>> Vững chãi Trường Sa - Kỳ 1: Tuổi 18 giữa sóng nước biển Đông
>> Vững chãi Trường Sa - Kỳ 2: Những người "cưỡi mây, đạp nước"
Video clip: Nhịp cầu Trường Sa |
“Cây cầu” tuổi 20
Chúng tôi có mặt trên tàu HQ-996 vào đúng dịp 58 năm ngày thành lập Quân chủng Hải quân, tàu rời cảng Cát Lái TP.HCM tiến ra Trường Sa. Những cơn lừng cứ làm con tàu hơn 2.000 tấn lắc lư. Mặc dù trời yên bể lặng, “tháng ba bà già đi biển” nhưng trong suốt hành trình, không ít lần tàu gặp phải sóng to, gió lớn. Dù vậy, tàu HQ-996 vẫn lừng lững tiến về phía Trường Sa.
Một góc tàu HQ-996 và biển đảo quê hương
Trên buồng lái, lái tàu Trần Văn Quân tự tin điều khiển con tàu vượt qua sóng gió hướng thẳng ra khơi. Anh trấn an: “Đi mùa này biển êm, sóng này thì ăn thua gì, có những chuyến chúng tôi còn đi qua vùng biển động hơn thế này nhiều, nhưng nhiệm vụ quan trọng buộc chúng tôi phải ra khơi cho kịp chuyến. Dù có sóng to gió lớn đến đâu anh em trên tàu vẫn đừng lo…”.
|
Suốt hành trình lênh đênh trên biển, chúng tôi đã quen thuộc với thông báo: “Toàn tàu chú ý, toàn tàu chú ý, đã đến giờ ăn, xin mời thủ trưởng và các đại biểu dùng bữa…”. Khi nghe câu này, mọi người trên tàu đều vui vẻ để cùng hội ngộ với hàng trăm khuôn mặt vừa mới quen. Thông báo được tổ phục vụ nhắn gửi đều đặn trước mỗi bữa ăn.
Tổ phục vụ trên tàu gồm 14 chiến sĩ đảm nhiệm việc nấu nướng cho gần 200 người, với tiêu chuẩn 4 bữa/ngày. Đội trưởng Phạm Hồng Sơn cho hay: “Bình thường, trời yên biển lặng thì không sao nhưng sợ nhất là vào mùa biển động, có nhiều người say sóng nằm bẹp dí tại giường, anh em tổ phục vụ phải mang đồ ăn đến tận phòng, các anh em phải mang cả thau canh mà như đang đi thăng bằng trên dây trong gánh xiếc, đặt thức ăn trên bàn trong tư thế “kéo co”. Có một nguyên tắc bất di bất dịch là dù say sóng đến cỡ nào thì anh em trong tổ phục vụ vẫn cố gắng không để cho ai thiếu một bữa ăn nào.
Nếu như ví con tàu như một cơ thể sống thì hầm máy được mệnh danh là trái tim của cơ thể ấy. Bởi lẽ nó hoạt động liên tục không ngơi nghỉ. Vất vả nhất vẫn là những cán bộ chiến sĩ vận hành trong hầm máy, các anh phải làm việc liên tục trong cái nóng trên 40 độ C.
Gặp Nguyễn Hữu Long - người đã 24 năm làm việc với tiếng ồn của động cơ trong hầm máy nóng hừng hực - mới cảm nhận được sự vất vả, sức chịu đựng phi thường. Anh Long đã có hàng trăm chuyến ra khơi cùng con tàu này. Khi được hỏi về gia đình, anh nói một mạch về người vợ đảm đang và hai đứa con ngoan vừa đạt danh hiệu học sinh giỏi mà anh vừa nhận được tin từ sáng nay qua điện thoại.
“Tôi luôn coi hầm máy là ngôi nhà thứ hai của mình, còn những máy móc, động cơ như con mình, phải luôn luôn chăm sóc chúng hết sức cẩn thận vì chúng mà “sụt sịt” thì mình ăn không ngon, ngủ không yên với chúng”, anh ví von.
Sau hơn hai ngày đêm ròng rã vượt sóng, tàu HQ-996 đã đưa chúng tôi đến đảo Song Tử Tây. Do không có cầu cảng, tàu phải neo đậu cách đảo chừng 1 hải lý. Đã gần sát bờ, sau nhiều ngày chỉ thấy toàn biển trời mênh mông, nay được nhìn thấy đảo, mỗi người ai cũng háo hức trông chờ. Đúng lúc đó thì hai chiếc xuồng kéo đã được hạ xuống, các anh trong trong tổ boong tiếp tục nhiệm vụ đưa tất cả mọi người vào đảo. Sóng dập dềnh lên xuống, xuồng vào đảo rất khó, các chiến sĩ trên tàu HQ-996 lại phải dốc toàn bộ sức lực để cố giữ thuyền.
Tổ hậu cần đang chuẩn bị bữa ăn trên tàu
Thiếu uý Phạm Văn Dương cẩn thận đỡ từng người, từng món quà một cách cẩn trọng. Khi mọi người đã yên vị trên đảo thì cũng là lúc mà những khuôn mặt sạm đen vì nắng gió của các thuỷ thủ tàu HQ-996 cũng mướt mồ hôi. Mọi người nhìn nhau cười rất tươi…
Đời trai lênh đênh biển khơi
Hơn 12 năm kể từ khi đặt chân lên con tàu đầu tiên của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, không nhớ hết đã đến Trường Sa bao nhiêu lần nhưng với thuyền trưởng Nguyễn Văn Đoàn, mỗi chuyến đi đều thiêng liêng và ý nghĩa.
“Mỗi chuyến tàu ra Trường Sa được an toàn tuyệt đối, đó là niềm hạnh phúc của chúng tôi vì hơi ấm từ đất liền đã đến với nơi đầu sóng ngọn gió. Công việc dù vất vả nhưng chúng tôi vẫn cho rằng mình còn may mắn hơn nhiều đồng chí, đồng đội đã hy sinh hoặc đang ngày đêm bám đảo, bám biển”, thuyền trưởng Nguyễn Văn Đoàn thật thà nhận xét.
Nói như vậy, chứ so với lính đảo thì mỗi năm, các anh trên tàu HQ-996 cũng đã phải lênh đênh trên biển hết 7, 8 tháng trời. Gia đình đã quen với việc các anh vắng nhà.
|
Chiều xuống nhanh trên biển, khi tất cả mọi người trong đoàn đã lên đảo an toàn, chiến sĩ Lê Ngọc Tân tranh thủ gọi điện về nhà hỏi thăm tình hình sức khoẻ gia đình. Nhiều tháng nay Tân chưa có dịp về thăm nhà, trong kỳ phép gần nhất anh chuẩn bị về quê thăm vợ con thì nhận được lệnh phải đi công tác gấp. Thế là Tân lại lên đênh trên những chuyến hải trình.
Thủy thủ Trần Văn Quân tâm sự: “Gần 10 năm gắn bó với tàu HQ-996 để “nối nhịp” đất liền với Trường Sa, tôi hiểu thế nào là cuộc sống nơi đầu sóng ngọn gió. Được góp sức cho Trường Sa thân yêu đó là sự may mắn”.
Riêng đối với những người lính đảo, tàu HQ-996 cùng đoàn thủy thủ thực sự là những người bạn thân thiết của Trường Sa. Họ chính là những cánh chim không mỏi mang hơi ấm đất liền ra với biển đảo thân yêu.
Hai mươi năm, một khoảng thời gian đủ để một đứa bé trở thành một chàng thanh niên cường tráng. Hai mươi năm cùng với biết bao đổi thay của thời cuộc, tuy nhiên trong suốt quãng thời gian ấy, con tàu HQ-966 vẫn âm thầm vượt trùng khơi. Đêm cuối cuộc hành trình, biển động rất mạnh, ai nấy điều đi ngủ sớm vì say sóng, trong tiếng gầm gừ của biển khơi, tiếng máy con tàu vẫn đều đều lướt sóng. Tiếng loa phát thanh vẫn đang phát đi bài hát: Khi những con tàu vào khu neo tránh bão thì tàu tôi vươn ra biển khơi/ Có chuyến đi nào vất vả hơn thế… 996 ơi vươn tới biển khơi, đưa bao con người vươn ra hải đảo, dựng xây Trường Sa cùng đất nước/ Đảo là nhà, biển cả là quê hương… Sóng biển vẫn ầm ầm, có chúng tôi đến với Trường Sa.
Bài, ảnh: Nguyễn Bình
>> Rau xanh, nước ngọt cho Trường Sa
>> “Hoàng sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”
>> Đề nghị đưa Trường Sa và Hoàng Sa vào Hiến pháp
>> Cận cảnh" cuộc sống người dân trên quần đảo Trường Sa
>> Hành động vì Trường Sa
>> Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa - Biển đảo Việt Nam”
>> Hiến kế" để đưa thông tin về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa đến bạn bè quốc tế
Bình luận (0)