Oái oăm chuyện giới tính - Kỳ 2: Ai được điều chỉnh giới tính?

03/07/2013 15:00 GMT+7

(TNO) Khi con người ra tay "sửa lỗi" giới tính của tạo hóa, đó là một quyết định khó khăn dựa trên nhiều góc độ: y khoa, tâm lý... và cả quyền lựa chọn của cá nhân.

(TNO) Theo các bác sĩ, các trường hợp can thiệp để trả lại cho đúng giới tính cần sự suy xét, thẩm định trên nhiều góc độ: y khoa, đời sống, kể cả dành phần chọn lựa cho người được “sửa” trên cơ sở phân tích, tư vấn khoa học của bác sĩ.

>> Oái oăm chuyện giới tính - Kỳ 1: 1.001 nhầm lẫn dở khóc dở cười
>> Chuyện hy hữu: Bé trai có... tử cung

Cần phát hiện “lỗi” sớm

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Bình dân (TP.HCM), tất cả các trường hợp “sửa lỗi” giới tính ở hai bệnh viện này đều được phát hiện một cách tình cờ.

Thông thường, bệnh nhân nhập viện vì một bệnh lý nào đó, như thoát vị bẹn ở trẻ em gái, chậm kinh, bất thường cơ thể ở tuổi dậy thì (16 - 20 tuổi) hoặc hiếm muộn, u ổ bụng... Sau đó, qua thăm khám, các bác sĩ mới phát hiện ra nguyên nhân thật sự là do “trục trặc” về giới tính.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình dân, những “lỗi” giới tính này hoàn toàn không thể phát hiện trong thai kỳ, cũng không phải lỗi xác định sai con trai - con gái của "bà đỡ". Vì vậy, chỉ có khi bệnh nhân đi khám sức khỏe, xét nghiệm... mới phát hiện ra.

Tuy nhiên, bác sĩ Dũng nhận định, để đến khi thành niên, thậm chí lập gia đình rồi mới phát hiện lỗi giới tính là quá trễ. Nếu khâu chăm sóc y tế sức khỏe sinh sản ở tuyến dưới tầm soát, thăm khám tốt hơn thì có thể đã phát hiện sớm hơn những "lỗi giới tính" này.

 
Một ca phẫu thuật "sửa lỗi" giới tính tại Bệnh viện Bình dân (TP.HCM) - Ảnh do bệnh viện cung cấp

“Thường thì các bé luôn có những biểu hiện bất thường có liên quan đến giới tính ngay từ khi 3 - 4 tuổi. Vì vậy, phụ huynh cần để ý, khi con có những bất thường về bộ phận sinh dục thì đừng chủ quan mà nên đến các bác sĩ chuyên khoa thăm khám”, thạc sĩ - bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, khoa Niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2, khuyến cáo.

Theo các bác sĩ, việc “sửa lỗi” giới tính được thực hiện cho bé càng sớm càng tốt (tốt nhất là trước 6 tuổi) để tránh việc trẻ bị sốc tâm lý, xáo trộn cuộc sống quá nhiều vì bỗng dưng từ trai hóa gái, gái hóa trai.

Ai được điều chỉnh giới tính?

Theo các bác sĩ, thực ra, luôn có một tỉ lệ nhất định trẻ sinh ra mơ hồ về giới tính, cần can thiệp “sửa lỗi”. Các khoa chuyên môn của một số bệnh viện chuyên khoa như Nhi đồng 2, Bình dân, Chợ Rẫy,… vẫn điều trị, “sửa lỗi” những trường hợp bệnh nhân gặp bất thường ở cơ quan sinh dục.

Phẫu thuật xác định lại giới tính cho phép thực hiện với những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác.

Các trường hợp phẫu thuật xác định lại giới tính chỉ được chấp nhận khi khuyết tật giới do bệnh lý nguyên nhân từ đột biến hoặc khiếm khuyết gien (theo thống kê, 1/11.000 người mắc bệnh có khuyết tật về giới tính hoặc giới tính không rõ ràng).

Hiện tại, phẫu thuật chuyển giới bị cấm thực hiện ở Việt Nam.

 

Giữa tháng 6 này, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) là bệnh viện đầu tiên của cả nước được Bộ Y tế chỉ định và UBND TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM thẩm định, chính thức được phép can thiệp y tế xác định lại giới tính.

Tiếp theo đó, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cũng được Bộ Y tế công nhận chức năng này.

Được biết, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục thẩm định để trong tháng 7 tới công nhận thêm Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Phụ sản Trung ương đủ điều kiện xác định lại giới tính.

Theo đó, các bệnh viện này có chức năng xác định và “sửa lỗi” giới tính đối với các trường hợp giới tính chưa được xác định chính xác, khiếm khuyết về giới tính.

Sau khi phẫu thuật, có chứng nhận của bệnh viện thì bệnh nhân có thể xin đổi tên, đổi giới tính trên hồ sơ, giấy tờ tại UBND cấp huyện.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cho biết các trường hợp cần xác định lại giới tính có thể đến bệnh viện để kiểm tra, thẩm định (từ hội đồng chuyên môn y khoa) và điều trị can thiệp nếu có lỗi của “tạo hóa” về giới tính.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) từng lưu ý về sự khác nhau giữa can thiệp xác định lại giới tínhchuyển giới. Bộ Y tế cũng khẳng định các bất thường giới tính từ yếu tố tâm lý thông thường, do xã hội tác động, không nằm trong nhóm đối tượng của công tác xác định lại giới tính. Bộ này cũng nghiêm cấm thực hiện với các trường hợp đã hoàn thiện về giới tính.

Viên An

>> “Hoán cải” lại giới tính cho một em bé
>> Cấm chuyển giới nếu khuyết tật giới tính do tâm lý
>> Tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức bình thường
>> Bí ẩn sinh vật 7 giới tính
>> Khi học sinh nghiên cứu về giới tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.