Nguy cơ mù lòa vì “nếm” cầu mắt

24/06/2013 03:15 GMT+7

Không những khiến người khác cảm thấy “ghê ghê”, khuynh hướng hết sức lạ lùng để bày tỏ tình yêu trong giới trẻ Nhật Bản còn đối mặt với nguy cơ bị mù vì nhiễm khuẩn độc.

Xã hội không lạ gì những hành động kỳ quặc của những người đang yêu quá “hóa rồ”, nhưng đến mức như giới học trò và sinh viên Nhật Bản hiện nay thì thuộc dạng hơi quái dị. Xu hướng đang là thời thượng nhất để bày tỏ tình yêu ở xứ sở hoa anh đào chính là “oculolinctus”, tức liếm tròng mắt của nhau. “Đây là hành động nguy hiểm, có khả năng làm lây lan những tình trạng viêm nhiễm nguy hiểm từ viêm màng kết đến bị lẹo (khiến mí mắt sưng lên), cũng như áp xe mí mắt và hốc mắt”, theo CBS News dẫn lời bác sĩ Robert Glatter, chuyên khoa cấp cứu tại Bệnh viện Lenox Hill ở New York.

Liếm tròng mắt không phải xuất hiện mới đây mà đã tồn tại được một thời gian, và hiện trên kênh YouTube đang có vô số đoạn clip quay cận cảnh hành động khiến nhiều người... nổi da gà. Một blogger Nhật Bản tên Naver Matome đã phỏng vấn một thầy giáo và ông này bày tỏ sự lo ngại của mình khi bắt gặp 2 học sinh mới lớp 6 mà cũng đã đua đòi theo phong trào này. Sau khi bị thầy vặn hỏi, hai học sinh nói rằng đây là chuyện hết sức bình thường trong lớp học, và thời này ai cũng làm thế. Khi kiểm tra lại các học sinh khác, ông phát hiện 1/3 số trẻ thừa nhận có chuyện liếm nhãn cầu.

Theo tờ The Guardian, nguồn gốc của khuynh hướng bày tỏ tình cảm nguy hiểm này xuất phát từ MV (clip nhạc) của băng Born, trong đó có cảnh liếm cầu mắt. Bác sĩ Robert Noecker, chuyên khoa mắt tại Connecticut, nói với trang tin Medical Daily rằng nhãn cầu có thể đóng vai trò là một trung tâm kích thích tình dục do tập trung một khối lượng lớn dây thần kinh ở đây. “Giác mạc là phần được phân bổ nhiều dây thần kinh nhất trong cơ thể”, theo bác sĩ Noecker. Đó cũng là lý do tại sao các đối tượng có thể cảm thấy thích thú khi được “nếm” cầu mắt.

Hành động yêu một cách ướt át này đến kèm với nhiều rủi ro, chẳng hạn như rất dễ lây nhiễm vi khuẩn gây tình trạng viêm kết mạc, hay còn gọi là đau mắt đỏ. Khi bị nhiễm vi khuẩn này, màng nhầy bao phủ tròng mắt và lớp sau mi mắt bị nhiễm. Thông thường bệnh có thể tự khỏi, nhưng trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân cần được kê đơn kháng sinh hoặc các phương pháp điều trị khác. Khi tiến hành khảo sát nội bộ lớp học, người thầy Nhật Bản đồng thời phát hiện có 10 em đeo miếng dán mắt, nghĩa là mắt đang đau. Bác sĩ Glatter còn cảnh báo về khả năng lây lan vi khuẩn Chlamydia, bệnh truyền qua đường tình dục. Nếu bị nhiễm Chlamydia lên mắt, không loại trừ nguy cơ mù lòa nếu chẳng được điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp liếm làm xước tròng mắt. Bất cứ vết cắt nào bên trong cầu mắt cũng có thể trở thành cái bẫy độc cho vi khuẩn sinh sôi, từ đó dẫn đến những vấn đề khác.

Tụ Yên

>> Ăn mơ chống táo bón, bệnh tim và mù lòa
>> Nho giảm nguy cơ mù lòa
>> Dễ mù lòa vì thiếu vitamin A
>> Ăn cá giúp chống mù lòa
>> Ăn cá có thể ngừa mù lòa
>> Đột phá trong chữa mù lòa
>> Thuốc ngừa mù lòa từ vitamin A

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.