Di tích chiến tranh là điểm nhấn khác biệt của du lịch VN để hấp dẫn khách du lịch trong cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực.
|
Dành một tháng để du lịch khắp VN hồi tháng 8 năm ngoái, Lee - Ann, một phụ nữ đến từ Albany (Úc) khẳng định chuyến tham quan sông Bến Hải, cầu Hiền Lương và DMZ (Demilitarized zone, khu phi quân sự - NV) ở tỉnh Quảng Trị là điểm nhấn của cả hành trình.
Hơn cả một tour du lịch!
“Đối với nhiều người Úc chúng tôi, điểm đến này có rất nhiều kỷ niệm, không chỉ trong lời bài hát”, Lee - Ann kể và khuyến khích du khách đến VN nên dành thời gian tham quan những địa điểm lịch sử này. Chris cũng là du khách người Úc, viết đầy đủ thông tin hơn về cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, DMZ trên một trang tư vấn du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới, rằng “Cây cầu cũ do người Pháp xây vẫn còn đó và bạn có thể đi bộ từ bên này sông qua bên kia. Cổng gác cũ cũng còn ở phía bờ Nam cây cầu...”. Nhiều du khách thừa nhận, chuyến tham quan sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là “more than just a tour” (hơn cả một chương trình du lịch).
|
Du lịch lịch sử (historical tour) rất phổ biến ở VN. Ngay từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, các công ty du lịch VN đã làm tour lịch sử cho các đoàn khách cựu chiến binh Mỹ, Úc. Vì thế, những di tích chiến tranh ở VN được nhiều người biết tới cho đến ngày nay và đối tượng du khách cũng được mở rộng ra nhiều thành phần, lứa tuổi. Hồi năm ngoái, hãng tin CNN (Mỹ) bình chọn địa đạo Củ Chi vào danh sách 12 công trình ngầm dưới lòng đất hấp dẫn nhất thế giới. Nhiều du khách quốc tế ca ngợi địa đạo Củ Chi là một bảo tàng ngoài trời rộng lớn. “Chúng tôi đã nghe và đọc rất nhiều về địa đạo Củ Chi, nhưng khi đến nơi thì vượt xa những gì tưởng tượng. Có rất nhiều thứ để xem và khám phá, bạn thậm chí còn chui vào đường hầm. Một chương trình rất thú vị khi đến TP.HCM”, Pat-du khách đến từ Nottingham (Anh) tâm sự. Địa đạo Củ Chi được du khách đưa vào danh sách những nơi “phải tham quan”.
Các công ty du lịch thiết kế tour để đón khách nước ngoài vào VN luôn có một phần điểm đến liên quan tới chiến tranh. Ở phía bắc là Điện Biên Phủ, nhà tù Hỏa Lò, cầu Long Biên; vào miền Trung là Khe Sanh, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, đồi Thịt Băm (Hamburger Hill ở Thừa Thiên-Huế), làng Sơn Mỹ (Quảng Ngãi); miền Nam là địa đạo Củ Chi, Côn Đảo, Hội trường Thống Nhất... Theo ông Nguyễn Trí Dũng - hướng dẫn viên tiếng Anh giàu kinh nghiệm, tìm hiểu về chiến tranh ở VN là một phần trong chuyến đi của du khách nước ngoài. “Mới đây tôi có đưa một gia đình du khách Mỹ đến thăm một ngôi làng người dân tộc ở Lộc Ninh (Bình Phước) vì nơi đây cha của ông bị pháo kích hồi năm 1967. Tôi cũng từng đưa nhiều du khách đến Pleiku (Gia Lai), Đường 9 Nam Lào, xuống căn cứ Đồng Tâm (Mỹ Tho), Bến Cát (Bình Dương), căn cứ không quân Biên Hòa... Còn tuyệt đại đa số khách đến TP.HCM đều dành thời gian tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Củ Chi”, anh Dũng cho biết.
Chưa khai thác hết
Theo Giám đốc Công ty du lịch Xuân Nam (chuyên đón khách Đức) Phạm Văn Du, để các di tích chiến tranh VN thu hút du khách nhiều hơn, điều cần thiết trước hết phải đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhiều di tích ở vùng sâu, vùng xa nên đường sá đi lại rất khó khăn. Như đường vào địa đạo Vịnh Mốc mùa mưa du khách dễ rơi xuống ruộng. Ngoài ra, các điểm đến lịch sử phải đào tạo đội ngũ thuyết minh giỏi, không chỉ truyền đạt nội dung đơn thuần mà còn phải thể hiện được cái hồn của điểm đến.
Còn hướng dẫn viên Nguyễn Trí Dũng thì cho rằng nhiều di tích chiến tranh được khai thác một cách sơ khai, cần chuyên nghiệp. Ví dụ như địa đạo Củ Chi tổ chức phục vụ du khách rất tốt. Tuy nhiên có lúc, nhiều người lại chạy xe máy ở bên trong, khiến không gian bị phá vỡ. Cùng nhìn nhận, theo ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, một số di tích, video chiếu cho du khách xem nên được biên tập lại để phù hợp với giai đoạn hiện nay. Các tour lịch sử nên tập trung để du khách thấy được ý nghĩa giáo dục về chiến tranh như nhân chứng, vật chứng về một giai đoạn lịch sử.
“Phải làm sao để khách có những trải nghiệm thật nhất, lột tả được những giá trị thật nhất của điểm đến. Có thể tổ chức cho những nhân chứng sống kể lại câu chuyện lịch sử cho du khách”, TS Phạm Trung Lương, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, bổ sung. Ông dẫn ví dụ, ở Củ Chi, ngoài câu chuyện về đường hầm còn phải có mô hình sáp sống động, phải có khu trưng bày để thấy được một giai đoạn ác liệt của lịch sử, kể cả âm thanh mô phỏng, để du khách thấy mình là người trong cuộc. “Kết hợp công nghệ hiện đại nhằm thu hút du khách, chứ chỉ mấy bức ảnh treo ở phòng trưng bày, du khách chui xuống hầm là xong. Nếu khách không hiểu hết giá trị của điểm đến, rất dễ nhàm chán. Vì thế phải đầu tư dưới sự chủ trì của cơ quan nhà nước”, ông Lương đề xuất.
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao Tổng cục Thống kê cho biết 4 tháng đầu năm nay khách quốc tế đến Việt Nam từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, khách đến từ Trung Quốc đạt hơn 804.000 lượt người, tăng 46,9%; khách Hàn Quốc 298.800 lượt, tăng 6,7%; khách Nhật Bản 222.300 lượt, tăng 8,5%; khách Mỹ 176.200 lượt, tăng 6,7%; khách Nga 155.100 lượt, tăng 37,4%; khách Úc 127.400 lượt, tăng 7,5%; khách Malaysia 115.900 lượt, tăng 15,8%... Như vậy, 4 tháng qua khách quốc tế đến nước ta đạt 3,1 triệu lượt người (tăng 27,3%), trong đó du lịch, nghỉ dưỡng là 1,9 triệu lượt người, tăng 25,3%... Q.M.Nhật |
N.Trần Tâm
>> Bảo tàng làm du lịch di sản
>> Tháng vàng du lịch di sản Huế
>> Hội An và du lịch di sản
Bình luận (0)