Di tích Phật viện Đồng Dương 'kêu cứu'

09/05/2014 09:00 GMT+7

Đã 14 năm được công nhận là di tích cấp quốc gia, thế nhưng Đồng Dương - Phật viện lớn nhất Đông Nam Á hồi thế kỷ thứ 9 vẫn chưa nhận được sự đầu tư, quan tâm đúng mức.

Dấu xưa chỉ còn chút... tháp Sáng

 Phần di tích tháp Sáng quý giá còn lại đang được chống đỡ - Ảnh: Hoàng Sơn

Chúng tôi về mảnh đất thiêng Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, H.Thăng Bình, Quảng Nam) nơi tọa lạc của Phật viện cùng tên vào đúng những ngày người dân cũng như lãnh đạo địa phương đang chờ kết quả công nhận di tích quốc gia đặc biệt, sau khi UBND tỉnh Quảng Nam đệ trình hồ sơ lên Bộ VH-TT-DL vào đầu tháng 2.2014. Kết quả này rất quan trọng bởi nó mang lại hy vọng được trùng tu sau 14 năm Phật viện phải chịu cảnh “hữu danh vô phận”.

Tại hiện trường, cảnh gạch đá đổ nát, cây cối “bao vây” um tùm di tích. Nếu không nhờ một mảng tường nham nhở “chờ sập” - một phần của tháp Sáng (cách gọi của người dân địa phương) đang được chống đỡ thì không ai nhận ra đó chính là Phật viện Đồng Dương nổi tiếng một thời. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều hiện vật bằng đá sa thạch có niên đại cả 1.000 năm đã bị xâm hại nghiêm trọng do người dân đốt rác gây cháy sém.

 

Bộ VH-TT-DL trả lời nhưng chưa nhắc gì đến trách nhiệm của mình và chưa có hướng gì sáng ra... Ít ra, trong năm 2014 phải có động tĩnh gì chứ. Nếu không sớm bảo tồn đến khi nó đổ xuống thì giá trị suy giảm rất nhiều

Ông Trần Xuân Vinh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Ông Trà Tấn Thành, Phó bí thư Đảng ủy xã Bình Định Bắc cho biết trong diện tích 250 ha được khoanh vùng bảo vệ chỉ còn một phần của tháp Sáng là di tích sót lại. Đã qua 2 lần thay khung bảo vệ nhưng di tích vẫn đang xuống cấp từng ngày. “Những năm về trước, có nhiều đối tượng xấu vào địa phương và lấy cắp khá nhiều hiện vật từ khu di tích. Gần đây nhất là vào năm 2012, một người lạ mặt vào lấy cắp tấm bia bằng đá trên đó có khắc nhiều ký tự định mang đi bán. Người dân phát hiện được đã ngăn chặn, sau đó, tấm bia được đem về trụ sở xã để bảo vệ từ đó đến nay”, ông Thành nói.

Đầu tư trùng tu chưa tương xứng

Ông Trần Xuân Vinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam cho biết từ năm 2000 đến nay đã 14 năm Đồng Dương được công nhận là di tích quốc gia, thế nhưng việc đầu tư, trùng tu vẫn chưa tương xứng. Qua các đợt tiếp xúc cử tri cũng như các kỳ họp HĐND tỉnh, nhiều đại biểu đã có kiến nghị vấn đề này.

Đầu năm nay, đoàn ĐBQH Quảng Nam cũng đã có công văn đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ VH-TT-DL và các bộ ngành liên quan sớm quan tâm, có giải pháp kịp thời để bảo tồn khu di tích Phật viện Đồng Dương.

 Những bức ảnh được chụp từ đầu thế kỷ 20 cho thấy một thời hoàng kim của Phật viện Đồng Dương - Ảnh: Chụp lại tư liệu

Tuy nhiên, phúc đáp công văn này, Bộ VH-TT-DL cho rằng nguồn vốn hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đang tập trung đầu tư cho nhiều dự án bảo tồn di tích lớn, có tính cấp bách. Chính vì thế, Bộ lại đề nghị tỉnh Quảng Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ việc tu bổ di tích này bằng nguồn hỗ trợ có mục tiêu của Chính phủ. Ông Vinh nhận định: “Bộ VH-TT-DL trả lời nhưng chưa nhắc gì đến trách nhiệm của mình và chưa có hướng gì sáng ra... Ít ra, trong năm 2014 phải có động tĩnh gì chứ. Nếu không sớm bảo tồn đến khi nó đổ xuống thì giá trị suy giảm rất nhiều”.

Theo cuốn Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Quảng Nam do Trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam xuất bản năm 2011, năm 875, vua Indravarman II đã cho xây dựng một tu viện Phật giáo thờ vị Bồ tát bảo hộ cho vương triều là Laksmindra Lokesvara Svabhayada. Đây chính là di tích Đồng Dương ngày nay. Năm 1902, kiến trúc sư kiêm khảo cổ học H.Parmentier (Pháp) đã khai quật di tích Đồng Dương và tìm thấy khu kiến trúc chính của khu đền thờ cùng với nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá.

Hoàng Sơn

>> Lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương
>> Phật viện Đồng Dương được đề nghị là di tích quốc gia đặc biệt
>> Kỹ thuật chống đỡ mới tại Phật viện Đồng Dương
>> Phật viện Đồng Dương có thể được công nhận Di sản văn hóa thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.