Trong chuyến thăm Hàn Quốc hôm 28.7, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết chính phủ nước này dự tính sẽ chuyển một số đơn vị không quân và hải quân cùng máy bay và tàu chiến đến căn cứ ở vịnh Subic ngay sau khi ngân sách tái bố trí được phê chuẩn.
“Việc này nhằm bảo vệ biển Tây Philippines của chúng tôi”, ông Gazmin sử dụng cách gọi biển Đông của chính phủ Philippines.
|
Vịnh Subic là một cảng nước sâu tự nhiên có thể cho phép hai tàu chiến lớn mà Philippines mua lại từ Mỹ đồn trú, theo ông Gazmin.
Một báo cáo mật của Bộ Quốc phòng Philippines mà hãng AP tiếp cận được cho biết việc điều chiến đấu cơ đến vịnh Subic sẽ rút ngắn khoảng thời gian bay ra biển Đông xuống hơn ba phút so với căn cứ không quân Clark, nơi một số máy bay của không quân hiện trú đóng.
Báo cáo ước tính chi phí sửa chữa và cải tạo căn cứ không quân ở Subic ít nhất là 5,1 tỉ peso (119 triệu USD). Trong khi đó, chi phí để xây dựng một căn cứ không quân mới ước tính khoảng 11 tỉ peso (256 triệu USD) bởi vịnh Subic hiện đã có một đường băng tiêu chuẩn thế giới và các cơ sở hàng không.
Philippines có kế hoạch cho phép quân đội Mỹ hiện diện tạm thời tại nhiều căn cứ quân sự của nước này nhằm tạo điều kiện gia tăng số lượng cho các cuộc tập trận giữa hai nước mỗi năm.
Sự hiện diện lớn hơn của quân đội Mỹ có thể giúp ứng phó thảm họa và đóng vai trò răn đe với điều được các quan chức Philippines mô tả là những hành động khiêu khích của Trung Quốc.
Philippines vốn ủng hộ nỗ lực của Washington nhằm tái xác lập sự hiện diện quân sự tại châu Á để làm đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Vào năm ngoái, tàu bè của Philippines đã phải rút khỏi bãi cạn Scarborough tranh chấp giữa hai nước sau nhiều tuần đối đầu căng thẳng với tàu hải giám Trung Quốc.
Sơn Duân
>> Philippines, Nhật tăng cường hợp tác biển
>> Philippines muốn mua thêm tàu chiến Mỹ
>> Kế hoạch mua sắm vũ khí đầy tham vọng của Philippines
>> Philippines theo dõi sát tàu chiến Trung Quốc
>> Philippines đề phòng Trung Quốc chiếm bãi Cỏ Mây ở biển Đông
>> Mỹ muốn hiện diện quân sự "bán thường trực" tại Philippines
Bình luận (0)