Indonesia, Úc hục hặc vì nghe lén

20/11/2013 02:48 GMT+7

Quan hệ Indonesia và Úc trở nên căng thẳng khi Jakarta tuyên bố “xem xét lại hợp tác song phương vì hành động gây tổn thương của Canberra”.


Thủ tướng Úc Tony Abbott (trái) và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono - Ảnh: Reuters 

Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono viết như vậy trên mạng xã hội Twitter vào sáng 19.11, sau khi báo The Guardian (Anh) và hãng ABC (Úc) đưa tin điện thoại của ông bị Cơ quan tình báo Úc nghe lén trong 15 ngày hồi tháng 8.2009. Tiết lộ của cựu nhân viên CIA Edward Snowden với 2 tổ chức truyền thông nói trên còn cho biết phu nhân Ani Yudhoyono, Phó tổng thống Boediono và 7 quan chức cấp cao thân cận khác của ông Yudhoyono cũng bị nghe lén. 

Trước đó, ngay chiều 18.11, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã thẳng thừng tuyên bố trong cuộc họp báo: “Chúng tôi đang triệu hồi đại sứ ở Úc về nước để tham vấn”. Ông Natalegawa yêu cầu Úc “giải thích một cách chính thức và công khai” về hành động nghe lén này.

Đáp lại, Thủ tướng Úc Tony Abbott phát biểu trước quốc hội chiều 18.11 với ý rằng việc chính phủ nước này nghe lén điện thoại lãnh đạo nước khác là “hoạt động thu thập thông tin có thể hiểu được”. Vào thời điểm tháng 8.2009, nước Úc được lãnh đạo bởi Thủ tướng Kevin Rudd còn ông Abbott là thủ lĩnh đảng đối lập.

Phát biểu như “đổ thêm dầu vào lửa” của ông Abbott khiến Jakarta “sôi máu”. “Tôi lấy làm tiếc về phát biểu của Thủ tướng Úc cho rằng việc nghe lén này chỉ là chuyện nhỏ và không hề tỏ ra ăn năn”, Tổng thống Yudhoyono viết trên Twitter. Ông cũng chỉ trích: “Hành động của Mỹ và Úc rõ ràng đã hủy hoại quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia”. Hồi đầu tháng, tiết lộ của Snowden cũng cho hay, Úc đã sử dụng sứ quán của mình ở Jakarta để thu thập thông tin tình báo về nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á theo sự dẫn dắt của Mỹ. Tờ The Australian ngày 19.11 dẫn lời chuyên gia kỳ cựu về do thám điện tử người Úc Des Ball nhận định Canberra nhiều khả năng còn nghe lén các lãnh đạo khác trên khắp Đông Nam Á.

Hai nước láng giềng Indonesia và Úc tuy có những khúc mắc lịch sử, nhưng là đối tác thương mại và an ninh sống còn của nhau, đặc biệt là trong mặt trận chống khủng bố sau vụ đánh bom đảo du lịch Bali của Indonesia khiến 88 người Úc thiệt mạng năm 2002. Gần đây, khi ông Abbott lên nắm quyền từ tháng 9.2013, quan hệ hai nước trở nên gay gắt do bất đồng về chuyện thuyền nhân vượt biên quá cảnh ở Indonesia trước khi đến Úc.

Trước sự tức giận của láng giềng, Thủ tướng Abbott hôm qua có ý xoa dịu khi nói rằng ông Yudhoyono “là một trong những người bạn tốt nhất của Úc”. “Đó là lý do tôi chân thành lấy làm tiếc về sự mất mặt mà báo chí gây ra cho ông ấy”, ông Abbott phát biểu. Tuy nhiên, ông vẫn khăng khăng rằng Úc sẽ không xin lỗi về hoạt động “nhằm bảo vệ quốc gia trong hiện tại cũng như quá khứ”.

Chiều qua, thông qua người phát ngôn, Tổng thống Yudhoyono nói rằng phát biểu của ông Abbott khiến Jakarta cảm thấy “bị xem thường” và kêu gọi Canberra có hành động “cứu vãn” quan hệ hai nước. Chưa biết tình hình những ngày tới sẽ ra sao khi mà nhiều công dân Indonesia lên tiếng đòi trục xuất Đại sứ Úc tại Jakarta, theo tờ Jakarta Post.

Thục Minh
(VP Singapore)

>> Indonesia 'xem xét lại' quan hệ hợp tác với Úc sau vụ bê bối nghe lén
>> Úc nghe lén Tổng thống Indonesia
>> Úc nghe lén điện thoại của vợ chồng tổng thống Indonesia
>> Bê bối nghe lén tiếp tục lan rộng
>> Lo sợ Mỹ nghe lén, nghị sĩ Thụy Sĩ muốn gặp Snowden
>> Tình báo châu Âu 'cấu kết' nghe lén
>> Quan chức Mỹ đổ lỗi nhau vụ nghe lén

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.