Tấn công Syria sẽ kích ngòi 'chiến tranh và sự hủy diệt'

01/09/2013 16:00 GMT+7

(TNO) Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 31.8 đã lên tiếng cảnh báo kế hoạch tấn công Syria của Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể kích ngòi cho 'chiến tranh và sự hủy diệt'.

(TNO) Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 31.8 đã lên tiếng cảnh báo kế hoạch tấn công Syria của Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể kích ngòi cho "chiến tranh và sự hủy diệt". Ngược lại, Thủ tướng Anh David Cameron đang ra sức ủng hộ ông Obama.

Ông Obama "phớt lờ" Hội đồng bảo an LHQ?

Trong một bài phát biểu trên truyền hình quốc gia ngày 31.8, Tổng thống Maduro lên tiếng đả kích kế hoạch tấn công Syria của ông Obama, theo AFP.

Tổng thống Maduro cho rằng ông Obama đã “phớt lờ” Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), định “thay thế” Hội đồng bảo an LHQ bằng Quốc hội Mỹ để thông qua việc can thiệp quân sự vào Syria.

Ông Maduro còn cảnh báo việc ông Obama “qua mặt” Hội đồng bảo an LHQ “có nguy cơ gây ra chiến tranh và sự hủy diệt”.

Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 31.8, Tổng thống Obama cho biết các chiến dịch quân sự can thiệp “với quy mô giới hạn” vào Syria có thể xảy ra vào “ngày mai, tuần tới hoặc là trong tương lai gần”, nhưng cần phải có một buổi tranh luận và chờ Quốc hội Mỹ bỏ phiếu thông qua việc can thiệp quân sự vào Syria vào ngày 9.9 tới, theo AFP.

Vì thế, ít nhất năm tàu chiến Mỹ được trang bị các tên lửa hành trình Tomahawk sẽ phải tiếp tục neo đậu trong trạng thái “chờ đợi” ở vùng biển Địa Trung Hải.

Nhưng ông Obama khẳng định quyền được ra lệnh tấn công (hạn chế) vào Syria mà không cần thông qua Quốc hội Mỹ. Một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho AFP biết từ nay đến 9.9 là khoảng thời gian “trì hoãn” để ông Obama kêu gọi sự ủng hộ quốc tế.

Trước đó, chính quyền ông Obama còn tuyên bố sẽ tấn công Syria mà không cần phải thông qua sự phê chuẩn của Hội đồng bảo an LHQ.

Trang tin USA Today dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc (Mỹ) ngày 31.8 cho biết mặc dù các cuộc tấn công tên lửa Syria bị "trì hoãn", nhưng quân đội Mỹ vẫn đang theo dõi mọi động tĩnh của các mục tiêu ở Syria.

Các quan chức này lại "lo ngại" thời gian "trì hoãn" sẽ giúp cho chính quyền Assad có thêm thời gian chuẩn bị đối phó với các cuộc tấn công lên lửa của Mỹ.

Reuters dẫn kết quả các cuộc thăm dò dân ý tại Mỹ gần đây cho thấy trên 50% dân Mỹ phản đối can thiệp quân sự vào Syria và chỉ có 20% ủng hộ.

Trong khi đó, 64% dân Pháp phản đối can thiệp quân sự vào Syria, BBC dẫn kết quả các cuộc thăm dò tại Pháp mới đây.

"Tôi rất hiểu và ủng hộ ông Obama"

Sau bài phát biểu của ông Obama, Thủ tướng Anh David Cameron viết trên mạng xã hội Twitter rằng: "Tôi rất hiểu và ủng hộ ông Obama".

Ngoại trưởng Anh William Hague, trên Twitter, cũng khen ngợi ông Obama có một bài phát biểu "hay".

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho AFP biết ông Obama cũng sẽ “thua cuộc” trong phiên bỏ phiếu Quốc hội Mỹ ngày 9.9 tới tương tự như Thủ tướng Cameron.

Quốc hội Anh hôm 29.8 đã bỏ phiếu bác bỏ kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria của chính quyền Thủ tướng Camero, theo AFP.

Ông Mark Mardell, Tổng biên tập tờ North America, nhận định rằng chính việc chính quyền ông Cameron bị Quốc hội Anh bác bỏ kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định của ông Obama (chờ Quốc hội Mỹ phê chuẩn việc tấn công Syria).

BBC dẫn lời các nhà quan sát cho biết hiện chưa rõ ông Obama sẽ có động thái gì nếu Quốc hội Mỹ bỏ phiếu bác bỏ can thiệp quân sự vào Syria.

Cũng trong ngày 31.8, Nhà Trắng đã đệ trình một bản dự thảo nghị quyết lên Quốc hội Mỹ, đề nghị cho phép chính quyền ông Obama can thiệp quân sự vào Syria nhằm “ngăn cản” và “ngăn chặn” những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria.

Chính quyền ông Obama tuyên bố rằng các báo cáo tình báo khẳng chính quyền Tổng thống Assad tiến hành vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hôm 21.8, khiến 1.429 người chết, bao gồm 426 trẻ em.

Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học, trụ sở tại Hà Lan, ngày 31.8 cho biết cần đến ba tuần để phân tích các “chứng cứ” do nhóm thanh sát viên LHQ thu thập được từ khu vực ngoại ô thủ đô Damascus của Syria, nơi được cho là xảy ra vụ tấn công vũ khí hóa học hôm 21.8.

Một người phát ngôn viên LHQ (không nêu tên) cho AFP biết tổ chức trên sẽ công bố một bản báo cáo minh bạch.

Washington và các nước phương Tây luôn miệng khẳng định có chứng cứ cáo buộc chính phủ ông Assad dùng vũ khí hóa học chống lại thường dân, nhưng đến nay vẫn chưa hề công bố chứng cứ rõ ràng.

Trong khi đó, phe nổi dậy và chính phủ ông Assad lại tố cáo lẫn nhau đứng sau những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.

Cuộc nội chiến Syria kéo dài từ tháng 3.2011 đến nay, khiến trên 100.000 người thiệt mạng, theo báo cáo của LHQ.

Các cuộc can thiệp quân sự của Mỹ trong 30 năm qua

Trong suốt hơn 30 năm qua, hầu hết những vị tiền nhiệm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đều đã từng ra lệnh can thiệp quân sự tại nước ngoài.

Ronald Reagan

- Li Băng (1982 - 1983): Quân đội Mỹ được điều động đến Li Băng để gia nhập lực lượng gìn giữ hòa bình cùng với Pháp và Ý tại đây.

Tổng thống Mỹ thời bấy giờ là ông Ronald Reagan đã ra lệnh cho quân đội phối hợp với quân Pháp để tiến hành các cuộc tấn công đánh vào thủ đô Beirut (Li Băng) nhằm trả đũa vụ đánh bom các doanh trại quân đội khiến 299 quân Mỹ và Pháp thiệt mạng.

- Grenada (1983): Khoảng 7.000 quân Mỹ và 300 binh sĩ thuộc Tổ chức Các nước châu Mỹ (OAS) đã xâm nhập Grenada, một đảo quốc nằm ở vùng biển Caribbean, sau khi tại đây nổ ra một cuộc đảo chính lật đổ chính quyền.

Vụ tấn công này bị lên án bởi Anh và Liên Hiệp Quốc, nhưng lại được sự ủng hộ từ sáu quốc gia vùng Caribbean, vốn cho rằng cuộc tấn công là chính đáng theo hiến chương OAS.

- Libya (1986): Tổng thống Mỹ Reagan cũng đã ra lệnh không kích Libya để trừng phạt chính quyền Moammar Gadhafi (Libya) vì Mỹ cho rằng Libya đã đặt bom một sàn nhảy có đông lính Mỹ lui tới ở thủ đô Berlin (Đức), làm 79 người Mỹ bị thương và hai người thiệt mạng.

Anh ủng hộ cuộc không kích này, nhưng Liên Hiệp Quốc thì phản đối.

George H.W. Bush

- Panama (1989): Tổng thống Mỹ George H.W. Bush đã điều động hơn 26.000 quân Mỹ tấn công Panama sau khi tướng độc tài Manuel Noriega của Panama tuyên chiến với Mỹ vì lệnh cấm vận của Washington.

- Iraq (1991): Cuộc tấn công Iraq của liên quân 33 nước, bao gồm Mỹ, nhằm ép buộc Lãnh đạo Iraq Saddam Hussein rút quân khỏi Kuwait.

- Somalia (1992): Quân đội Mỹ được triển khai đến Somalia để tham gia các sứ mạng gìn giữ hòa bình và cứu trợ nhân đạo theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Bill Clinton

- Iraq (1993): Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã ra lệnh phóng tên lửa hành trình vào trụ sở tình báo Iraq ở thủ đô Baghdad để trả đũa âm mưu ám sát Tổng thống Mỹ George H.W. Bush.

- Somalia (1993): Mỹ đã cho tăng cường điều động quân đến quốc gia châu Phi này để tham gia sứ mệnh giữ gìn an ninh và trật tự của liên quân 35 nước theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

- Haiti (1994): Quân đội Mỹ được điều động đến đây để phục vụ cho sứ mạng gìn giữ hòa bình dưới sự cho phép của Liên Hiệp Quốc.

- Bosnia (1994 - 1996): Quân đội Mỹ cùng các đồng minh NATO đã tấn công lực lượng người Serbia tại Bosnia trong suốt hơn 18 tháng, với các đợt ném bom, pháo kích và tên lửa hành trình, theo chỉ đạo của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Boutrous Boutrous-Ghali.

- Iraq (1996): Quân đội Mỹ đã bắn tên lửa hành trình vào các mục tiêu ở miền nam Iraq để trả đũa cho các đợt tấn công của nước này nhằm vào các tiêm kích của Mỹ đang thực thi vùng cấm bay nhằm bảo vệ những người thuộc dân tộc thiểu số của Iraq.

- Sudan, Afghanistan (1998): Tấn công các trại huấn luyện của các nhóm khủng bố ở Sudan và Afghanistan bằng tên lửa hành trình nhằm trả đũa cho các vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania, làm hơn 220 người chết, bao gồm 12 người Mỹ. 

- Iraq (1998): Không kích một số mục tiêu tại thủ đô Baghdad để trừng phạt Saddam Hussein vì đã không hợp tác với thanh sát viên vũ khí hóa học Liên Hiệp Quốc theo yêu cầu của nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

- Kosovo (1999): Tấn công bằng chiến đấu cơ và tên lửa hành trình trong hơn ba tháng vào các mục tiêu quân sự, nhà máy điện, cầu đường và các cơ sở hạ tầng khác tại Kosovo. Đây là một phần trong chiến dịch quân sự của NATO.

George W. Bush

- Afghanistan (2001): Tiến quân vào Afghanistan sau khi vụ tấn công khủng bố 11.9.2001 do al-Qaeda tiến hành diễn ra tại Mỹ.

- Iraq (2003): Đem quân sang tham chiến cùng 48 quốc gia khác để lật đổ Saddam Hussein. Tại giai đoạn cao điểm của cuộc chiến, có đến 160.000 binh sĩ Mỹ hiện diện ở Iraq.

Barack Obama

- Libya (2011): Quân đội Mỹ đã dùng đến tên lửa hành trình và triển khai một chiến dịch quân sự để thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhằm kêu gọi ngừng bắn ở Libya và thiết lập một vùng cấm bay.

- Osama bin Laden (2011): Mặc dù đây không phải là một cuộc tấn công nhằm vào một quốc gia nước ngoài, nhưng vụ đột kích vào lãnh thổ Pakistan để tiêu diệt trùm khủng bố này được xem là một trong những thành công lớn nhất về quân sự và tình báo của chính quyền Obama. Vụ đột kích không hề được phép của chính phủ Pakistan, AP cho hay.

Hoàng Uy
(
Theo AP)

Phúc Duy

>> Phe nổi dậy ở Syria 'thất vọng' sau tuyên bố của ông Obama
>> Syria và cuộc so kè vũ khí Nga - Mỹ
>> Putin: 'Mỹ tố cáo chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học là vô lý
>> Tổng thống Obama quyết định sẽ đánh Syria
>> Ông Obama chờ Quốc hội Mỹ quyết định về vấn đề Syria

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.