Thực sự, phát biểu của ĐB Vân không hề quá lời.
Cách đây vài hôm, dư luận không khỏi bàn tán về dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình do Bộ Công an soạn thảo. Dư luận và giới chuyên gia chỉ ra dự thảo trên có nhiều quy định không khả thi, khó đi vào cuộc sống như việc xử phạt hành vi say rượu, bia ở công sở, nơi làm việc, trong các khách sạn, nhà hàng, quán ăn, trên các phương tiện giao thông và những nơi công cộng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM đã nhận định với Thanh Niên rằng các quy định trên không mới và từng có trong Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12.7.2010 của Chính phủ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chẳng dễ gì để phạt vì thế nào là say rượu bia, uống bao nhiêu thì gọi là say. Ngoài ra, ai đó say mà không có hành động quậy phá, làm ảnh hưởng đến người khác thì sẽ khó thuyết phục nếu phạt. Với thực tế này, khó ai có thể tin rằng các quy định trên có thể được thực thi.
Tương tự, điều 29 trong dự thảo nghị định xử phạt trên còn đề ra mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi “mua dâm có tính chất đồi trụy”. Dư luận và giới chuyên gia lại đặt ra vấn đề mua dâm thế nào thì “có tính chất đồi trụy”. Đây là khái niệm rất khó định nghĩa rõ ràng. Như thế, nếu quy định này có hiệu lực thì làm sao có thể thực thi.
Dẫu biết rằng các quy định trên chỉ mới ở mức dự thảo và việc Bộ Công an công bố để xã hội góp ý, phản biện là đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, những bất cập được chỉ ra cũng rất cơ bản và lẽ ra cơ quan chức năng phải tính đến từ sớm. Đến ngày 8.6, Bộ Công an thông báo phải chỉnh lý lại dự thảo trên rồi mới tiếp tục đăng tải để lấy ý kiến người dân. Dù chỉ là dự thảo nhưng cứ phải đưa lên - rút xuống chắc chắn gây lãng phí thời gian, công sức của cơ quan chức năng lẫn của xã hội.
Tương tự, sự lãng phí này còn xuất hiện trong các điều luật hợp lý có hướng dẫn rồi nhưng do thiếu tính toán xa hơn mà không đem lại kết quả gì đáng kể. Điển hình như quy định xử phạt người gọi điện thoại di động ở các trạm xăng thì ai sẽ xử phạt. Tất nhiên là không thể phải thành lập riêng một lực lượng chuyên biệt trong khi nhân viên cây xăng chẳng phải lực lượng công lực để thực thi. Vì thế, điều luật này khó đem lại hiệu quả cũng là điều dễ hiểu.
Trước tình trạng trên, để tránh lãng phí khi ban hành những điều luật không thể đi vào cuộc sống, chúng ta cần hoàn thiện bộ quy chuẩn để ban hành luật ngay từ bước lập dự thảo. Điển hình như tiêu chí, định nghĩa về vi phạm, lực lượng và phương thức thực thi… Ngay cả một quy định nhỏ cũng cần đáp ứng bộ quy chuẩn. Có như thế thì việc ban hành luật mới có thể thực sự đi vào cuộc sống mà không lãng phí.
Ngô Minh Trí
>> Xử lý lãng phí chưa nghiêm
>> Đóng kín cửa, dân làm sao giám sát được lãng phí!
>> Xử lý nghiêm với các quyết định gây lãng phí
>> Lãng phí là gì, ai chịu trách nhiệm ?
>> Lo đổi tên nước sẽ gây xáo trộn và lãng phí
>> Đầu tư như thế thì lãng phí quá
Bình luận (0)