Mỹ phủ nhận việc nghe lén ở châu Âu

31/10/2013 03:00 GMT+7

Lãnh đạo ngành tình báo Mỹ đã chính thức lên tiếng bác bỏ cáo buộc nước này do thám các nước đồng minh.

 Một người biểu tình phản đối nghe lén ngay trong buổi điều trần của ông Alexander (trái) và ông Clapper - Ảnh: Reuters
Một người biểu tình phản đối nghe lén ngay trong buổi điều trần của ông Alexander (trái) và ông Clapper - Ảnh: Reuters

Thời gian qua, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) hứng trọn cơn bão chỉ trích do báo đài liên tục đăng tải thông tin do cựu nhân viên CIA Edward Snowden cung cấp về chương trình do thám toàn diện (PRISM) của nước này, vốn nhằm vào cả Vatican cùng các đồng minh thân thiết ở châu Âu lẫn các đối tác châu Á như Indonesia. Đến hôm qua, cơ quan này bất ngờ đẩy ngược trách nhiệm về phía châu Âu.

AFP ngày 30.10 dẫn lời Giám đốc NSA Keith Alexander tuyên bố trong buổi điều trần trước hạ viện Mỹ: “Rất rõ ràng, chúng tôi không thu thập thông tin của công dân các nước EU. Toàn bộ những gì chúng tôi có là do các đối tác châu Âu cung cấp”. Ông Alexander cũng như Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper khẳng định toàn bộ thông tin do báo đài nước ngoài đăng tải về việc NSA theo dõi hàng triệu cuộc điện thoại ở những nước này là “hoàn toàn sai”. Cùng ngày, một quan chức cấp cao của Washington nói với tờ The Wall Street Journal rằng chiến dịch nghe lén điện thoại ở Pháp và Tây Ban Nha do chính tình báo những nước này thực hiện và cung cấp lại cho Mỹ.

Theo giới quan sát, cú phản đòn của NSA thật sự rất cao tay. Trên thực tế, việc các quốc gia đồng minh do thám qua lại hoặc theo dõi công dân của nước mình là điều được hiểu ngầm từ lâu. Vì vậy, khi bị tố ngược, tình báo các nước châu Âu “há miệng mắc quai” nên đến tối qua chỉ bác bỏ một cách “dè dặt”. Hồi tuần trước tờ Süddeutsche Zeitung đưa tin Pháp tham gia một thỏa thuận tình báo bí mật với Mỹ, Anh, Canada, Úc, New Zealand và thường xuyên cung cấp thông tin cho các đối tác. Mới đây, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời cựu Phó thủ tướng Hy Lạp Theodoros Pangalos tiết lộ tình báo nước này từng nghe lén các đại sứ Mỹ tại Athens và Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) vào cuối thập niên 1990. Ông Pangalos nhận định đây là “điều bình thường đối với mọi chính phủ”. Tương tự, theo tờ El Mundo, Cơ quan Tình báo quốc gia Tây Ban Nha biết trước thông tin hàng chục triệu cuộc điện thoại của công dân bị nghe lén còn Thủ tướng Tây Ban Nha giai đoạn 1996-2004 Jose Maria Aznar bị cáo buộc cho phép NSA và CIA hoạt động tự do. Đổi lại, Washington cung cấp thiết bị do thám và hỗ trợ đào tạo tình báo cho Madrid.

Trong lúc NSA bắt đầu thể hiện sự chủ động thì Tổng thống Barack Obama lại rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Cho đến nay, ông Obama không ít lần tuyên bố không biết hoặc biết trễ về chương trình nghe lén ở nước ngoài. Cách trả lời này làm phật lòng không ít quan chức có liên quan. Tờ Los Angeles Times dẫn lời một lãnh đạo tình báo Mỹ nói: “Tôi rất tức giận vì bị “bỏ rơi”. Khi một nhà lãnh đạo nước ngoài bị nghe lén, đại sứ Mỹ ở nước đó và Hội đồng An ninh quốc gia sẽ được thông báo. Sẽ rất buồn cười nếu khẳng định điều ngược lại”. Nếu tuyên bố này là đúng thì ông Obama đã lừa dối thế giới. Ngược lại, việc một nguyên thủ quốc gia không nắm được hoạt động của các cơ quan tình báo dưới quyền khiến dư luận đặt dấu hỏi về năng lực của vị này. Bề nào cũng kẹt cho Tổng thống Mỹ.

Lan Chi

>> Hy Lạp nghe lén điện thoại đại sứ Mỹ
>> 10 quốc gia nghe lén người dân
>> Nhiều khả năng Mỹ sẽ ngừng nghe lén đồng minh
>> Mỹ đã thôi nghe lén các chính khách
>> Báo Đức: Obama biết vụ nghe lén điện thoại thủ tướng Đức từ 2010
>> Biểu tình lớn chống nghe lén tại Mỹ
>> Mỹ nghe lén điện thoại của thủ tướng Đức từ năm 2002
>> Mỹ nghe lén điện thoại của 35 nguyên thủ quốc gia
>> Phát hiện kho thiết bị theo dõi, nghe lén
>> Phát hiện kho hàng toàn thiết bị phá sóng, nghe lén

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.