Bí ẩn thuộc cấp người châu Âu của Kim Jong-un

08/07/2013 10:35 GMT+7

(TNO) Alejandro Cao de Benos, xuất thân từ một gia đình dòng dõi quý tộc tại Tây Ban Nha, hiện là một nhân viên đặc biệt phụ trách tuyên truyền cho chính phủ CHDCND Triều Tiên và là một thuộc cấp trung thành của lãnh đạo Kim Jong-un .

Cao de Benos, 38 tuổi, được cho là quan chức người ngoại quốc có cấp bậc cao nhất trong chính phủ Triều Tiên, tờ Los Angeles Times (Mỹ) cho biết.

Trong suốt 11 năm qua, anh này đã làm việc với tư cách là một đại diện đặc biệt của Bộ Ngoại giao Triều Tiên.


Alejandro Cao de Benos nhận một giải thưởng văn học tại Bình Nhưỡng - Ảnh: Los Angeles Times

Đây là một chức vụ danh dự không lương nhưng có kèm theo quà tặng là một căn hộ ở thủ đô Bình Nhưỡng, nơi Cao de Benos đôi khi vẫn hay tổ chức ăn mừng Giáng sinh tại đây.

Thần tượng ý thức hệ Triều Tiên ngay từ nhỏ

Cao de Benos từng là một cố vấn kỹ thuật thành đạt, làm việc tại thành phố Palo Alto thuộc bang California (Mỹ) vào những năm đầu thập niên 2000. Thành phố này là cái nôi của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, chẳng hạn như Apple, Facebook và Google.

Ngay từ khi còn là thiếu niên ở quê nhà Tây Ban Nha, anh này đã rất thần tượng ý thức hệ của Triều Tiên.

Cao de Benos lập ra Hiệp hội Bạn hữu Triều Tiên, từng thông báo đã quy tụ được 12.000 hội viên và tổ chức các chuyến đi đến Triều Tiên cho những người ngoại quốc ủng hộ quốc gia này.

Anh này còn lấy tên Triều Tiên là Cho So Il, tức “Triều Tiên là một”.

“Tại Triều Tiên, chúng tôi không sống trên thiên đường. Tôi đã từng trông thấy cảnh chết đói. Mọi người sống một cuộc sống khiêm tốn với lòng tự trọng”, Cao de Benos nói với Los Angeles Times trong một cuộc phỏng vấn kéo dài hai tiếng đồng hồ trên sân thượng của một khách sạn nhìn ra biển ở thành phố Tarragona, đông bắc Tây Ban Nha.

Cao de Benos tên đầy đủ là Alejandro Cao de Benos de Les y Perez và là hậu duệ của các quý tộc ở vùng núi Pyrenees.

Khi Cao de Benos còn là một thiếu niên, gia đình anh này bị buộc phải rời xứ Catalonia để đến sống tại Andalusia, vốn là cứ điểm vững chắc ở phía nam của đảng Xã hội Tây Ban Nha và cũng là nơi cha của Cao de Benos bắt đầu lập nghiệp.

Ông nội của Cao de Benos làm ăn thua lỗ và mất toàn bộ của cải trong nhà, thế là cậu bé Cao de Benos chứng kiến cha mình biến từ một người quý tộc thành một người lao động.

“Đó là một cú sốc lớn. Tôi đã phải bắt đầu cuộc sống mới tại tỉnh Granada (thuộc vùng Andalusia, Tây Ban Nha)”, Cao de Benos hồi tưởng.

Anh này đã che giấu xuất thân quý tộc của mình và tham gia vào một đảng phái chính trị khi mới 15 tuổi.

Cao de Benos khi đó được nghe kể về Triều Tiên và cảm thấy thích với văn hóa và lịch sử của nước này.


Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (áo đen) duyệt tài liệu báo cáo từ các tướng lĩnh quân đội - Ảnh: Reuters

Bà Elvira Perez, mẹ của Cao de Benos, đã bối rối với ý thích của con trai nhưng vẫn nhiệt tình ủng hộ, nên bà đã dẫn con đến gặp một nhóm các nhà ngoại giao Triều Tiên tại một sự kiện do Liên Hiệp Quốc tổ chức ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.

Trở về nhà sau chuyến đi này, cậu bé Cao de Benos tuyên bố sẽ chiến đấu cho Triều Tiên, bà Perez thuật lại.

“Tất cả bạn bè và hàng xóm của chúng tôi đã thực sự ngạc nhiên, và đến giờ họ vẫn như vậy”, bà Perez, 60 tuổi, nói với Los Angeles Times từ nhà mình ở Granada trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

“Tôi cho rằng điều này xảy ra khi người ta làm gì đó khác biệt, hoặc chọn một hướng đi khác, và mọi người nghĩ điều này thật kỳ lạ. Tuy nhiên, chúng tôi luôn ủng hộ hai con trai mình. Và với Alejandro, thì đây là đam mê”, bà này cho hay.

Bỏ tiền túi tuyên truyền cho Triều Tiên

Cao de Benos hiện sống khoảng nửa năm tại Bình Nhưỡng để làm người tháp tùng các nhà ngoại giao, doanh nhân hoặc phóng viên nước ngoài được cấp phép vào Triều Tiên.

Còn trong nửa năm còn lại, anh này dành ba tháng để sống tại quê nhà ở Tây Ban Nha và ba tháng sống tại các quốc gia phương Tây khác, nơi anh tổ chức các hội nghị cấp trường đại học để thảo luận về ý thức hệ Triều Tiên và cố lôi kéo doanh nghiệp đầu tư vào quốc gia châu Á này.

Trong bối cảnh Triều Tiên bị Mỹ và phương Tây cấm vận vì đã không chịu ngưng các chương trình phát triển tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân, thì đây là một công việc hết sức nhọc nhằn, Los Angeles Times nhận định.

“Tôi từng một lần mời một nhóm các doanh nhân Canada đến Triều Tiên và họ đã đồng ý sẽ đầu tư khoảng 2 hoặc 3 triệu euro. Nhưng làm sao mà chúng tôi có thể chuyển hàng triệu euro từ Canada vào Bình Nhưỡng khi mà Mỹ cấm cả một cuộc chuyển khoản điện tử trị giá có 100 USD”, Cao de Benos bực dọc ca thán.

“Chúng tôi thậm chí không thể dùng thẻ tín dụng. Mỹ kiểm soát hết mọi thứ. Khi tôi mang du khách đến Triều Tiên, tất cả mọi người đều phải mang theo tiền mặt”, anh này nói thêm.


Người dân Triều Tiên rảo bước trên đường phố phủ đầy tuyết tại thủ đô Bình Nhưỡng - Ảnh: Reuters 

Thỉnh thoảng các phóng viên cũng nằm trong số các khách du lịch Triều Tiên do Cao de Benos làm hướng dẫn viên.

Hồi năm 2004, Cao de Benos xuất hiện trên mặt báo do cách cư xử hà khắc với cựu phóng viên của hãng tin ABC News (Mỹ) Andrew Morse.

Do một bất đồng về cách Morse ghi nhận nạn đói ở Triều Tiên, phòng khách sạn của phóng viên này đã bị lục soát và một cuộn video ghi hình dài 32 tiếng đã bị tịch thu.

Morse sau đó bị buộc phải ký vào một thư xin lỗi và bị trục xuất ra khỏi Triều Tiên.

Gián tiếp đề cập về vụ việc nói trên, Cao de Benos nói với Los Angeles Times rằng anh cảm thấy tiếc khi bị đặt vào một tình huống khó xử bởi một phóng viên mà theo anh là đã vi phạm luật pháp Triều Tiên.

Cả hai hiện vẫn duy trì liên lạc công việc, theo Los Angeles Times.

Cao de Benos cũng nói rằng anh đã gặp Kim Jong-un một lần ngắn ngủi và rằng anh rất trân trọng những món quà mà cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, người mà anh này được gặp nhiều lần, trao tặng.

Tuy nhiên, mức độ thân mật thật sự của Cao de Benos với các quan chức cấp cao của Bình Nhưỡng vẫn là một bí ẩn, Los Angeles Times cho biết.

Không hề có một xác nhận chính thức nào về chức vụ của anh này trong chính phủ Triều Tiên, dù Cao de Benos là một gương mặt quen thuộc đối với các chuyên gia và nhà báo tại Triều Tiên.

Cao de Benos biết rằng sự phục vụ tận tụy của mình cho chính phủ Triều Tiên gây khó hiểu cho cả người dân Triều Tiên.

Cao de Benos cho biết đã dành 12 năm để thiết lập chương trình tuyên truyền cho nhà nước Triều Tiên bằng chính tiền túi của mình nhằm mở đường cho anh được tiếp nhận ở nước này trước khi được chính phủ tại Bình Nhưỡng phong tặng một chức vụ chính thức.

“Ngay cả bây giờ vẫn có người nghi rằng tôi là điệp viên hai mang. Nhưng hãy cứ để họ chơi trò phim ảnh Hollywood đi, tôi không quan tâm đâu. Bạn bè và gia đình tôi đều hiểu lý tưởng của tôi kể từ khi tôi còn là một cậu bé”, Cao de Benos cho hay.

Hoàng Uy

>> Triều Tiên chấp nhận theo lời Trung Quốc về đàm phán
>> Triều Tiên “rút tên lửa khỏi bờ biển”
>> Triều Tiên có tân tổng tham mưu trưởng quân đội
>> Triều Tiên cử đặc sứ tới Trung Quốc
>> Triều Tiên bắn tên lửa ngày thứ ba liên tiếp
>> Trung Quốc xác nhận tàu cá bị Triều Tiên bắt giữ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.