em đón giao thừa và mồng 1 tết.
Háo hức đón xuân lần đầu ở Việt Nam
Tại nơi làm việc vào 27 tết, Linh chia sẻ cô thật sự cảm nhận không khí tết sắp đến gần khi các đồng nghiệp người Việt “bàn tán xôn xao” về kế hoạch “ăn tết” của họ.
“Lúc đầu tôi cảm thấy hơi buồn vì không có cha mẹ ở TP.HCM để cùng tôi đón tết lần đầu tiên tại Việt Nam”, Linh nói.
Linh rất bận rộn với công việc của mình và cô phải làm việc mãi đến 27 tết mới được nghỉ. Nhưng cô cũng tranh thủ thời gian sau giờ làm việc để mua sắm chuẩn bị cho ngày tết. Linh rất háo hức khi được nghỉ cả một tuần lễ để đón tết đầu tiên của mình cùng ông bà nội ở Rạch Giá.
|
“Chỉ có ở Việt Nam bạn mới thật sự cảm nhận được cái không khí rộn ràng ở khắp nơi. Mọi người tất bật mua sắm quần áo mới, dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị ăn tết”, Linh chia sẻ. Cô cho biết thêm cô không bao giờ quên được một bộ đồ mới mà cha mẹ tặng cô lúc mới tròn 4 tuổi nhân dịp tết cổ truyền ở Đức.
Trước đây, cha mẹ thường hay kể cho Linh nghe về phong tục viếng mồ mả ông bà tổ tiên, rước hương hồn ông bà về nhà ăn tết.
“Vào ngày mai 28 tết, tôi sẽ có cơ hội ra thăm, lau dọn, làm vệ sinh mồ mả ông bà. Đây là một trải nghiệm hoàn toàn mới với tôi vì tôi chỉ được nghe cha mẹ nói nhiều về phong tục này mà thôi”, Linh trả lời phóng viên Thanh Niên Online vào giờ nghỉ trưa ngày 27 tết.
Phúc Duy
>> Sinh viên nước ngoài trải nghiệm tết Việt
>> Trải nghiệm Tết Việt - Nhật
>> Ông Kều' Nagase ăn Tết Việt
>> Tết Việt trên đất Thái
>> Bếp Việt, tết Việt
>> Tết Việt, học tiếng Anh
>> Kết quả cuộc thi ảnh Tết Việt
>> Ăn bánh chưng đón tết sớm ở Anh
>> Nhộn nhịp mua sắm tết
>> Chủ tịch nước chúc Tết lực lượng an ninh, cảnh sát
>> Tổ chức tết cho công nhân
>> Lễ hội bánh tét ở Đồng Nai
>> Bưởi hồ lô hút hàng trong dịp tết
>> Tết này xem gì trên Thanh Niên Online
Bình luận (0)