(TNO) Táo bón không phải là bệnh nguy hiểm dẫn đến tử vong nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
|
Bác sĩ Dương Phước Hưng, Trưởng khoa Ngoại 1, Trưởng phân khoa Hậu môn - Trực tràng, Bệnh viện (BV) Đại học Y dược TP.HCM cho biết, táo bón cần được phát hiện kịp thời để không làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các triệu chứng nhận biết người bị bệnh táo bón thường là rặn gắng sức khi đi cầu; phân cục, cứng; cảm giác đi cầu không hết phân; cảm giác phân bị kẹt lại ở hậu môn; phải dùng tay trợ giúp hay phải uống thuốc xổ hay thụt tháo; đi cầu ít hơn ba lần trong một tuần. Nếu có hai hay hơn hai triệu chứng trên và kéo dài thì nên đến BV khám.
Tại BV Đại học Y dược TP.HCM, bệnh nhân đến khám táo bón thường trong tình trạng không có cảm giác mắc cầu, số lần đi cầu ít hơn hai lần trong một tuần, đi cầu được mỗi ngày nhưng đi cầu rất khó khăn, cảm giác mắc cầu nhưng khi vào nhà cầu thì không đi được, thời gian ngồi trong cầu rất lâu, phải cần trợ giúp như ép bụng, banh rộng hậu môn, dùng tay móc phân, thụt tháo, uống thuốc xổ.
|
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng táo bón. Trong đó, nguyên nhân táo bón do chức năng chiếm tỷ lệ nhiều nhất.
Đây là nguyên nhân do chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt, thuốc uống và bệnh toàn thân. Việc ăn ít chất xơ, ăn ngọt nhiều, uống ít nước, thói quen đi cầu không đúng giờ, ít vận động thể dục sẽ dễ gây ra táo bón.
Bên cạnh đó, việc dùng các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, chống co giật, thuốc điều trị Parkinson, trị cao huyết áp, thuốc giảm đau, thuốc điều trị đau bao tử cũng có thể gây nên táo bón. “Ngoài ra, những bệnh như tiểu đường, chấn thương cột sống, tai biến mạch máu não, bệnh nhược giáp... cũng là nguyên nhân gây ra táo bón cho bệnh nhân”, bác sĩ Hưng cho biết.
Ngoài ra, táo bón cũng thường xảy ra khi tổn thương thực thể ở đại tràng làm đại tràng không hoạt động co bóp hay giảm co bóp để đưa phân xuống trực tràng hậu môn. Tổn thương vùng ống hậu môn và các cơ vùng sàn chậu làm phân ứ đọng ở bóng trực tràng cũng dễ dẫn đến táo bón.
Bác sĩ Hưng lưu ý, người già là đối tượng dễ bị táo bón nhất vì họ ăn ít cơm nên việc tạo phân rất khó và có khi cả tuần mới đi cầu một lần. Bệnh nhân bị táo bón cần được nội soi để loại trừ nguyên nhân đi cầu ra máu do ung thư trực tràng. Khi đã loại trừ nguyên nhân này thì việc điều trị táo bón do chức năng sẽ đơn giản hơn.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý
Cần hiểu đúng về chế độ ăn cho người bị táo bón. Nhiều người quan niệm ăn nhiều rau dễ đi cầu nhưng không đúng. “Vấn đề ở đây là ăn đẩy đủ chất xơ (khoảng 30 gram mỗi ngày) có trong rau củ quả. Thực phẩm có nhiều chất xơ như đậu bắp, đậu rồng, khổ qua, khoai lang, hay như gạo còn chất cám. Nên hạn chế ớt, cà phê, rượu, trà và các chất ngọt như sô cô la, mứt... làm dễ bị táo bón”, bác sĩ Hưng lưu ý.
Bên cạnh đó, cần tránh thức quá khuya dậy quá trễ, những người này thường bỏ qua sinh hoạt đi cầu buổi sáng. Nếu để 2, 3 ngày mới đi cầu một lần sẽ làm phân cứng lại khó đi cầu và dễ gây ra táo bón. Ngoài ra, cần thường xuyên tập thể dục, chơi thể thao nhẹ nhàng như đi bộ không nên quá gắng sức. Không nên ngồi lâu, cứ 1 tiếng đồng hồ ngồi thì phải đứng dậy đi lại.
“Đặc biệt cần tạo cuộc sống lạc quan vì căng thẳng khi gặp chuyện buồn cũng là nguyên nhân gây ra táo bón, tiêu chảy”.
Bác sĩ Hưng cũng lưu ý, bệnh nhân không nên tự thụt tháo, uống các loại thuốc chữa táo bón tại nhà vì dễ gây ra các biến chứng. Nên cách tốt nhất là theo dõi triệu chứng và đến bệnh viện khám để có hướng điều trị tốt.
Hà Minh
>> Chống táo bón ở trẻ nhỏ
>> Đẩy lùi táo bón
>> Ăn mơ chống táo bón, bệnh tim và mù lòa
>> Biện pháp đơn giản chống táo bón
>> Nguyên nhân gây táo bón
>> Lười vận động, dễ táo bón
>> Mật ong, đậu đen giúp cải thiện chứng táo bón?
>> Món cháo chống táo bón sau sinh
>> Nứt hậu môn vì táo bón
>> Táo bón ở người già
>> Chất xơ chống táo bón
>> Xử lý cảm sốt, táo bón... tại nhà
>> Táo bón, có nên ăn thịt bò nấu với mồng tơi?
>> Không nên thụt hậu môn bé
Bình luận (0)