(TNO) Kêu gọi góp vốn hàng trăm tỉ đồng nhưng không thi công công trình đúng tiến độ, không bàn giao nhà…, thậm chí, đến nay dự án vẫn chỉ là bãi đất trống là 'thủ đoạn' được nhiều chủ đầu tư áp dụng để chiếm dụng vốn của người khác.
|
Dự án B5 Cầu Diễn
B5 Cầu Diễn là dự án chung cư do liên danh giữa Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội và Công ty CP tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) thực hiện.
Từ năm 2010, hàng trăm khách hàng đã góp vốn vào dự án nói trên, người ít vài trăm triệu đồng, nhiều lên tới cả tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng. Ước tính, có đến 400 người đã góp hàng trăm tỉ đồng vào dự án này. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn "đắp chiếu".
Ông Nguyễn Văn Tuẫn, lãnh đạo của Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội vừa bị bắt, sau khi không thu hồi được khoản tiền đã huy động của dân để đầu tư ra ngoài. Trong khi đó, phía Housing Group, đơn vị còn lại chịu trách nhiệm thực hiện xây dựng dự án, cũng chưa tiến hành thi công khiến dự án này vẫn chỉ là bãi đất được vây tôn, cỏ mọc um tùm.
Hiện tại, phía Housing Group cho hay đang gấp rút triển khai khoan cọc móng đại trà. Tuy nhiên, nhiều khách hàng mua nhà vẫn đang lo lắng, đặt câu hỏi về “số phận” căn nhà mình định mua trong dự án.
Anh Nguyễn Văn Cường, một khách hàng mua nhà tại dự án nói trên, cho biết ngay cả khi Housing Group đảm bảo thực hiện dự án, thì câu hỏi liệu đến khi nào dân mới được nhận nhà vẫn khiến người dân băn khoăn.
“Trước đó, cả hai đơn vị cùng huy động vốn từ dân, một mang đi đâu không rõ, một bảo vẫn thực hiện nghiêm túc việc đầu tư vào dự án. Nhưng thực tế, đến nay, phần móng còn chưa đâu vào đâu, thì khả năng hoàn thiện đúng tiến độ liệu có chuẩn như dự kiến hay không”, anh Cường đặt câu hỏi.
Về vấn đề này, lãnh đạo Housing Group cho biết sẽ cố gắng hoàn thiện. Phương án trước mắt là làm trước 4 tòa thay vì 6 tòa như dự kiến, xong móng trong năm 2013 và khoảng năm 2015 sẽ bàn giao nhà.
Dự án Binh đoàn 12
Đây là dự án gây tai tiếng trên thị trường bất động sản (BĐS) đã gần 2 năm nay. Chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần kiến trúc đô thị Nam Thăng Long phối hợp với Binh Đoàn 12 xây dựng trên lô đất 4.000 m2 ở thôn Ngọc Đại, xã Đại Mỗ, H.Từ Liêm, Hà Nội. Chủ đầu tư hợp tác với Công ty TNHH quản lý bất động sản Thế kỷ do bà Trần Thị Thanh Bình làm giám đốc để tìm khách hàng, thu hút vốn.
Với “chiêu” ký hợp đồng vay vốn có trả lãi, trong thời gian không dài, kèm theo đó là điều khoản được mua căn hộ ở dự án chung cư Binh Đoàn 12 với giá 14 triệu đồng/m2, dự án đã hút được nhiều tỉ đồng của khách hàng từ năm 2010. Song thực tế, tháng 10.2011, UBND TP.Hà Nội mới phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5000 tại khu đất Binh đoàn 12 thuộc xã Đại Mỗ. Lúc này, người dân đã góp tiền mới biết trước đó đóng tiền cho một dự án đang còn nằm trên giấy.
Tuy nhiên, đến nay, quá thời hạn giao nhà đã hơn 1 năm (quý 1/2012) nhưng dự án chung cư này vẫn chỉ là bãi đất trống, số tiền cho bà Bình vay cũng mất hút. Nhiều người góp vốn cho dự án thất vọng, không ít lần kéo đến đòi nợ, căng băng rôn, khẩu hiệu vây công ty làm áp lực.
Mới đây nhất, ngày 28.9, rất đông khách hàng bỏ tiền vào dự án Binh Đoàn 12 đã tập trung tại trụ sở Công ty CP tập đoàn Thế kỷ (Cen Group) do ông Nguyễn Trung Vũ (chồng bà Bình) làm giám đốc để đòi tiền vì cho rằng đơn vị này có liên quan đến công ty của bà Bình khiến nhiều khách hàng của Cen Group “chạy mất dép”.
Đại diện của Cen Group đã phải ra mặt thanh minh rằng hai công ty không liên quan đến nhau, dù ông Vũ và bà Bình có quan hệ vợ chồng, trước đây, hai người cũng cùng làm lãnh đạo Cen Group. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng, để trốn nợ và không ảnh hưởng đến hình ảnh Cen Group nên vợ chồng ông bà Vũ - Bình đã dàn xếp tách riêng hai công ty về mặt thủ tục pháp lý.
Về phía bà Bình, bà cũng thừa nhận có nợ nhiều tỉ đồng của không ít khách hàng và đang cố gắng thu xếp trả theo phương thức… “nhỏ giọt” mỗi tháng 10-20 triệu đồng/khách hàng do không có tiền trả một lúc.
Theo bà Bình, số tiền vay được đã chuyển cho chủ đầu tư, nay chưa đòi được nên chưa có tiền trả.
Còn về phía chủ đầu tư là Công ty cổ phần kiến trúc đô thị Nam Thăng Long, công ty này cho rằng vẫn đang triển khai thủ tục để khởi công dự án, nhưng chưa biết khi nào xong vì đang chờ phê duyệt. Phía công ty này cũng thừa nhận đang nợ công ty của bà Bình hơn 38 tỉ đồng và hứa trả theo lộ trình.
Dự án Tricon Towers
Cùng là một trong những dự án căn hộ cao cấp đình đám, huy động tiền người dân rồi chủ đầu tư tháo chạy, Tricon Towers do Công ty cổ phần đầu tư Minh Việt làm chủ đầu tư.
|
Sự việc nói trên thậm chí còn được truyền thông nước ngoài mổ xẻ, vì số tiền mà chủ đầu tư “ôm” của dân để tháo chạy đã lên tới xấp xỉ 18 triệu USD.
Cụ thể, từ tháng 11.2009, hàng trăm khách hàng đã nộp hơn 400 tỉ vào công ty này để mua nhà tại tòa tháp Tricon với giá 1.500-1.800 USD/m2. Người ít đã nộp 8-10 tỉ đồng, nhiều lên tới 13-14 tỉ đồng. Song đến nay, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Việt đã bỏ trốn ra nước ngoài, cùng toàn bộ số tiền nói trên. Trụ sở công ty này đóng cửa, nhân viên đi đâu không rõ. Dự án với phối cảnh hoành tráng nằm ven Đại lộ Thăng Long vẫn trơ khung thép, bỏ hoang, cỏ dại mọc đầy.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng, trong đó có Công an H.Hoài Đức, địa bàn xây dựng dự án, cho biết vẫn đang điều tra, khi nào có kết quả sẽ thông báo người dân. Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên, trong văn bản gửi đến Công ty CP đầu tư Minh Việt vào tháng 9.2012 khi nhận được khiếu nại của người dân, cho biết sẽ yêu cầu đơn vị này giải quyết và báo cáo lại.
Song đến hiện tại, đã hơn 4 năm kể từ ngày đóng tiền tỉ cho dự án Tricon Towers, người dân vẫn chưa đòi được tiền, và không rõ tăm tích của ông Edward Chi - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Minh Việt - ở đâu. Nhiều người "lỡ" nộp tiền dự án này đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Dự án tháp Doanh nhân
Được khởi công từ đầu năm 2010, huy động hàng chục tỉ đồng từ người dân, nhưng hiện tại, dự án tòa tháp cao nhất Q.Hà Đông vẫn còn là bãi đất trống.
Chủ đầu tư của tháp Doanh nhân là Công ty CP đầu tư xuất nhập khẩu Tây Đô cam kết công trình sẽ hoàn thiện móng sau một năm, phần thô sau 2 năm và hoàn thiện hoàn toàn sau 3 năm. Tiến độ đóng tiền của dự án này được chia thành 4 đợt, đợt một khách hàng phải đóng 50% giá trị căn nhà khi ký hợp đồng. Ba đợt còn lại, hai đợt 20% và một đợt 10%. Tin vào dự án có vị trí đắc địa và tiến độ dự kiến nhanh, nhiều người dân đã bỏ tiền vào góp vốn, thậm chí trước thời hạn chủ đầu tư huy động vốn.
Cuối năm 2011, người mua nhà ngã ngửa khi Thanh tra xây dựng quận Hà Đông công bố dự án chưa có giấy phép xây dựng. Sau đó, đến đầu năm 2012, Thanh tra Bộ Xây dựng xử phạt hành chính Công ty CP đầu tư xuất nhập khẩu Tây Đô 35 triệu đồng do khởi công công trình khi chưa có giấy phép.
Đến tháng 9.2013, tháp Doanh nhân vẫn chỉ là khu đất trống, cỏ mọc um tùm và được che chắn bằng hàng rào tôn.
Anh Đan - Lê Quân
>> Vụ chủ dự án Tricon Tower ôm hơn 400 tỉ biến mất: Khách hàng sập bẫy ra sao ?
>> Ông chủ dự án Tricon Tower "biến mất
>> Vẽ dự án "ma" lừa hơn 30 tỉ đồng
>> Điêu đứng vì dự án “ma”
>> Bắt chủ tịch HĐQT công ty bán đất dự án “ma”
>> Bắt trưởng phòng tài nguyên tiếp tay cho dự án “ma”
>> Lập dự án “ma” hàng chục triệu USD để lừa đảo
>> Khởi tố vụ bán dự án “ma”
>> Cẩn trọng với dự án “ma”
Bình luận (0)