Trung Quốc tranh phần tại Bắc Cực

30/08/2013 11:15 GMT+7

Dù không thuộc nhóm các quốc gia cận cực nhưng Trung Quốc ngày càng muốn khẳng định sự hiện diện tại Bắc Cực.

Nhiều thập niên trước, khu vực quanh năm băng giá này chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học. Tuy nhiên, kể từ lúc biến đổi khí hậu khiến trái đất ấm dần lên, Bắc Cực bị “rã đông” và để lộ tiềm năng to lớn cả về kinh tế lẫn quân sự. Các chuyên gia ước tính Bắc Cực đang trữ khoảng 90 tỉ thùng dầu và chiếm 30% lượng khí đốt tự nhiên chưa được khai thác trên thế giới. Băng tan sẽ giúp việc khai thác không còn là mục tiêu quá xa vời, đồng thời mở luôn triển vọng đối với các ngành ngư nghiệp, giao thông hàng hải… Trước những lợi ích to lớn nói trên, Trung Quốc tỏ rõ ý định tranh phần tại Bắc Cực.

Lược đồ so sánh tuyến Bắc Cực và tuyến kênh đào Suez từ Đại Liên đến Rotterdam - d
Lược đồ so sánh tuyến Bắc Cực và tuyến kênh đào Suez từ Đại Liên đến Rotterdam
- Ảnh: RT - Đồ họa: Hồng Sơn
 

Tuyến hàng hải đột phá

Ngày 8.8, tàu Vĩnh Thành của Trung Quốc trở thành tàu hàng đầu tiên đi sang châu u tắt qua ngả Bắc Cực thay cho tuyến đường truyền thống qua kênh đào Suez, theo Le Monde. Chuyến đi này chính thức mở ra thời kỳ khai thác thương mại tuyến đường hàng hải đi xuyên qua Bắc Cực nối liền 2 châu lục Á và u. Đây được cho là một đột phá cực lớn khi vào năm 2012 chỉ có 40 tàu thuyền qua được cung đường này mà đều là tàu thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học.

Dù thời gian có thể sử dụng tuyến đường vào mục đích vận tải thương mại chỉ có 3-4 tháng mùa hè nhưng tiềm năng kinh tế rất rõ ràng khi giúp các công ty vận chuyển hàng hải có thể tiết kiệm 6.000 - 8.000 km và khoảng thời gian 2 tuần lễ so với tuyến đường truyền thống qua kênh đào Suez. Cụ thể, tàu Vĩnh Sinh của Tập đoàn Cosco rời cảng Đại Liên ngày 8.8, vượt qua eo biển Bering để đi ngang qua vùng biển cực đông bắc của Nga và dự định sẽ đến cảng Rotterdam của Hà Lan vào ngày 11.9. Được biết, 90% lượng hàng hóa của Trung Quốc được giao thương bằng đường biển và đối tác thương mại lớn nhất của nước này là khu vực châu u.

Những chuyển động ngầm

Trên thực tế, chuyến hải hành của tàu chở hàng loại “thường thường bậc trung” như Vĩnh Thành chỉ mang tính thử nghiệm và có giá trị như một cột mốc trong chiến lược bắc tiến của Trung Quốc. Hè năm 2012, Bắc Kinh từng gây chú ý khi gửi tàu phá băng Tuyết Long đến khu vực này. Ở Bắc Cực, tàu phá băng có tầm quan trọng chiến lược không kém tàu sân bay ở những vùng biển “bình thường”. Cùng năm, theo tờ Le Point, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc thông báo đóng tàu phá băng lớn và hiện đại hơn tàu Tuyết Long, vốn được mua lại của Ukraine năm 1993. Tàu mới có độ choán nước 8.000 tấn, được trang bị bãi đáp trực thăng, dự trữ năng lượng đủ để hoạt động trong 60 ngày và có thể phá những lớp băng dày 1,5 m. Dự kiến tàu phá băng thứ 2 của Trung Quốc sẽ bắt đầu hạ thủy vào năm 2014. Ngoài ra, Le Point dẫn lời một chuyên gia quân sự cho biết một khi băng tan, Bắc Cực sẽ là giao điểm nối các đại dương và nếu điều được tàu ngầm hạt nhân đến vùng biển này, Bắc Kinh có thể cùng lúc “canh chừng” cả châu u, Nga và Mỹ.

Thời gian qua, Trung Quốc không ngừng tăng cường vận động chính trị với các quốc gia cận cực cho nước này tăng cường “hành động để bảo vệ môi trường, tránh nguy cơ băng tan ở Bắc Cực làm ngập các khu vực ven biển của Trung Quốc”. Với giọng điệu rất “môi trường” đó, sau nhiều lần bị từ chối, giữa tháng 5.2013, Trung Quốc đã chính thức trở thành quan sát viên thường trực của Hội đồng Bắc Cực.

Cũng từ vài năm qua, Trung Quốc liên tục tăng cường hoạt động ngoại giao với các nước cận cực, đặc biệt là Iceland. Hồi tháng 4, hai bên đã ký hiệp định thương mại tự do với nhiều điều khoản quan trọng và đang đàm phán hợp đồng cho Trung Quốc xây dựng hải cảng quy mô lớn tại Iceland. Các chuyên gia nhận định đây là chiến lược tương tự như khi Trung Quốc giành phần tại cảng Rajin của CHDCND Triều Tiên năm 2010, vốn giúp nước này thẳng tiến vào biển Nhật Bản (Triều Tiên và Hàn Quốc gọi là biển Đông - NV) với những mối lợi không chỉ về kinh tế. Những chuyển động của Trung Quốc sẽ làm Bắc Cực, vốn đã không yên tĩnh ngày càng tăng nhiệt. Tranh chấp chủ quyền, nguồn tài nguyên và tự do hàng hải ở Bắc Cực rồi sẽ trở thành vấn đề lớn của thế giới. 

Vùng băng giá không yên tĩnh

Trước lợi ích ngày càng lộ rõ của Bắc Cực, 8 nước cận cực có liên quan trực tiếp bao gồm Mỹ, Canada, Nga, Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Thụy Điển và Phần Lan đã ít nhiều lên tiếng đòi chủ quyền và củng cố sức mạnh quân sự tại đây.

Từ hè 2012, Nga đã cho đóng tàu phá băng hạt nhân lớn nhất thế giới, dự kiến chính thức hoạt động năm 2017, cũng như lên kế hoạch xây các căn cứ quân sự và tăng cường tập trận không quân tại khu vực cận cực.

Tương tự, theo tờ La Presse, từ giữa tháng 8, quân đội Canada đã khánh thành Trung tâm huấn luyện quân sự vùng cực tại Nunavut để làm nơi điều phối mọi cuộc tập trận của nước này tại Bắc Cực và bắt đầu thử nghiệm loại xe mô tô trượt tuyết chuyên dụng có giá đến 620.000 USD.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Nga di dời khẩn cấp trạm nghiên cứu Bắc Cực
>> Bắc Cực sắp có internet tốc độ cao
>> Súng ống đốt nóng Bắc cực
>> Tàu Trung Quốc hoàn thành chuyến đi ngang Bắc Cực
>> Nga đưa chiến đấu cơ đến Bắc cực
>> Nga triển khai phi đội MiG-31 đến căn cứ Bắc Cực
>> Băng Bắc cực biến mất vào cuối thập niên này?
>> Tàu Trung Quốc đầu tiên qua Bắc cực đến Đại Tây Dương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.