Khám phá chiến lược Bắc cực của Trung Quốc - Kỳ 2: Tham vọng xây dựng vị thế toàn cầu

22/11/2013 08:15 GMT+7

(TNO) Bắc Kinh lập luận rằng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS), Bắc Băng Dương là tài sản chung của nhân loại, và sự biến đổi khí hậu ở đây đã gây ra những hậu quả tiêu cực đối với an ninh lương thực của Trung Quốc, đặc biệt là lũ lụt ở vùng duyên hải.

>> Khám phá chiến lược Bắc cực của Trung Quốc - Kỳ 1: Cuộc đua của những 'ông lớn'

 
Một đoàn xe đi qua Bắc Cực - Ảnh: AFP

Vận động ngoại giao

Trung Quốc đã tăng cường hoạt động nghiên cứu địa cực. Từ năm 1985 đến năm 2012, Bắc Kinh đã tiến hành 5 cuộc thám hiểm Bắc cực và 28 cuộc thám hiểm Nam cực. Nước này cũng đã xây dựng Trạm nghiên cứu Hoàng Hà vào năm 2004 ở Ny-Alesund (Na Uy), và ký kết thỏa thuận với Công ty công nghệ Bắc cực Aker (Phần Lan) để đóng một tàu phá băng vào năm 2014, là chiếc thứ hai sau chiếc Tuyết Long mà Bắc Kinh đã mua của Ukraine vào năm 1993.

Ngoài ra, Trung Quốc còn có đại diện tham gia vào Ủy ban Khoa học Bắc cực, Tuần Hội nghị thượng đỉnh khoa học Bắc cực, Ủy ban Quản lý khoa học Bắc cực Ny-Alesund, và dự án Năm Quốc tế Địa cực.

Theo tờ The Diplomat, các động thái ban đầu của Trung Quốc trong chiến lược Bắc cực cho thấy Bắc Kinh đang háo hức để ngụy trang lợi ích thật sự của mình thông qua việc giám sát môi trường, bảo vệ đời sống Bắc cực, cũng như mối quan tâm về người dân bản địa.

Bắc Kinh hiện chi khoảng 60 triệu USD mỗi năm cho việc nghiên cứu địa cực, và đang xây dựng một Trung tâm nghiên cứu Bắc cực Trung Quốc - Bắc u ở Thượng Hải, và có kế hoạch gia tăng số lượng nhân viên nghiên cứu từ 5 lên đến... 1.000 người.

Thực tế, phương pháp này là khá thận trọng và có tầm nhìn xa, xuất phát từ nỗi ám ảnh về Mỹ và Canada, cùng với những động thái của Nga trong khu vực. Chẳng hạn như tuyên bố của Nga về chiến lược Bắc cực mới, sự hiện diện của Không quân và Hải quân Nga tại khu vực biên giới, và việc cắm cờ Nga ở Bắc cực vào năm 2007.

Bắc Kinh muốn truyền tải hình ảnh của Nga như là người hàng xóm nguy hiểm, còn Trung Quốc thì là “quốc gia yêu chuộng hòa bình”, và chỉ tập trung vào những chủ đề trung lập như tài trợ thám hiểm, nghiên cứu biến đổi khí hậu, hỗ trợ phát triển các dân tộc bản địa, bảo tồn văn hóa địa phương, thúc đẩy phát triển bền vững, vận động chống ô nhiễm môi trường và thúc đẩy du lịch.

Bằng cách phát triển vị thế mạnh mẽ trong các lĩnh vực này, Trung Quốc không chỉ có thể khai thác kiến thức của cộng đồng khoa học quốc tế mà còn có thể hợp tác với 6 tổ chức Bắc cực - là: Hội đồng Bắc cực Athabaskan, Hiệp hội quốc tế Aleut, Hội đồng quốc tế Gwich'in, Hội đồng Inuit Circumpolar, Hiệp hội Nga của người bản địa phương Bắc và Hội đồng Saami - là những tổ chức đại diện cho người dân bản địa và có tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bắc cực (AC).

Vì vậy, Bắc Kinh có thể vận động cho lợi ích của mình trong AC không qua con đường trực tiếp, mà sử dụng một kênh đặc biệt. Và nó đã chứng tỏ tính hiệu quả khi Trung Quốc trở thành quan sát viên thường trực của AC ngày 15.5.2013.

Tuy nhiên, các động thái ngoại giao không thôi thì có vẻ không giúp Trung Quốc kiếm được chiếc ghế thành viên thường trực của AC.

Chiêu bài “đồng tiền đi trước…”

Thật ra, những phương pháp tiếp cận “khoa học” nói trên chính là con đường dẫn đến mục tiêu thật sự của Trung Quốc ở Bắc cực, đó là lĩnh vực kinh tế và yếu tố địa chính trị.

Nhưng vì tính chất phức tạp trong các tranh chấp giành quyền khai thác tài nguyên khoáng sản giữa các quốc gia có lãnh thổ ở Bắc cực, nên có lẽ Trung Quốc trước mắt sẽ tập trung tìm kiếm các tuyến đường biển mới thay cho “tử lộ” Malacca.

Tuyến hải trình qua ngã Bắc cực sẽ cho phép Trung Quốc giảm chi phí vận chuyển, đa dạng hóa và đảm bảo an toàn cho hàng hóa, cũng như giảm nguy cơ xung đột với Hải quân Mỹ ở khu vực eo biển.

Nguyên Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhận thức rõ các lỗ hổng trong tuyến đường vận chuyển của Trung Quốc. Theo các nhà phân tích Trung Quốc, đến năm 2020, từ 5% đến 15% giao thương nước ngoài của Trung Quốc sẽ được vận chuyển qua tuyến hải trình biển Bắc.

Các chuyên gia tại Công ty vận tải Tschudi Shipping (Na Uy) ước tính rằng tuyến đường từ Kirkenes hoặc Murmansk đến Thượng Hải sẽ giảm tổng thời gian hải trình khoảng 16 ngày.

Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ ngày càng tăng buộc các công ty Trung Quốc phải đầu tư mạnh vào khai thác dầu khí và hoạt động vận chuyển. Rõ ràng những ước lượng về tài nguyên thiên nhiên ở Bắc cực đã hấp dẫn Bắc Kinh.

Tổng công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc đã trở thành đối tác thứ ba của tập đoàn dầu khí quốc doanh Nga Rosneft (cùng với Eni và Statoil) trong các dự án thăm dò Zapadno-Prinovozemelsky (biển Barents), Yuzhno-Russky và Medynsko-Varandeysky (biển Pechora).

Như vậy, mục tiêu của Trung Quốc không chỉ là quyền truy cập vào các mỏ dầu mới, mà còn sở hữu công nghệ khoan dầu hiện đại mà nước này hiện đang thiếu.

Nguồn tài nguyên chiến lược thứ hai mà Trung Quốc nhắm đến là quặng sắt. Sinosteel và Tổng công ty truyền thông Trung Quốc đã đầu tư vào dự án Isua ở Greenland, dự đoán sẽ khai thác 15 triệu tấn quặng sắt mỗi năm, bắt đầu từ năm 2015.

Hiện nay, các quốc gia như Iceland phụ thuộc rất nhiều vào kim ngạch xuất khẩu thủy sản, và Trung Quốc đã rất tích cực trong việc thiết lập liên hệ kinh tế song phương với các thành viên nhỏ hơn của Hội đồng Bắc cực nhằm đảm bảo sự hậu thuẫn cho chiếc ghế thành thành viên thường trực của mình.

Bắc Kinh đã thiết lập hệ thống với mục tiêu khuyến khích sự phụ thuộc kinh tế của các quốc gia Bắc cực nhỏ với Trung Quốc.

Trong năm 2010, Trung Quốc đã cung cấp cho Iceland hợp đồng hoán đổi tiền tệ bổ sung trị giá 500 triệu USD để hỗ trợ hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn của Iceland.

Cũng trong năm 2010, Đan Mạch đã ký thỏa thuận với Trung Quốc trị giá 740 triệu USD trong các lĩnh vực như năng lượng, nền kinh tế xanh, nông nghiệp và an ninh lương thực.

Vào năm 2011, Đại sứ Đan Mạch tại Trung Quốc đã tuyên bố ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc để trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bắc cực. Vào tháng 1.2013, đại diện của Thụy Điển và Na Uy trong cuộc họp của AC ở Tromsø thậm chí đã tuyên bố mong muốn bắt đầu quá trình thảo luận về vai trò của Trung Quốc trong AC.

Ngoài ra, gói hỗ trợ tài chính của Trung Quốc dành cho các nước nhỏ sẽ cho phép Bắc Kinh tham gia phát triển cơ sở hạ tầng ở Bắc cực. Đây là điều rất quan trọng nhằm duy trì hoạt động quanh năm của tuyến hải trình biển Bắc. Bao gồm xây dựng hải cảng, trạm sửa chữa tàu biển, đầu mối giao thông, và các trung tâm cứu hộ.

Hơn nữa, chi phí cao của các dự án phát triển cơ sở hạ tầng khoan dầu mới trong khu vực buộc các quốc gia Bắc cực phải thu hút đầu tư. Điều này mở ra cánh cửa cơ hội cho Trung Quốc nhằm phát triển ảnh hưởng và khả năng tiếp cận nguồn năng lượng trong tương lai.

Như vậy, có thể nói rằng chiến lược quốc tế mà Trung Quốc đang theo đuổi ở Bắc cực là hoàn toàn thực dụng. Không chỉ là phát triển kinh tế mà còn xây dựng vị thế toàn cầu của Trung Quốc...!

Nguyên Giang

>> Trung Quốc tranh phần tại Bắc Cực
>> Nga phủ điện Bắc Cực bằng nhà máy điện hạt nhân nổi
>> Nga phát hiện đảo mới ở Bắc Cực
>> Nga khôi phục căn cứ ở Bắc Cực
>> Quân đội Nga trở lại Bắc Cực sau hai thập niên
>> Trung Quốc tranh phần tại Bắc Cực
>> Nga di dời khẩn cấp trạm nghiên cứu Bắc Cực
>> Nga triển khai phi đội MiG-31 đến căn cứ Bắc Cực
>> Băng Bắc cực biến mất vào cuối thập niên này?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.