Bí ẩn kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc

07/06/2013 03:25 GMT+7

Năng lực hạt nhân quân sự của Trung Quốc cho đến nay vẫn là một bí mật đối với thế giới bên ngoài.

>> Trung Quốc tăng cường kho vũ khí hạt nhân
>> Mỹ cam kết bảo vệ Nhật khỏi vũ khí hạt nhân
>> Làm sao Mỹ biết Triều Tiên có vũ khí hạt nhân?

Trung Quốc đang thu hút sự chú ý lẫn quan ngại trong khu vực với các động thái tăng cường sức mạnh và hoạt động quân sự của mình. Tuy nhiên, lâu nay dư luận hầu như tập trung vào hàng không mẫu hạm Liêu Ninh hay máy bay chiến đấu J-15 trong khi số lượng đầu đạn hạt nhân thật sự của nước này, do Quân đoàn pháo binh chiến lược 2 quản lý, đang là một câu hỏi lớn.

 Tên lửa liên lục địa DF-31
Tên lửa liên lục địa DF-31 - Ảnh: News.21cn.com

Theo báo The Japan Times, các nước châu Á, bao gồm Nhật Bản, đang lo ngại rằng do phải tập trung cắt giảm chi phí duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình, Mỹ có thể không lưu tâm đầy đủ đến những bằng chứng rằng Bắc Kinh đang sở hữu lượng vũ khí hạt nhân lớn hơn nhiều so với các ước tính chính thức. Một số chuyên gia nhận định Trung Quốc có thể đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách về vũ khí hạt nhân với Mỹ và Nga. Điều này sẽ gây tổn hại cam kết của Mỹ về việc bảo vệ các đồng minh châu Á nguy cơ tấn công hay đe dọa hạt nhân. Hậu quả cuối cùng là các nước trong khu vực có thể bị cuốn vào một cuộc chạy đua hạt nhân.

Tại diễn đàn an ninh khu vực mang tên Đối thoại Shangri-La ở Singapore vừa qua, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Thích Kiến Quốc không công khai về kho vũ khí hạt nhân mà chỉ nói nước ông cam kết không tấn công hạt nhân trước, theo AFP.

3.000 đầu đạn ?

Đa số giới chức phụ trách kiểm soát vũ khí và chuyên gia phân tích của Mỹ vẫn cho rằng Bắc Kinh có khoảng 240-400 đầu đạn hạt nhân, quá khiêm tốn so với 7.700 đầu đạn của Washington và 8.500 đầu đạn của Moscow. Mới đây nhất, AFP dẫn báo cáo do Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển công bố ngày 3.6 cho biết Trung Quốc hiện sở hữu 250 đầu đạn hạt nhân, tăng thêm 10 đầu đạn so với năm ngoái. Tuy nhiên, theo rất nhiều nguồn tin, số lượng thực tế cao hơn nhiều.

Tờ The Washington Times dẫn lời tướng Viktor Esin, cựu chỉ huy Lực lượng tên lửa chiến lược Nga, hồi tháng 12.2012 tiết lộ: “Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc có khoảng 1.600 - 1.800 đầu đạn, bao gồm 850 đầu đạn sẵn sàng để phóng”. Trang tin Defense News thì trích báo cáo của đội nghiên cứu thuộc ĐH Georgetown (Mỹ) cho rằng Trung Quốc hiện có tới 3.000 đầu đạn hạt nhân được cất kỹ trong một hệ thống hầm ngầm chằng chịt dưới lòng đất. Nhiều đầu đạn được gắn trên tên lửa đạn đạo hoặc trên những bệ phóng di động rất khó phát hiện.

Bên cạnh đó, trong báo cáo thường niên gửi Quốc hội Mỹ hồi tháng 5 về tình hình quân sự an ninh liên quan đến Trung Quốc, Lầu Năm Góc nói nước này đang phát triển những loại tên lửa mới, nâng cấp các hệ thống cũ và vạch ra phương pháp đối phó những hệ thống lá chắn trong khu vực.

“Rất không minh bạch”

Trong báo cáo mới, SIPRI nhận định Trung Quốc “rất không minh bạch” khi nói đến kho vũ khí hạt nhân của mình. Vì thế, theo giới quan sát, việc làm sáng tỏ những bí mật hạt nhân của Trung Quốc mà không có sự hợp tác của nước này gần như là “điệp vụ bất khả thi”, dẫn đến nhiều đồn đoán và lo ngại. Tháng 8 năm ngoái, trang Washington Free Beacon của Mỹ dẫn lời giới chức nước này loan tin Trung Quốc vừa cho bắn thử 2 loại tên lửa liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân là DF-41 và JL-2. Các chuyên gia cho rằng các tên lửa tầm ngắn hơn là DF-31 và DF-31A được nhằm vào Nga và Ấn Độ còn DF-41 được thiết kế để xuyên phá hệ thống phòng thủ của Mỹ. JL-2 thì có tầm bắn ước tính hơn 7.400 km, được trang bị cho tàu ngầm.

Mỹ còn lo ngại về hệ thống hầm ngầm có tổng chiều dài gần 5.000 km được cho là nơi cất giữ vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Theo báo cáo của ĐH Georgetown, hệ thống trên trải dài gần như toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc với độ sâu và quy mô khác nhau với một số cửa vào tại Nam Dương thuộc tỉnh Hà Nam hoặc Côn Minh ở tỉnh Vân Nam. Khu vực hầm tại Côn Minh có thể là nơi cất giữ tên lửa DF-31.

Theo tướng Esin của Nga, quan ngại về năng lực hạt nhân của Trung Quốc là một trong những lý do khiến nước ông và Mỹ vẫn chưa thể an tâm cắt giảm kho vũ khí của mình. Ông cho rằng để nỗ lực giảm thiểu vũ khí hạt nhân thành công thì phải có sự tham gia của Bắc Kinh.

Hoàn Cầu thời báo tung trò chơi chiếm đảo

Tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc đã phát hành một trò chơi trực tuyến bạo lực mang tên Chiếm lại quần đảo Điếu Ngư trên chuyên trang quân sự của mình. Trong đó, người chơi điều khiển tàu chiến của hải quân Trung Quốc tránh né và bắn hạ chiến đấu cơ, tàu ngầm cũng như tàu tuần tra của Nhật Bản để tới đích là quần đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Khi người chơi gõ phím dấu cách (space bar), lệnh tấn công hạt nhân sẽ được thực hiện, tiêu diệt mọi mục tiêu trên màn hình. Theo Hoàn Cầu thời báo, trong mấy tháng chạy thử nghiệm vừa qua, trò chơi đã thu hút 6 triệu lượt chơi. Đây là bằng chứng mới nhất cho thái độ kích động hung hăng về tranh chấp chủ quyền của tờ báo này, thể hiện qua nhiều bài xã luận thời gian qua. 

Lê Loan

Trùng Quang

>> Triều Tiên muốn được công nhận là nước có vũ khí hạt nhân
>> Mỹ - Nhật không để Triều Tiên có vũ khí hạt nhân
>> Vũ khí hạt nhân Triều Tiên có thể gắn vào tên lửa
>> Hàn Quốc cân nhắc phát triển vũ khí hạt nhân chống Triều Tiên
>> Kịch bản kiểm soát vũ khí hạt nhân Triều Tiên của Mỹ
>> Triều Tiên quyết phát triển vũ khí hạt nhân
>> Triều Tiên tuyên bố nâng cấp kho vũ khí hạt nhân
>> Chỉ dụ cấm vũ khí hạt nhân chế tài chính phủ Iran
>> Pháp tiếp tục duy trì vũ khí hạt nhân
>> Israel có thể buộc phải tấn công Iran bằng vũ khí hạt nhân?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.