TS Nguyễn Ngọc Vũ: Khơi dậy tiềm năng tự học và sáng tạo

03/09/2013 06:00 GMT+7

Là một giảng viên ngoại ngữ nhưng TS Nguyễn Ngọc Vũ, Trưởng khoa Tiếng Anh (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) được Tập đoàn Microsoft công nhận là 1 trong 50 giảng viên toàn cầu sáng tạo trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giáo dục.

Dù luôn bận rộn với việc quản lý, giảng dạy và nghiên cứu nhưng người thầy thế hệ 8X này đã dành thời gian trao đổi với PV Thanh Niên

Rèn luyện để có khả năng sáng tạo

Thầy có thể chia sẻ về hành trình trở thành 1 trong 50 giảng viên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giáo dục xuất sắc trên thế giới?

TS Nguyễn Ngọc Vũ: Khơi dậy tiềm năng tự học và sáng tạo 1
TS Nguyễn Ngọc Vũ  - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tôi vốn là học sinh lớp chuyên tiếng Anh của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM. Lúc mới tốt nghiệp Khoa Anh, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khả năng sử dụng CNTT của tôi rất hạn chế vì đến năm cuối ĐH, tôi mới có được bộ máy vi tính để bàn đầu tiên. Ở nhà cũng không có nối mạng internet nên cũng không khai thác được nhiều ứng dụng từ CNTT. Đến 2003, sau khi tốt nghiệp, tôi được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy và nhờ có sự hỗ trợ của Ban giám hiệu nhà trường cùng lãnh đạo Khoa Tiếng Anh, tôi bắt đầu đi học thêm về CNTT.

 

Để khơi dậy tiềm năng tự học, cách thức tổ chức hoạt động học tập của người thầy có vai trò quan trọng. Đó là làm sao để giúp người học không chỉ tiếp thu kiến thức, phát triển kỹ năng mà còn tạo ra những ý tưởng, sản phẩm giúp ích cho cộng đồng và từ đó người học hào hứng tham gia

Tôi tham gia các chương trình tích hợp CNTT vào giáo dục của Microsoft như Đối tác giáo dục (Partners in Learning), Hướng dẫn đồng nghiệp (Peer Coaching) từ năm 2005. Qua chương trình, tôi được dịp làm việc chung với các chuyên gia hàng đầu của các nước, được tiếp cận với các phương pháp giảng dạy tiên tiến và cách thức ứng dụng CNTT hiệu quả vào giáo dục. Ngoài ra, tôi cũng dành nhiều thời gian nâng cao khả năng sử dụng CNTT của mình.

Một số người cho rằng khả năng sáng tạo là bẩm sinh. Thầy nhận định thế nào?

Sự sáng tạo thường xuất hiện khi người ta phải giải quyết một tình huống khó khăn. Tôi cho rằng chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện để có khả năng sáng tạo. Một cách rèn luyện tốt là thường xuyên tư duy liên môn, liên ngành. Ví dụ, nếu anh cần sáng tạo ra một mẫu điện thoại mới thì cách dễ nhất là liên tưởng những hiểu biết của mình về mẫu điện thoại với một vật không liên quan. Chẳng hạn khi liên tưởng điện thoại di động với một chai nước, ta có thể nghĩ ra một mẫu điện thoại mới có hình trụ của chai nước hoặc có vỏ trong suốt. Ta có thể liên tưởng tương tự với đồng hồ, giày dép, máy tính… thì sẽ có nhiều ý tưởng lạ và trong nhiều ý tưởng đó sẽ có một vài ý tưởng có giá trị. Giáo dục ở nhiều nước đang chú trọng dạy học liên môn để kích thích học sinh, sinh viên của họ tư duy sáng tạo. Thật ra, các phần mềm tôi viết không có gì đặc biệt về mặt lập trình nhưng chúng có yếu tố mới vì xuất phát từ lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh.

Cách học hay nhất là đi nói chuyện với mọi người

 

Ngoài công tác quản lý ở Khoa Tiếng Anh (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), chuyên ngành giảng dạy của thầy Vũ gồm có: ứng dụng CNTT vào giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ học ứng dụng và phương pháp giảng dạy tiếng Anh... TS Nguyễn Ngọc Vũ đoạt giải nhì giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM (2010), giải ba giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (2012) và được Microsoft công nhận là một trong 50 giảng viên ứng dụng CNTT vào giáo dục xuất sắc toàn cầu (2011) trong chương trình “Đối tác giáo dục”.

Thầy có nhận xét gì về khả năng ứng dụng CNTT trong giảng dạy ở VN nói chung và đối với riêng môn học ngoại ngữ? 

Việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy ở VN đến nay đã có những bước tiến đáng kể. Các trường học cũng bắt đầu được đầu tư nhiều về trang thiết bị và đường truyền internet. Việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy đã trở thành chủ trương lớn ở nhiều nơi. Do đặc thù môn học ngoại ngữ cần có nhiều tương tác và tài nguyên số phục vụ việc giảng dạy, học tập ngoại ngữ rất phong phú nên việc ứng dụng CNTT vào dạy ngoại ngữ khá thuận lợi. Vào tháng 5.2013, với sự hỗ trợ của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, nhóm chuyên gia về ứng dụng CNTT vào dạy học ngoại ngữ đã họp ở Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) để đánh giá tình hình ứng dụng CNTT vào giảng dạy tiếng Anh, phác thảo chuẩn CNTT cho giáo viên ngoại ngữ và chuẩn bị thành lập Hội Ứng dụng CNTT vào giảng dạy ngoại ngữ - VietCALL.

Được biết đến là người nỗ lực tự học để thành công, thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm về cách tự học làm sao cho hiệu quả và việc tự học của học sinh và sinh viên VN bây giờ ra sao?

Tự học được chương trình giáo dục của Microsoft đánh giá là một trong những kỹ năng quan trọng nhất của người học thế kỷ 21. Mỗi người có những kinh nghiệm tự học khác nhau nhưng đều gặp nhau ở tính chủ động trong hoạt động học tập của mình. Khả năng lập kế hoạch và sự kiên trì là hai yếu tố cần thiết. Qua kinh nghiệm làm việc với các chương trình giáo dục tiên tiến và quá trình giảng dạy của bản thân, tôi tin rằng phần lớn học sinh, sinh viên VN đều có tiềm năng tự học. Phần lớn các em rất chịu khó, hứng thú với hoạt động học tập và luôn dành nhiều thời gian cho việc học. Với sự phát triển của CNTT, tài nguyên học tập hỗ trợ việc tự học hiện nay vô cùng phong phú và việc tự học trở nên thuận lợi hơn trước rất nhiều.

Làm thế nào để khơi dậy tiềm năng tự học này trong học sinh, sinh viên VN?

Để khơi dậy tiềm năng tự học, cách thức tổ chức hoạt động học tập của người thầy có vai trò quan trọng. Đó là làm sao để giúp người học không chỉ tiếp thu kiến thức, phát triển kỹ năng mà còn tạo ra những ý tưởng, sản phẩm giúp ích cho cộng đồng và từ đó người học hào hứng tham gia. Bên cạnh đó, người thầy cần biết cách khuyến khích người học cộng tác với nhau, có khả năng thể hiện, trình bày vấn đề, kỹ năng sử dụng CNTT vào việc hỗ trợ lĩnh hội kiến thức và phát triển tư duy. Khi đến Viện Công nghệ Peer Ed, tôi nhận ra thêm một điều, là đôi khi cách học hay nhất là đi nói chuyện với mọi người.

 TS Nguyễn Ngọc Vũ: Khơi dậy tiềm năng tự học và sáng tạo

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng.

Đình Phú
(thực hiện)

>> Nguyễn Trinh Thi: Độc lập để sáng tạo
>> Vũ Duy Hải: Sáng tạo vì người bệnh
>> Trương Gia Bình: Khát vọng công nghệ
>> NSND Phương Hoa: Khát vọng cho hoạt hình Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.