Lâu nay, các nhà sinh học luôn biết rằng sinh vật đơn bào tên gọi Tetrahymena thermophila có đến 7 giới tính. Nghĩa là chúng không chỉ có giống đực, giống cái, mà còn nhiều giống khác nữa. Các chuyên gia chẳng hiểu làm sao một dạng vi khuẩn nhỏ xíu như thế lại phát sinh lắm giới tính như thế. Mới đây, bí mật này cuối cùng cũng được giải mã.
T.thermophila là vi sinh vật nhân chuẩn đơn bào hình trứng, có thể được tìm thấy trong môi trường nước ngọt. Tuy nhiên, không giống như các sinh vật đơn bào khác, những cá thể vi sinh vật này được trời phú cho khả năng kết đôi độc nhất vô nhị, nhằm tăng cơ hội sinh sản trong tự nhiên. Đầu tiên, bất cứ con T.thermophila nào cũng có thể giao phối với con có giới tính khác (lưu ý rằng vi sinh vật này không có thói quen quan hệ tình dục đồng giới). Đến đây mọi chuyện vẫn bình thường, nhưng vấn đề lập tức phát sinh. Sau khi hai cá thể giao phối, hậu duệ của chúng có thể mang 1 trong 7 giới tính khác nhau. Tại sao lại như vậy?
|
Tình dục ngẫu nhiên
Theo báo cáo trên chuyên san PLOS Biology, nhóm nghiên cứu do các chuyên gia Marcella D.Cervantes và Eduardo Orias dẫn đầu đã phát hiện rằng mỗi tế bào của T.thermophila đều có 2 gien. Trong đó một gien kiểm soát hoạt động hằng ngày của vi sinh vật, và gien còn lại đóng vai trò như buồng trứng và tinh hoàn ở động vật. Gien thứ 2 chứa các cặp gien không hoàn chỉnh của 6 hoặc 7 giới tính, “tùy hứng” mà sử dụng. Mỗi khi hai vi khuẩn này xáp lại, con xúc xắc tự nhiên bắt đầu xoay, và tùy theo kết quả mà giới tính của hậu duệ được xác định.
“Nó hoàn toàn là ngẫu nhiên, như trò chơi cò quay Nga với 6 ô, rơi vào ô nào thì giới tính được quyết định như thế”, chuyên gia Orias thuộc Đại học California tại Santa Barbara (Mỹ) giải thích. Kết quả là hậu duệ cũng có thể mang giới tính như cha/mẹ, hoặc khác. “Thật là một hệ thống đầy ấn tượng”, theo đánh giá của Giáo sư Orias.
Trong hầu hết các trường hợp, T.thermophila sinh sản vô tính, có nghĩa là một tế bào mẹ phân chia thành 2 tế bào con. Tuy nhiên, chúng thường có khuynh hướng kết đôi khi nguồn thức ăn khan hiếm. Tuy nhiên, đừng vội lo ngại rằng quá trình sinh sản hết sức đặc biệt trên sẽ tạo cơ hội khiến loài T.thermophila có cơ hội xuất hiện tràn lan trên thế giới. Tự nhiên đã quy định rằng khi 2 tế bào kết hợp, tạo ra ADN chung, thì 2 tế bào còn lại rã đám. “Đó là trường hợp giao phối mà không sinh sản”, theo chuyên gia Orias.
Dù mới nghe qua, cơ chế sinh hoạt giới tính phức tạp trên có vẻ như hết sức xa lạ với loài chỉ phân thành giống đực và cái như con người. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng việc nghiên cứu chuyện giao phối của T.thermophila có thể giải mã nhiều câu hỏi bí ẩn về sinh học trong cơ thể con người, từ đó rút ra các bài học giúp ích trong nỗ lực chống chọi ung thư. Chẳng hạn, vi sinh vật trên có thể tiết lộ những “chiêu” có liên quan đến các phương pháp mà tế bào sử dụng để nhận diện bạn hay thù, với ứng dụng tiềm năng là nghiên cứu phản ứng của hệ miễn dịch ở người. Bên cạnh đó, cách thức T.thermophila sắp xếp lại ADN có thể chỉ ra những chiến lược mới trong quá trình chống chọi ung thư ở người, theo NBC News.
Phi Yến
>> Khi học sinh nghiên cứu về giới tính
>> Rắc rối pháp lý của cô giáo chuyển đổi giới tính
>> Đề xuất chi 3.000 tỉ đồng cho cân bằng giới tính
>> Người khiếm thị học giới tính
>> Thu hồi quyết định xác định lại giới tính
>> Báo động mất cân bằng giới tính
Bình luận (0)