Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hôm 31.5 tố cáo Trung Quốc có “nhiều hành động gây bất ổn ở biển Đông” đồng thời cam kết hỗ trợ các quốc gia yếu hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại Đối thoại Shangri-La - Ảnh: Reuters |
Ông Chuck Hagel đã nói như vậy trong bài phát biểu về “Đóng góp của Mỹ đối với sự ổn định của khu vực” tại Diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương có tên gọi Đối thoại Shangri-La (SLD), diễn ra từ ngày 30.5 - 1.6 tại Singapore. “Hôm nay, tôi trở lại khu vực này lần thứ năm trong vòng một năm với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng và tái khẳng định rằng những cam kết của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương là bền bỉ”, ông nói.
Và giữa lúc đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội, kỹ thuật..., cũng như có nhiều quốc gia đang đóng góp gìn giữ an ninh, khu vực này, theo ông, cũng đang đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng. Nóng bỏng nhất là tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông, ông chỉ ra. Nhưng điều quan trọng, theo ông, là “liệu các quốc gia có muốn giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao, các quy ước và luật lệ quốc tế chặt chẽ hay không, hay lại chọn cách cưỡng bức và khủng bố tinh thần”, thực trạng đang được nhìn thấy rõ ràng nhất ở biển Đông.
Ông chỉ ra sự bất nhất giữa lời nói và hành động của Trung Quốc: “Trung Quốc luôn gọi biển Đông là vùng biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Nhưng mấy tháng gần đây, Trung Quốc đã thực hiện nhiều hành động đơn phương, gây bất ổn nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này”. Chiếm giữ và ngăn chặn lối vào bãi cạn Scarborough, gây áp lực lên Philippines ở bãi Cỏ Mây, tiến hành nhiều hoạt động xây đảo nhân tạo ở nhiều vị trí, đem giàn khoan vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là những hành động mà ông Hagel gọi là “gây bất ổn”.
“Lập trường của Mỹ là rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ nhưng chúng tôi mạnh mẽ phản đối bất kỳ quốc gia nào lấy việc khủng bố tinh thần, cưỡng bức hay đe dọa dùng vũ lực để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình”, ông nói.
Trước việc Trung Quốc đơn phương lập ra vùng nhận diện phòng không (ADIZ) với những yêu sách quá đáng ở biển Hoa Đông vào tháng 11.2013 và lăm le làm điều tương tự ở biển Đông, ông Hagel cảnh cáo: “Chúng tôi phản đối mọi nỗ lực của quốc gia nhỏ hay lớn nào nhằm hạn chế quyền tự do đi lại trên không cũng như trên biển bất kể đối với phương tiện quân sự hay dân sự”. Ông cũng khẳng định lại tuyên bố của Washington rằng quân đội Mỹ không tuân thủ ADIZ ở biển Hoa Đông vốn trùm lên vùng đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản đang kiểm soát và nằm dưới sự bảo trợ của hiệp ước quân sự Mỹ - Nhật. “Mỹ sẽ không đứng nhìn khi những nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức”, ông Hagel nói cứng.
Và ông cũng cảnh báo: “Các quốc gia trong khu vực, gồm cả Trung Quốc, chỉ có một lựa chọn: thống nhất và cam kết vì một trật tự ổn định hoặc quay lưng với cam kết đó để gây nguy cơ cho hòa bình và an ninh vốn ảnh hưởng đến hàng triệu người ở châu Á - Thái Bình Dương và hàng tỉ người khắp thế giới”. “Mỹ sẽ ủng hộ những nỗ lực làm giảm căng thẳng và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế”, ông nói thêm.
Hơn 400 nhà quân sự, học giả, nhà ngoại giao và báo chí quốc tế tham dự diễn đàn đánh giá những lời lẽ của ông Hagel gửi đích danh đến Bắc Kinh là “cứng rắn nhất từ trước đến nay” trong cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc phát biểu tại SLD.
Hỗ trợ đồng minh và các đối tác
Trước sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với gần 1,5 tỉ dân, ông Hagel nhắc lại lời Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu hồi đầu tuần này ở trường võ bị West Point: “Mỹ phải luôn dẫn dắt thế giới. Nếu không, chẳng ai khác sẽ làm việc này”. Và để làm việc đó, bên cạnh hợp tác với Bắc Kinh nhằm “ngăn những hành vi khiêu khích và giảm nguy cơ va chạm và tính toán sai lầm”, Washington cũng tăng cường năng lực quân sự cho các đồng minh và đối tác và cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở khu vực.
Lý giải việc tăng cường năng lực cho các quốc gia khác, người đứng đầu Lầu Năm Góc dẫn lời tướng George Marshall, từng là Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao của Washington: "Sức mạnh của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào quân đội, số máy bay và chiến hạm mà còn được đo bằng sức mạnh của bạn bè và các đồng minh”. Trong số đó, Nhật và Hàn Quốc đương nhiên là ưu tiên hàng đầu của Mỹ. Ông Hagel liệt kê một loạt thiết bị quân sự tân tiến đã, đang và sẽ được đưa tới hai quốc gia này. Đặc biệt là hỗ trợ Nhật cởi trói và chuyển hóa quân đội, tiến đến một Lực lượng phòng vệ toàn diện. Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc cũng đẩy mạnh hơn nữa hợp tác với Ấn Độ, Úc, New Zealand và ASEAN, ông Hagel cho biết.
Đáng chú ý, trong bài phát biểu của mình, ông Hagel cũng thông báo: “Trong sáng nay, tôi sẽ gặp đại tướng Việt Nam Phùng Quang Thanh”. Dẫn sự tương đồng là cùng tham gia quân đội ở mỗi nước vào năm 1967, cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam này nói với thái độ gần gũi: “Hôm nay, đại tướng Thanh và tôi sẽ gặp trong tư cách Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, để bàn bạc với nhau việc tăng cường các mối quan hệ quốc phòng đang tiến triển”. Và như khép lại quá khứ quan hệ khó khăn giữa hai quốc gia, giữa hai người từng đứng ở hai chiến tuyến, người đứng đầu Lầu Năm Góc nói: “Lịch sử chứa đựng đầy nghịch lý, và đó là lý do Mỹ phải nắm vai trò dẫn dắt và sẽ tiếp tục dẫn dắt với thái độ khiêm tốn”.
Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc “không gây rối” Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Malaysia Najib Razak tại Bắc Kinh ngày 30.5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định tình hình hiện nay ở biển Đông “nói chung ổn định nhưng có nhiều dấu hiệu đáng chú ý”, theo Tân Hoa xã. Ông Tập còn nhấn mạnh Trung Quốc yêu chuộng hòa bình và ổn định ở biển Đông nhưng “phản đối việc làm phức tạp hóa, mở rộng hay quốc tế hóa các tranh chấp về chủ quyền ở khu vực”. Ông Tập còn cảnh báo: “Chúng tôi không gây rối nhưng sẽ phản ứng một cách cần thiết đối với sự khiêu khích của các nước liên quan”. Ông cũng kêu gọi Trung Quốc và Malaysia tăng cường đối thoại liên lạc, hợp tác biển, cùng duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông. Đáp lại, Thủ tướng Najib cho rằng các bên tham gia tranh chấp ở biển Đông cần giải quyết bất đồng một cách hợp lý nhất thông qua liên lạc và đối thoại trực tiếp. Văn Khoa |
Thục Minh
>> Việt Nam, Mỹ cùng tiếng nói về vấn đề biển Đông
>> Nhật ủng hộ cách giải quyết của Việt Nam tại biển Đông
>> Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: Trung Quốc 'hành động đơn phương' gây bất ổn biển Đông
>> Tranh thủ ý kiến ủng hộ VN của giới luật gia các nước về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông
Bình luận (0)