Xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm: Các luật sư quy kết do... thiếu văn bản hướng dẫn

29/05/2014 02:00 GMT+7

Hôm qua 28.5, bào chữa cho các bị cáo về hành vi cố ý làm trái, nhiều luật sư đã cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước chậm ban hành văn bản hướng dẫn là nguyên nhân xảy ra vụ án.

Nguyễn Đức Kiên
 Nguyễn Đức Kiên cùng các đồng phạm - Ảnh: Nam Anh

Cũng giống như ngày đầu tiên trong phần bào chữa, các luật sư (LS) đều khẳng định thân chủ của họ không phạm tội cố ý làm trái. Các LS cho rằng, tội danh cố ý làm trái phải là những người có chức vụ, quyền hạn và cố ý làm trái các quy định nhà nước gây thiệt hại về kinh tế. Tuy nhiên, trong vụ án này Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) không thiệt hại tài sản. Cụ thể, số tiền 718 tỉ đồng mà bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt đến nay chỉ mới được TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm, chưa có phán quyết cuối cùng nên không xác định hậu quả tại phiên tòa. Còn số tiền 687 tỉ đồng mua cổ phiếu của ACB thì các bên vẫn đang thực hiện hợp đồng đầu tư, cam kết trả nợ với nhau đúng thời hạn…

Bào chữa cho bị cáo Trịnh Kim Quang (nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB) bị cáo buộc về tội cố ý làm trái, LS Nguyễn Minh Tâm đã dành nhiều thời gian để phân tích những văn bản hướng dẫn về vấn đề ủy thác trong hoạt động tín dụng để quy trách nhiệm cho NHNN. Theo LS Tâm, cáo trạng của Viện KSND tối cao truy tố các bị cáo nguyên lãnh đạo ACB đem 28.379 tỉ đồng ủy thác cho nhân viên gửi vào 22 ngân hàng (NH) đã vi phạm vào điều 106 luật Tổ chức tín dụng (TCTD). Tuy nhiên, trước khi luật TCTD có hiệu lực (ngày 1.1.2011) thì các NH đều được phép ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền tại những TCTD theo Quyết định 742 ngày 17.7.2002. Sau khi luật TCTD có hiệu lực, trong một thời gian dài, NHNN không ban hành bất cứ một văn bản nào hướng dẫn thì mặc nhiên NH vẫn được quyền áp dụng Quyết định 742.

Cũng theo LS Tâm, trong hồ sơ vụ án có Công văn số 350 do ông Đặng Văn Thảo, Phó chánh thanh tra NHNN ký (ngày 17.5.2012), trả lời Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) cho rằng việc ủy thác cho nhân viên NH đem gửi các TCTD là vi phạm điều 106 luật TCTD, chỉ là văn bản mang tính chất tham khảo như ông Thảo đã thừa nhận tại phiên tòa. “Vì giải thích luật chỉ có Ủy ban Thường vụ QH, chứ không phải là NHNN. Tuy nhiên, không hiểu vì sao cơ quan CSĐT lại dựa vào công văn này để xử lý hình sự các lãnh đạo của ACB, trong đó có ông Quang”, LS Tâm lập luận. 

Bào chữa cho bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) và Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên HĐQT ACB), LS Lưu Văn Tám đặt vấn đề: “Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn không có nghĩa là NH phải dừng mọi hoạt động ủy thác đang thực hiện dở dang. Nếu chờ hướng dẫn toàn bộ hệ thống NH thương mại sẽ bị tê liệt hoàn toàn”.

Trong bài bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên, LS Hoàng Đôn Hùng cũng cho rằng: “Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, NHNN đã thiếu trách nhiệm khi biết rõ luật có hiệu lực nhưng chậm ban hành văn bản hướng dẫn (đến ngày 8.3.2012 mới ban hành Thông tư 04 siết chặt quy định hoạt động ủy thác - PV); không cảnh báo, nhắc nhở; không phát hiện ngay lập tức; không ngăn chặn xử lý các sai phạm về ủy thác của các NH dẫn đến hậu quả nhiều cá nhân trong vụ án này bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý làm trái. Nếu quy kết các bị cáo tội cố ý làm trái thì hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng hoạt động để chờ thêm 2 năm NHNN đưa ra hướng dẫn việc thực hiện ủy thác theo luật TCTD. Với các lý do trên, tôi kiến nghị HĐXX xem xét khởi tố vụ án tại NHNN để làm rõ và xử lý hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng của từng cá nhân có liên quan”…

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các LS.

LS làm "nóng" lại vụ Huyền Như

Để bào chữa cho 6 bị cáo nguyên là lãnh đạo ACB, nhiều LS đã “khơi” lại vụ án lừa đảo của Huyền Như và trách nhiệm của Ngân hàng TMCP Công thương VN (Vietinbank). Theo LS Nguyễn Minh Tâm, muốn xử lý hành vi cố ý làm trái thì phải có hậu quả, nhưng qua việc ủy thác, ACB đã thu lãi được hơn 1.162 tỉ đồng. Còn 718 tỉ đồng bị Huyền Như chiếm đoạt là chiếm đoạt của Vietinbank, chứ không phải của ACB. “Vì vậy, đại diện ACB không công nhận mình dự phiên tòa với tư cách nguyên đơn dân sự trong vụ án này do tiền của ACB vẫn còn trong túi Vietinbank”, LS Tâm nói.

LS Vũ Xuân Nam cũng dành nhiều thời gian “xoáy” lại phiên tòa sơ thẩm tại TAND TP.HCM xét xử Huyền Như về tội lừa đảo (đã phạt tù chung thân - PV) để quy trách nhiệm cho Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường 718 tỉ đồng cho ACB. Đồng thời, LS Nam kiến nghị đưa vụ Huyền Như và trách nhiệm của Vietinbank vào trong vụ án này. Chưa hết, LS Nguyễn Danh Tín còn nhận định: “Nếu như tách vụ án Huyền Như ra khỏi vụ án Nguyễn Đức Kiên thì rất dễ xảy ra tiền lệ án chồng án, không phù hợp với nguyên tắc tố tụng”.

Cũng trong chiều qua, nhiều LS khác cũng đã chuẩn bị phần phát biểu liên quan đến việc Huyền Như chiếm đoạt của ACB, nhưng chủ tọa phiên tòa phải cắt lời để chuyển qua nội dung bào chữa khác.

Hoàng Tuấn - Hà An

 >> Nguyễn Đức Kiên bị đề nghị mức án tổng hợp 30 năm tù
>> Xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm: Nguyễn Đức Kiên phủ nhận các tội danh
>> Nguyễn Đức Kiên liên tục nhận và gỡ tội cho cấp dưới
>> Bị cáo Nguyễn Đức Kiên: Ở Việt Nam không ai có thể lừa được anh Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.