(TNO) Khiếu nại về chất lượng hàng hóa không chỉ do lỗi từ phía nhà sản xuất, kinh doanh mà còn do sự thiếu tìm hiểu thông tin của người tiêu dùng khi mua hàng hóa.
|
Bà Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, đã phát biểu như trên tại hội thảo nhìn lại hai năm thực thi luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do Cục Quản lý cạnh tranh tổ chức ngày 11.7 ở TP.HCM.
Cụ thể, lỗi của doanh nghiệp chủ yếu ở việc không cung cấp thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng khi bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ.
Còn lỗi của người tiêu dùng là không đọc kỹ thông tin hướng dẫn sử dụng hàng hóa; không kiểm tra thông tin khi nhận hàng; mua hàng hóa, dịch vụ mà không đòi hỏi hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch.
Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM dẫn chứng do không đọc kỹ thông tin, người tiêu dùng đã phải trả một khoản tiền gần 65 triệu đồng cho khoản vay hơn 28 triệu đồng trong vòng 24 tháng cho một công ty cho vay tiêu dùng.
“Việc vay tiền là do người tiêu dùng thỏa thuận nhưng vấn đề đặt ra là người tiêu dùng không hiểu một chút nào về những điều kiện giao dịch do công ty cho vay đặt ra mà chỉ biết ký tên vào hợp đồng mẫu”, bà Thu cho biết.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM cho hay, người tiêu dùng trong nước chưa có ý thức cao trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình hay còn có tâm lý “nhẫn nhịn”.
Từ đó, ông Hậu cho rằng để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay chủ động liên hệ với cơ quan nhà nước khi có sự cố về hàng hóa, dịch vụ.
Tin, ảnh: Đình Quân
>> Cần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
>> Đã đến lúc người tiêu dùng Việt Nam phải xem trọng quy trình sản xuất!
>> Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Cà Mau
>> Hàng Trung Quốc bủa vây người tiêu dùng - Kỳ 3: Phải kiểm soát nhập khẩu hiệu quả
Bình luận (0)