Xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm: Nguyễn Đức Kiên phủ nhận các tội danh

27/05/2014 00:22 GMT+7

Hôm qua 26.5, bước vào ngày làm việc thứ 6, các luật sư tiếp tục thẩm vấn bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, giám định viên... để làm rõ các tội danh mà cáo trạng truy tố.


Nguyễn Đức Kiên trong phiên xử ngày 26.5 - Ảnh: Hà An 

Trong buổi sáng, nhiều luật sư (LS) đã tham gia xét hỏi bị cáo Nguyễn Đức Kiên để làm rõ các tội danh mà cáo trạng truy tố. Vừa đứng vào vành móng ngựa, bị cáo Kiên nói ngay: “Là công dân, tôi chấp hành lệnh bắt, nhưng tôi không phạm tội như lệnh bắt ghi, không kinh doanh trái phép, không làm gì ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của nhà nước... Tôi đã có đơn gửi cơ quan điều tra để kêu oan”. Chủ tọa phiên tòa nhắc nhở: “Đề nghị bị cáo trả lời câu hỏi của LS”.

“Ở VN không ai lừa được anh Long”

LS Bùi Quang Nghiêm (Đoàn LS TP.HCM) hỏi về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Công ty TNHH MTV Hòa Phát, bị cáo Kiên trả lời: “Cho đến khi bị bắt, tôi đã thực hiện thỏa thuận với anh Long (Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát - PV), thực tế là cung ứng dịch vụ theo điều 74 luật Thương mại, hoán đổi cổ phiếu chứ không lừa ai hết”. LS Nghiêm: “Tôi chuyển qua hành vi cố ý làm trái, vai trò của bị cáo ở ACB?”. Bị cáo Kiên trả lời: “Sau 21 tháng bị giam, đến ngày hôm nay tôi cũng không rõ vì sao tôi bị bắt giam và bị truy tố vì tội cố ý làm trái, vì vai trò của tôi ở ACB được phân biệt theo 2 thời kỳ. Năm 1993-2008 tôi là người chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn năm 2008 đến khi bị bắt, tôi chỉ làm tư vấn hội đồng sáng lập, nên không có quyền chỉ đạo, không có thẩm quyền ra lệnh cho các thành viên...”.

Chủ tọa nhắc: “Câu hỏi này, ngay từ đầu bị cáo đã khẳng định là không có tội nên không cần phải nói nữa. Đề nghị LS chuyển câu hỏi”. LS Nghiêm: “Bị cáo đang bị truy tố về tội trốn thuế, ý kiến ra sao?”. Bị cáo Kiên: “Giám định viên Bộ Tài chính đã mắc một số sai lầm cơ bản những quy định tối thiểu của pháp luật. Đại diện Bộ Tài chính và giám định viên căn cứ vào 5 tài liệu để kết luận. Tôi cho rằng có 2 tài liệu quan trọng mà cơ quan điều tra không chuyển cho họ là phụ lục giữa tôi và Hương (Nguyễn Thị Thúy Hương, em gái Kiên - PV) và biên bản xác nhận số lỗ của Công ty B&B vào ngày 31.12.2010 là 268 tỉ đồng. Hai tài liệu này thể hiện đúng bản chất kinh doanh của công ty". Trong khi đó, trả lời LS, ông Nguyễn Quang Hưng, giám định viên Bộ Tài chính khẳng định: "Trong kết quả giám định, số tiền 25 tỉ đồng được xác định là số thuế phát sinh từ hợp đồng ủy thác. Tôi chịu trách nhiệm về kết quả giám định của tôi".

Tương tự, về hành vi kinh doanh trái phép, bị cáo Kiên khai việc thành lập 6 công ty được cơ quan chức năng cho phép và kinh doanh hoàn toàn đúng pháp luật. Vào buổi chiều, khi LS nhắc lại hành vi trong cáo trạng quy kết lừa đảo 264 tỉ đồng của Công ty TNHH MTV thép Hòa Phát, bị cáo Kiên nói: “Tôi không tin ở VN có ai lừa được anh Long. Tôi không thiếu tiền để chiếm đoạt tiền của ai...”.

Cho cá nhân đi gửi tiền để “dàn trải rủi ro”

Cũng sáng qua, đại diện Công ty kiểm toán PwC được thẩm vấn về quá trình kiểm toán phát hiện ra sai sót của ACBS trong việc đầu tư cổ phiếu ACB. Đại diện PwC cho biết: “Trong một đợt rà soát báo cáo tài chính của ACBS, chúng tôi phát hiện một bảng kê chi tiết về các khoản đầu tư, trong đó có khoản mua cổ phiếu của ACB. Với thông tin này chúng tôi đã trao đổi với ông Lý Xuân Hải. Ông Hải tỏ ra ngạc nhiên và tức giận nói sẽ tìm hiểu chi tiết vấn đề này. Sau đó ở một bảng kê chi tiết khác gửi cho chúng tôi không còn khoản đầu tư này nữa".

Trả lời câu hỏi của LS liên quan việc ACBS hợp tác đầu tư với ACI đầu tư cổ phiếu, bị cáo Lý Xuân Hải nói:"Tôi không can thiệp cụ thể vào hoạt động của ACBS. Khi PwC kiểm toán, tôi bất ngờ vì có hàng trăm cổ phiếu đầu tư”. Về khoản tiền gửi tiết kiệm, bị cáo Hải thừa nhận: "Tôi chủ trương cho cá nhân đi gửi tiền vì ít rủi ro hơn và dàn trải rủi ro hơn. Kế toán trưởng được giao nhiệm vụ điều hành tất cả, chỉ báo cáo với tôi về tổng tiền gửi và khi có sự cố".

ACB yêu cầu Vietinbank bồi thường

Mặc dù cáo trạng truy tố nguyên các lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cố ý làm trái vì đã mang 718 tỉ đồng đi gửi tín dụng dẫn đến việc bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, cũng như thiệt hại 687 tỉ đồng khi đầu tư cổ phiếu, nhưng khi trả lời câu hỏi “ACB có đòi Nguyễn Đức Kiên và các lãnh đạo nguyên thường trực HĐQT phải bồi thường thiệt hại này?” của LS Kiều Thị Vũ Uyên (bào chữa cho bị cáo Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên HĐQT ACB), ông Lê Thanh Hải, người đại diện ACB, nói: "Do ACB chưa có thiệt hại nên không yêu cầu bồi thường”. Còn 718 tỉ đồng bị Huyền Như chiếm đoạt, ông Hải vẫn giữ quan điểm: “Yêu cầu Vietinbank phải bồi thường”.

Trước đó, trả lời LS Nguyễn Minh Tâm (bào chữa cho Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang, nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB) về khoản tiền mà ACB chuyển cho Công ty ACI và ACI-HN để mua cổ phiếu thông qua Vietbank, dẫn đến việc chưa thu hồi được 614 tỉ đồng (chưa kể 73 tỉ đồng phát sinh từ lãi suất), đại diện Vietbank thừa nhận khoản nợ 1.193 tỉ đồng với ACB vì chưa đến hạn thanh toán và sẵn sàng trả nợ đúng quy định.

Hoàng Tuấn - Hà An

>> Nguyễn Đức Kiên liên tục nhận và gỡ tội cho cấp dưới
>> Bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Ở Việt Nam không ai có thể lừa được anh Long
>> Xét xử Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm: Luật sư truy trách nhiệm của Vietinbank
>> Xét xử Nguyễn Đức Kiên cùng 8 đồng phạm: Tranh cãi hành vi kinh doanh trái phép
>> Xét xử Nguyễn Đức Kiên và 8 đồng phạm: Các bị cáo phản ứng cáo trạng
>> Bắt giam thêm 4 bị cáo trong vụ án Nguyễn Đức Kiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.