Nơi thân thuộc của học trò nghèo
|
Bốn năm học qua, Bếp ăn khuyến học (nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Sinh Sắc, P.1, TP.Sa Đéc) là địa điểm thân thuộc của hàng trăm học trò nghèo các trường THPT Nguyễn Du, THPT Sa Đéc, chuyên Nguyễn Đình Chiểu lui tới. Thấy các em học sinh vùng xa lên Sa Đéc học, gặp khó khăn trong ăn uống, thầy Nguyễn Văn Mốt, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Sa Đéc, đã thương cảm, liên hệ với hơn 500 giáo viên về hưu cùng địa phương bàn cách giúp các em.
Sau khi tập thể nhất trí mở bếp ăn, thầy Mốt liên hệ với phòng giáo dục trình bày ý định và được lãnh đạo phòng đồng tình, khuyến khích. Các thầy cô tiếp tục vận động nhà hảo tâm, chủ doanh nghiệp từng học ở Sa Đéc và các cựu giáo viên ủng hộ gạo, rau củ, thịt cá, tiền mặt... Một doanh nghiệp cho mượn đất lập bếp ăn trong thời hạn 5 năm. Các cựu giáo viên, người dân nấu ăn giỏi tình nguyện thay nhau nấu ăn miễn phí. Có thầy cô lấy cả tiền phúng điếu người thân vừa mất gửi bếp ăn để giúp bữa cơm cho học sinh nghèo.
Tháng 10.2010, bếp ăn chính thức đi vào hoạt động. Bà Lê Thị Xuân Thu, Phó trưởng ban bếp ăn nhớ lại, lúc đó đến liên hệ, ngỏ ý với hiệu trưởng và thầy cô chủ nhiệm các trường THPT thì họ rất mừng. Các trường giúp lọc ra danh sách học sinh khó khăn, nhà xa gửi đến đăng ký suất ăn hằng ngày. Ban đầu, có 163 học sinh đăng ký; năm học 2011-2012 tăng lên 212 em; năm học 2012-2013: 240 em và năm học 2013-2014: 261 em. Bếp phục vụ học sinh bữa cơm trưa hằng ngày, trừ ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ. Các món ăn chay, mặn có đủ để học sinh thoải mái lựa chọn. Thực đơn mỗi ngày cũng luôn thay đổi. Mỗi ngày, các cựu giáo viên của bếp ăn thay nhau điểm danh, căn theo đó nấu đủ khẩu phần để không dư, không thiếu.
Như nguồn động lực
Học sinh đến ăn trong trật tự, chọn khẩu phần ăn ngồi vào bàn và khi ăn xong thì phụ rửa chén đĩa. Nguyễn Ánh Tuyết (học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Du) cho biết đã đến bếp ăn trong suốt 3 năm học qua. Nhà ở xa, lại học 2 buổi nên mỗi trưa em không thể đạp xe về nhà. Lúc chưa có bếp ăn, buổi trưa em thường cùng các bạn xa nhà, có hoàn cảnh khó khăn khác chỉ ăn mì gói, hoặc ít bánh trái lót dạ, chờ buổi học chiều. Từ khi có bếp ăn, các em được ăn uống no đủ như ở nhà, bạn nào cũng mừng.
Bày tỏ lòng biết ơn các thầy cô, Nguyễn Văn Phú (học sinh lớp 11, Trường PHPT chuyên Nguyễn Đình Chiểu) viết thư tri ân: “Từ các món ăn, thùng nước miễn phí mà cô chú trang bị, con và các bạn đều hiểu được tất cả tình thương mà cô chú gửi vào đó. Nhờ có tình thương đó mà đám học trò ở trọ, xa nhà và hoàn cảnh khó khăn như chúng con có thể vượt qua mọi khó khăn để cố gắng học tập, tình thương đó như nguồn động lực thúc đẩy chúng con chăm chỉ hơn... Ngàn vạn lần không thể nói hết trong trang giấy, xin cô chú nhận ở chúng con sự trân trọng và biết ơn sâu sắc...”.
Bà Xuân Thu cho biết các thầy cô tham gia hoạt động của bếp ăn tuổi thấp nhất cũng là 65. Ngày xưa, các thầy cô gắn bó với nghề giáo, nay về hưu có tâm nguyện muốn tiếp tục giúp đỡ các học trò còn khó khăn. Bởi vậy, nhiều năm qua, các thầy cô vẫn âm thầm đóng góp công sức, tiền của vào bếp ăn; luôn hăng hái vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp các em có được bữa cơm ấm lòng.
Thanh Dũng
>> Cậu học trò nghèo ước mơ làm bác sĩ
>> Khát khao giảng đường của cô học trò nghèo
>> “Ông Bụt” của học trò nghèo
>> Nhà ăn cho học trò nghèo
>> Tiếp sức học trò nghèo
Bình luận (0)